Lợi nhuận hàng nghìn tỉ đồng không quá khó
Một trong những đặc điểm rất nổi bật trong kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của HoSE chính là giá vốn bán hàng chiếm một tỉ trọng cực thấp trong tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp này. Cụ thể, tổng doanh thu của HoSE 6 tháng đầu năm đạt gần 1.300,4 tỉ đồng thì trong đó, giá vốn bán hàng chỉ chiếm xấp xỉ 36,67 tỉ đồng, chính vì thế đã mang đến cho HoSE khoản lợi nhuận gộp lên đến hơn 1.263 tỉ đồng, gấp hơn 34 lần giá vốn bán hàng. Có thể thấy rằng, chỉ những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ “một mình một chợ” nhờ cơ chế của nhà nước như HoSE mới có thể đạt được mức tỉ suất lợi nhuận như vậy, mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng mơ nhưng có lẽ hầu như bất khả thi.
Chi phí lớn nhất tại HoSE trong 6 tháng đầu năm 2021 chính là chi phí quản lý doanh nghiệp, trên 269 tỉ đồng. Tuy nhiên tổng kết lại, 6 tháng đầu năm HoSE vẫn đạt hơn 1.020 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. So với cùng kỳ năm 2020 (đạt hơn 238,6 tỉ đồng), mức lợi nhuận này tăng mạnh gấp gần 4,3 lần. Một điều rất rõ mà hầu như ai cũng có thể thấy, khoản lợi nhuận “khủng” nghìn tỉ đồng HoSE đạt được một cách có lẽ không quá khó khăn nhờ vào sự bùng nổ thanh khoản trên sàn giao dịch HSX.
Nhưng cần phải làm rõ thêm, thanh khoản trên sàn HSX tăng mạnh gấp 4-5 lần so với trước thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19 đến trực tiếp từ số lượng nhà đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân trong nước - F0) tăng mạnh. Các Fn và đặc biệt là F0 đã đổ nhiều tiền vào thị trường chứng khoán, cùng với khoản tiền vay giao dịch ký quỹ (margin) có thời điểm lên tới hơn 100.000 tỉ đồng trên toàn thị trường. Thế nhưng ngay cả việc thu hút nhà đầu tư giao dịch, HoSE cũng không phải tốn công sức hay chi phí để thực hiện, bởi việc đó đã có các công ty chứng khoán lo.
Nhà đầu tư sốt ruột
Về nguyên tắc, khách hàng của HoSE chính là các công ty chứng khoán kết nối với hệ thống của HoSE, còn gọi là các sàn thành viên. Nhưng các thành viên trong hàng chục năm qua, thường phải lụy HoSE, thậm chí dù có không đồng tình hoặc bức xúc trước cách điều hành của HoSE cũng đành nín chịu để được yên ổn kinh doanh.
Nhưng về bản chất, khách hàng “nuôi sống” và “làm giàu” cho các công ty chứng khoán và HoSE không ai khác chính là các nhà đầu tư lớn nhỏ trong nước và ngoài nước. HoSE có được lượng khách hàng này lên đến con số hàng triệu mà không phải tốn chi phí truyền thông, marketing. Thế nhưng, nhà đầu tư đã được gì từ HoSE khi họ vẫn phải đóng đầy đủ các loại phí nuôi sống bộ máy và làm giàu cho HoSE khi suốt 6 tháng đầu năm 2021 hệ thống giao dịch của HoSE liên tiếp xảy ra tình trạng nghẽn lệnh giao dịch?
Vâng, vấn đề nổi cộm nhất, và cũng gây bức xúc nhất chính là tình trạng trên, kéo dài từ giữa tháng 12.2020 đến hết tháng 6.2021. Tình trạng đó phải cho tới khi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính vào cuộc, tình trạng nghẽn lệnh giao dịch mới có giải pháp xử lý dứt điểm như chúng ta đã biết.
Và nhà đầu tư, cho tới thời điểm này tiếp tục sốt ruột với việc quyền lợi của họ chưa được HoSE quan tâm. Đơn cử, sau khi hệ thống giao dịch mới của FPT chính thức được vận hành và chạy suôn sẻ, điều nhà đầu tư mong chờ là giảm lô giao dịch tối thiểu từ 100 cổ phiếu trở lại mức 10 cổ phiếu như trước hoàn toàn không được đả động tới. Bằng chứng, Quyết định 352/QĐ-SGDHCM về quy chế giao dịch chứng khoán tại HoSE chính thức có hiệu lực từ ngày 5.7.2021 được ban hành cũng không hề đề cập tới việc điều chỉnh lô giao dịch tối thiểu cổ phiếu trên sàn HSX về lại mức 10 cổ phiếu.
Thế Lâm