Trong tuần từ 7/7 - 11/7/2025, các quỹ ETF đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam đảo chiều vào ròng mạnh 773 tỷ đồng. Đây là phiên ghi nhận giá trị vào ròng lớn nhất kể từ đầu năm 2025, theo thống kê từ FiinTrade.
Trong đó, động thái vào ròng diễn ra ở 7/20 quỹ, tập trung phần lớn ở quỹ ngoại VanEck Vietnam ETF. Các quỹ ETF ngoại đảo chiều vào ròng hơn 412 tỷ đồng, tập trung phần ở quỹ VanEck Vietnam ETF (+533 tỷ đồng). Quỹ ETF ngoại này mua ròng các cổ phiếu VHM, VIC, HPG, VNM, SSI. Ngược lại, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF ghi nhận bị rút ròng gần 121 tỷ đồng.
Giá trị vào ròng ở các quỹ ETF nội ghi nhận hơn 360 tỷ đồng, tập trung phần lớn ở quỹ VFM VNDiamond ETF (+396,4 tỷ đồng). Ở diễn biến ngược lại, quỹ Vina Capital VN100 ETF và Kim Growth VNFinSelect ETF bị rút ròng lần lượt hơn 14 tỷ đồng và 13 tỷ đồng.
Tháng 7/2025, các quỹ ETF ghi nhận vào ròng hơn 560 tỷ đồng, tổng giá trị rút ròng từ đầu năm 2025 ghi nhận hơn 7,5 nghìn tỷ đồng (thấp hơn so với năm 2024 - 21,8 nghìn tỷ đồng).
Tại ngày 11/7/2025, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF (chỉ tính các phân bổ vào thị trường Việt Nam) đạt hơn 61 nghìn tỷ đồng, tăng +6,4% so với cuối năm 2024.
Riêng trong ngày hôm nay (14/7/2025), quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF tiếp tục bị rút ròng hơn 30 tỷ đồng. Quỹ này bán ròng các cổ phiếu với tổng giá trị ước tính đạt hơn 31 tỷ đồng. Top bán ròng là HPG (-116 nghìn cổ phiếu, -3 tỷ đồng), SSI (-60 nghìn cổ phiếu, -1,8 tỷ đồng), SHB (-54 nghìn cổ phiếu, -800 triệu đồng), VND (-47 nghìn cổ phiếu -800 triệu đồng), VHM (-47 nghìn cổ phiếu, -4,1 tỷ đồng). Bên cạnh đó, quỹ VFM VNDiamond ETF và quỹ VEM VN30 ETF không có biến động về dòng tiền.
Nhận định về xu hướng dòng vốn ngoại nói chung, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng, một dấu hiệu đang cho thấy các nhà đầu tư đang phân bổ mạnh vào cổ phiếu. Theo dữ liệu của BofA, danh mục đầu tư của khách hàng tại ngân hàng này đã lên đến 64% vào cổ phiếu, mức này đang gần với vùng cao nhất trong năm 2021 là 66%. Đồng thời, tỷ lệ tiền mặt cũng đạt mức 10.7% - Mức thấp nhất kể từ 2021.
Khối ngoại đã quay trở lại mua ròng mạnh kể từ phiên 02/07/2025 với giá trị mua ròng lũy kể trong tháng 07/2025 là 11.556 tỷ. Giá trị mua ròng chủ yếu tập trung ở SSI, FPT, SHB, HPG,…
Trong lịch sử, giai đoạn 12/2017 – 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có đà tăng mạnh nhờ sự hỗ trợ của dòng vốn ngoại khi các nhà đầu tư kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng trong năm 2018 với tổng giá trị mua ròng trong năm 2018 là 43.000 tỷ giá trị mua ròng tăng mạnh nhất là quý 1/2018 và khối ngoại cũng đảo chiều bán ròng vào quý 3/2018, đây cũng là thời điểm kết quả về xem xét đánh giá nâng hạng thị trường.
Như vậy, có thể thấy, câu chuyện nâng hạng thị trường cũng có thể là câu chuyện hỗ trợ cho dòng vốn ngoại như đã từng diễn ra ở các thị trường chứng khoán khác, nổi bật nhất là Pakistan.
Tuy nhiên, vẫn có các lý do khác để dòng vốn xoay chuyển vào thị trường Việt Nam như là chênh lệch lợi suất trái phiếu Chính phủ USD-VND đã thu hẹp dần, thuế quan hạ nhiệt, định giá thấp hơn so với các thị trường chứng khoán khác. Như vậy, dòng vốn ngoại quay trở lại có thể không chỉ là vì các yếu tố ngắn hạn mà mang xu hướng trung hạn hơn trong 3 tháng tới.
Thu Minh