Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Thuế đối ứng và bài toán tái định vị trong thu hút FDI

TBKTSG | 9 giờ trước | 09/05/2025

Chính sách thuế quan mới của Mỹ khiến Việt Nam không thể tiếp tục phát triển dựa trên hoạt động gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp. Thay vào đó, cần định vị quốc gia là điểm đến của các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn.

 

Rủi ro vẫn ở phía trước

Đầu tháng 4-2025, Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng, tạo bất ngờ với hầu hết các quốc gia và ngay lập tức ảnh hưởng đến tâm lý doanh nghiệp, nhà đầu tư và triển vọng tăng trưởng kinh tế - thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn ghi nhận kết quả tích cực với tổng vốn FDI đăng ký đạt 13,8 tỉ đô la Mỹ trong bốn tháng đầu năm 2025, tăng 40% so với cùng giai đoạn năm trước. Vốn thực hiện là hơn 6,7 tỉ đô la, tăng 7,3% và là mức cao nhất trong cùng giai đoạn của 5 năm trở lại đây.

Cũng trong bốn tháng đầu năm 2025, số lượng dự án đầu tư mới tăng 14,1% so với cùng giai đoạn năm trước, nhưng giảm 23,8% về số vốn đăng ký. Các dự án được cấp phép mới đến từ các doanh nghiệp của 60 thị trường. Trong đó, Singapore là nhà đầu tư lớn, tiếp đến là Trung Quốc (đại lục), Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Quần đảo Virgin thuộc Anh, Hàn Quốc...

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ, EU tiếp tục đầu tư mới, mở rộng hoặc xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam thời gian qua. Điều này cho thấy vị trí quan trọng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thực tế, khi Mỹ thông báo áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã khảo sát các doanh nghiệp thành viên. Kết quả, chưa có thành viên nào thông báo đóng cửa nhà máy và chỉ 25% số doanh nghiệp cho biết sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới, với doanh thu giảm 20%.

“Chưa doanh nghiệp nào nói sẽ ngay lập tức đóng cửa nhà máy. Tôi không tin rằng các doanh nghiệp châu Âu sẽ bỏ lại Việt Nam phía sau. Tôi tin rằng hầu hết các thành viên của chúng tôi đang trong giai đoạn chờ đợi và xem xét”, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Eurocham cho hay.

Tương tự, ông Koen Soenens, Giám đốc kinh doanh và marketing tại KCN Deep C, đánh giá tình hình thu hút FDI của Việt Nam hiện “vẫn khá ổn”, thể hiện qua kết quả tích cực trong quí 1-2025.

Thậm chí, bản thân vị này cũng chưa thấy những tác động đáng kể từ chính sách thuế quan với với các khách hàng hiện tại của Deep C. “Hoặc họ tự giải quyết vấn đề chi phí thuế quan, hoặc chuyển phần chi phí đó sang cho khách hàng của mình”, ông Koen Soenens chia sẻ bên lề Vietnam Connect Forum 2025.

Cũng theo ông Koen Soenens, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng hoặc di dời nhà máy từ Việt Nam sang một quốc gia khác không phải công việc có thể thực hiện trong thời gian ngắn, mà là một quá trình với nhiều sự cân nhắc và đàm phán. Hơn nữa, tâm lý thị trường hiện vẫn tích cực, vì các nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào năng lực điều hành của Chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại toàn cầu trở nên khó đoán định, đặc biệt là sau chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump, việc thu hút FDI vào Việt Nam sẽ chịu sức ép rất lớn.

“Tôi thấy một số nhà đầu tư tiềm năng đang theo đuổi chiến lược ‘chờ và quan sát’ trước khi ra quyết định đầu tư, đặc biệt là những doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường Mỹ để xuất khẩu”, ông Koen Soenens nói.

Tái định vị vị thế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Thực tế, ngay khi chính sách thuế quan mới được công bố, Chính phủ Việt Nam đã rất nghiêm túc và chủ động trong ứng phó, thể hiện qua động thái nhanh chóng tổ chức đoàn đàm phán với đại diện thương mại Mỹ và trở thành một trong 6 quốc gia được Mỹ ưu tiên đồng ý đàm phán. Hiện đoàn trao đổi cấp kỹ thuật của Việt Nam đã sang Mỹ, làm việc với các cơ quan liên quan của quốc gia này về đàm phán thương mại song phương. Phiên đàm phán đầu tiên diễn ra ngày 7-5.

Trong thời gian chờ đợi, nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ thuế quan đã chủ động tìm kiếm thị trường mới, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Mỹ – một động thái không chỉ giúp họ thích nghi, mà còn mở ra cơ hội ở những khu vực khác. Do đó, ông Koen Soenens cho rằng Việt Nam cần có nhiều hành động trong cùng khoảng thời gian, gồm: tiếp tục đàm phán để đạt được các điều khoản thuế quan nhẹ hơn; thúc đẩy tái cấu trúc ngành công nghiệp trong nước.

“Khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hướng đến thị trường Mỹ – một tỷ lệ không nhỏ cần được điều chỉnh dần”, ông Koen Soenens khuyến nghị.

Về định hướng dài hạn, đại diện Deep C cho rằng không thể tiếp tục dựa vào mô hình gia công, lắp ráp, mà cần tái định vị là điểm đến của các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn.

Tuy nhiên, có hai điểm cần lưu ý. Thứ nhất, ngành bán dẫn rất rộng và phức tạp, với nhiều mắt xích từ thiết kế, kiểm thử, sản xuất. Vì vậy, Việt Nam nên đặt ra các mục tiêu ngắn hạn khả thi, như thiết kế hoặc kiểm thử chip, thay vì đặt kỳ vọng xây dựng các nhà máy sản xuất nền (FAB) trong vòng 5–10 năm tới.

Thứ hai, cần đảm bảo các điều kiện về hạ tầng năng lượng xanh và nhân lực chất lượng cao – những yếu tố còn đang thiếu hụt.

“Đây là các yêu cầu then chốt, đặc biệt đối với ngành công nghệ cao. Việt Nam vẫn cần nỗ lực rất nhiều. Nhưng nếu có tinh thần tích cực và quyết tâm cao, tôi tin mọi điều đều có thể đạt được,” ông Soenens kết luận.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Nhật Quang, thành viên Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), cho rằng công nghiệp vi mạch bán dẫn là chuỗi công nghệ rộng lớn, từ sản xuất những chip giá vài cent đến những chip có giá trị 10 đô la. Do đó, cần chọn những ngành có giá trị gia tăng cao, nhưng phù hợp với tiềm năng và lợi thế hiện có.

“Nếu không chọn lọc, mà sản phẩm nào cũng tham gia sản xuất, trong khi tài nguyên và con người có hạn, thì sẽ là ‘bước cản’ với sự phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam”, ông Quang lưu ý.

Hơn nữa, môi trường phát triển tại Việt Nam còn nhiều vướng mắc về thuế, giấy phép lao động... “Lãnh đạo các bộ, ngành đã nhìn ra những điểm yếu này. Việt Nam còn rất nhiều điều phải làm để tạo ra một môi trường thuận lợi từ pháp lý đến cơ sở hạ tầng. Nhưng đất lành thì chim đậu, chỉ cần một doanh nghiệp FDI hàng đầu vào Việt Nam, họ sẽ dẫn cả một hệ sinh thái đến với chúng ta”, ông Quang cho biết.

Những con số thống kê cũng cho thấy Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn với 174 dự án FDI đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này, tổng vốn gần 11,6 tỉ đô la, theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính). Hầu hết các doanh nghiệp lớn trong ngành như Intel, Marvell Technology, Samsung, CoAsia SEMI (Hàn Quốc), Renesas (Nhật Bản)... đều đã hiện diện ở Việt Nam.

Thậm chí, Amkor Technology, một trong ba nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn thuê ngoài lớn nhất thế giới, đã xin cấp phép tăng công suất nhà máy tại Bắc Ninh lên gấp ba lần vào đầu tháng 2-2025, hướng tới mục tiêu đạt 3,6 tỉ sản phẩm mỗi năm.

Vân Phong

Tin khác »