Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất với đề xuất của Chính phủ không thu thuế với máy điều hoà có công suất nhỏ hơn 18.000 BTU và trên 90.000 BTU.
Nội dung trên được nêu tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi (Dự thảo), được Quốc hội thảo luận trong phiên họp sáng nay (9/5).
Từ năm 2027 áp dụng thuế suất 8% với nước giải khát có đường
Thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị chuyển điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống sang đối tượng không chịu thuế. Một số ý kiến đề nghị đánh thuế đối với điều hoà nhiệt độ có công suất lớn hơn 90.000 BTU.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, về đối tượng chịu thuế là điều hoà nhiệt độ, hiện nay sử dụng điều hòa đã trở nên phổ biến để đáp ứng nhu cầu của người dân. Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH thống nhất với đề xuất của Chính phủ để chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB (không thu thuế với máy điều hoà có công suất nhỏ hơn 18.000 BTU và trên 90.000 BTU).
Việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi giải thích, đề xuất áp thuế đối với nước giải khát có đường là bước đi đầu tiên trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có nhiều đường trong thực phẩm, đồ uống, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng.
“Đây là một trong các nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để có thể cân nhắc khả năng bổ sung các sản phẩm khác có chứa đường vào diện chịu thuế TTĐB” - ông Mãi nêu.
Ngoài ra, theo UBTVQH, vì mặt hàng này mới được bổ sung vào đối tượng chịu thuế nên cần có lộ trình thực hiện để các doanh nghiệp có thời gian thích ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, từng bước chuyển đổi sang các sản phẩm có hàm lượng đường thấp. Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH thống nhất với đề xuất của Cơ quan soạn thảo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình thực hiện: từ năm 2027 áp dụng thuế suất 8%, từ năm 2028 áp dụng thuế suất 10%.
Về thẩm quyền sửa đổi bổ sung đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, UBTVQH cũng cho biết đã tiếp thu ý kiến ĐBQH để chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định và tổng hợp vào Báo cáo của Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Giảm mức tăng thuế suất và giãn lộ trình áp dụng xe ô tô pick-up
Với thuế suất đối với mặt hàng xe ô tô pick-up, Chủ nhiệm Phan Văn Mãi nêu, Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã nâng thuế suất đối với loại xe này bằng 60% thuế suất thuế TTĐB áp dụng đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có dung tích tương ứng.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, quy định này có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư của Việt Nam. Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH thống nhất với đề xuất của Chính phủ để chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định tăng thuế suất 3%/năm và bắt đầu áp dụng từ năm 2027 đối với xe pick-up (giảm mức tăng thuế suất và giãn lộ trình áp dụng tăng thuế so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội).
Liên quan đến thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, ông Mãi cho hay, để có thể tác động mạnh đến giá bán của các mặt hàng có hại cho sức khoẻ, làm giảm tiêu dùng, khắc phục các hệ lụy nghiêm trọng của việc lạm dụng rượu, bia và tác hại của thuốc lá, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã đưa ra 2 phương án tăng thuế và đề xuất áp dụng theo Phương án 2 (là phương án tăng thuế triệt để hơn) đối với rượu, bia, thuốc lá.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, cùng với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, Chính phủ đề nghị áp dụng theo phương án 1 với mức thuế thấp hơn so với phương án 2 và bắt đầu áp dụng từ năm 2027 để phù hợp với bối cảnh và tình hình mới. Vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho chỉnh lý dự thảo Luật như đề nghị của Chính phủ (nội dung thể hiện tại Điều 8 dự thảo Luật).
Ngoài các nội dung nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của các vị ĐBQH, ông Mãi báo cáo Quốc hội.
Nguyễn Lê