Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Cởi bỏ room, “chất xúc tác” với nhóm cổ phiếu ngân hàng

DTCK | 9 giờ trước | 11/07/2025

 Việc dỡ bỏ cơ chế “room tín dụng” được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng được “cởi trói” trong hoạt động cấp tín dụng, và là “chất xúc tác” tích cực đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng.

 

Bước chuyển chính sách

Trong Công điện số 104/CĐ-TTg, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến tới điều hành tăng trưởng tín dụng theo công cụ thị trường và bỏ hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho thấy hành trình bỏ room tín dụng đang đến gần đích.

Yêu cầu tiến tới bỏ room tín dụng đánh dấu bước chuyển quan trọng trong chính sách tín dụng tại Việt Nam, hứa hẹn tác động mạnh đến kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng cũng như diễn biến cổ phiếu ngành trong thời gian tới. Bỏ room tín dụng sẽ cho phép các ngân hàng chủ động hơn trong tăng trưởng tín dụng dựa trên năng lực quản trị rủi ro và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) thay vì phụ thuộc hạn mức từ NHNN như trước.

Trong bối cảnh NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành 16% cho năm 2025, GDP mục tiêu tăng 8%, đầu tư công đẩy mạnh với kế hoạch giải ngân 100% cùng các chính sách hỗ trợ bất động sản, nhu cầu tín dụng tiêu dùng, mua nhà, ô tô và các dự án hạ tầng sẽ gia tăng, tạo động lực để các ngân hàng mở rộng dư nợ tín dụng, đặc biệt các mảng bán lẻ, bất động sản và đầu tư công.

Các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao sẽ hưởng lợi trực tiếp khi không còn hạn mức tín dụng, nhờ dư địa cấp tín dụng lớn hơn, cải thiện lợi nhuận và NIM khi đẩy mạnh các khoản vay dài hạn.

Hiện TCB có CAR khoảng 15%, VPB 16%, HDB 14%, trong khi các ngân hàng nhỏ như NCB chỉ quanh 8 - 9% sẽ cần tăng vốn hoặc phát hành trái phiếu cấp 2 (subordinated bond) để đáp ứng yêu cầu vốn, có thể gây áp lực pha loãng cổ phiếu. Trong khi đó, P/B ngành ngân hàng dự phóng năm 2025 đang ở mức 1,3 lần, thấp hơn mức trung bình khu vực 1,5-1,7 lần, còn ROE trung bình các ngân hàng lớn dự kiến đạt khoảng 16%, tạo dư địa tăng giá cổ phiếu khi tín dụng phục hồi.

Tuy nhiên, theo quan sát của ông Bùi Văn Huy, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư FIDT, việc tín dụng tăng nhanh có thể làm gia tăng nợ xấu nếu không kiểm soát chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, dù tỷ lệ nợ xấu toàn ngành quý II/2024 vẫn được kiểm soát quanh mức 2,8%, và các ngân hàng lớn như TCB, VCB giữ tỷ lệ này dưới 1,5%. Bên cạnh đó, tỷ lệ tín dụng trên huy động (LDR) toàn ngành hiện khoảng 104%, có thể gây áp lực tăng lãi suất huy động, ảnh hưởng NIM nếu không được quản lý tốt. Ngoài ra, biến động tỷ giá khi Fed duy trì lãi suất cao cũng là yếu tố cần theo dõi, đặc biệt với các ngân hàng có dư nợ ngoại tệ lớn.

“Việc bỏ room tín dụng là chất xúc tác quan trọng giúp ngành ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh và cải thiện lợi nhuận, đồng thời thu hút dòng vốn ngoại khi Việt Nam hướng đến nâng hạng thị trường chứng khoán”, ông Huy chia sẻ.

Việc dỡ bỏ cơ chế “room tín dụng” được kỳ vọng sẽ mang lại những tác động tích cực đáng kể đến kế hoạch kinh doanh của khối ngân hàng. Các tổ chức tín dụng sẽ được “cởi trói” khỏi hạn mức tín dụng cố định, cho phép chủ động hơn trong việc phân bổ vốn vay. Thay vì bị giới hạn bởi quy định của NHNN, các ngân hàng có thể dựa vào sức khỏe tài chính nội tại và nhu cầu thực tế của thị trường để đẩy mạnh tín dụng. Điều này không chỉ giúp tối đa hóa thu nhập từ lãi (NII) mà còn cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh tổng thể.

Nguồn: CTCP Đầu tư FIDT

Nguồn: CTCP Đầu tư FIDT

Cơ hội với nhóm cổ phiếu ngân hàng

Nhóm hưởng lớn lớn nhất từ sự thay đổi này là các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, đặc biệt là những đơn vị đang dẫn đầu về nền tảng vốn và đã xây dựng được hệ sinh thái khách hàng vững chắc (bao gồm cả khối doanh nghiệp và bán lẻ). Nhờ khả năng chủ động đưa vốn vào các lĩnh vực có nhu cầu cao và quản lý rủi ro hiệu quả hơn, một số ngân hàng tiêu biểu như MBB, TCB, VPB, ACB, HDB sẽ có cơ hội tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn của mình.

Bên cạnh các ngân hàng tư nhân, nhóm ngân hàng quốc doanh cũng sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận và mở rộng tệp khách hàng cá nhân, tăng trưởng dư địa tín dụng và cải thiện biên lãi ròng (NIM) trong thời gian tới.

Khi tín dụng được mở rộng và NIM được tối ưu, lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng được dự báo sẽ có đà tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn. Các ngân hàng có cơ sở để kỳ vọng và đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao trong kế hoạch kinh doanh khi không còn vướng rào cản hành chính.

Việc bỏ “room tín dụng” cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Điều này được kỳ vọng củng cố tâm lý nhà đầu tư, tạo ra động lực mua vào trên thị trường. Nhóm ngân hàng sẽ là nhóm được hưởng lợi trực tiếp và rõ ràng nhất. Các cổ phiếu ngân hàng khi tăng giá được kỳ vọng sẽ tạo ra xu hướng tích cực lan tỏa toàn bộ thị trường, góp phần nâng đỡ chỉ số VN-Index.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc nghiên cứu, CTCK MB (MBS) nhìn nhận, điều này sẽ có tác động tích cực tới thị trường chứng khoán, bởi thông tin về việc bỏ room tín dụng được kỳ vọng tạo ra hiệu ứng tích cực, đặc biệt với nhóm cổ phiếu ngân hàng và các ngành thụ hưởng vốn vay như bất động sản, xây dựng, tiêu dùng. Khi các ngân hàng có thể mở rộng tín dụng linh hoạt hơn, lợi nhuận ngành ngân hàng được dự báo sẽ cải thiện, qua đó hỗ trợ giá cổ phiếu tăng trưởng.

Còn theo ông Bùi Văn Huy, ở giai đoạn này, nhà đầu tư nên ưu tiên các ngân hàng lớn, CAR cao, chất lượng tài sản tốt và quản trị rủi ro chặt chẽ như VCB, BID, TCB, VPB, HDB, đồng thời theo dõi rủi ro lãi suất và chất lượng tín dụng để quản trị danh mục hiệu quả trong giai đoạn này.

Hoàng Anh

Tin khác »