Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Tiếp thêm nguồn cung cho thị trường chứng khoán

Báo Đầu tư | 11 giờ trước | 09/05/2025

Loạt phương án đưa cổ phiếu lên sàn và kế hoạch thoái vốn nhà nước được dự kiến thực hiện trong năm 2025. Có thêm “hàng hóa” mới là nền tảng để thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hấp thụ dòng vốn khi được nâng hạng trong tương lai.

 

Mốc hẹn 2025

Gần 6 tháng kể từ thời điểm chính thức trở thành công ty đại chúng, Công ty cổ phần Vinpearl vừa nhận được thông báo chấp thuận niêm yết từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), ngày giao dịch đầu tiên là ngày 13/5 tới.

Trước đó, tháng 2/2025, Vinpearl đã hoàn tất đợt chào bán thêm hơn 70 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá chào bán 71.350 đồng/cổ phiếu. Ngoài việc giúp Vinpearl huy động thành công 5.000 tỷ đồng, hoạt động chào bán cổ phiếu ra công chúng cũng là “tấm vé” đưa Vinpearl lên sàn, đáp ứng được các điều kiện niêm yết cổ phiếu theo quy định hiện hành.

Những ngày đầu tháng 5/2025, một tên tuổi quen thuộc khác là F88 hé lộ kế hoạch chào sàn sau khi trở thành công ty đại chúng. Theo thông tin từ ông Phùng Anh Tuấn, nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch HĐQT F88, Công ty sẽ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và hiện thực hóa kế hoạch niêm yết trên HoSE trong tương lai.

Thông tin từ Đại hội đồng cổ đông Techcombank đã hé lộ việc Công ty Chứng khoán TCBS dự kiến thực hiện kế hoạch chào bán cổ phần ra công chúng (IPO) trong năm 2025. Ngân hàng đang làm việc với 1-2 nhà đầu tư để xem xét khả năng bán cổ phần trước IPO.

Theo chuyên gia phân tích từ VNDirect, thương vụ IPO khi được triển khai ngoài giúp Techcombank ghi nhận khoản lợi nhuận tài chính một lần trên báo cáo tài chính ngân hàng mẹ và/hoặc tái định giá giá trị công ty con, còn giúp TCBS củng cố nền tảng vốn và hỗ trợ tăng trưởng độc lập về dài hạn.

Chủ tịch HĐQT MBBank Lưu Trung Thái cũng tiết lộ về khả năng IPO Công ty Tài chính tiêu dùng MCredit, để mở rộng không gian phát triển, đa dạng hóa nguồn vốn, minh bạch hơn về hoạt động kinh doanh.

Năm 2025 cũng là “mốc hẹn” cho các kế hoạch thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa. Theo danh sách thoái vốn đợt đầu tiên năm 2025 vừa được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố, có 31 doanh nghiệp trong danh sách này.

Tâm điểm được quan tâm nhiều nhất là FPT với số cổ phần chào bán tương đương 5,7% vốn điều lệ, trị giá hơn 9.000 tỷ đồng theo thị giá hiện tại. Ngoài ra, SCIC còn chào bán cổ phần tại nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn và có thương hiệu trên thị trường như Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (37,1% vốn); Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (35% vốn), Nhiệt điện Hải Phòng (9% vốn), Nhiệt điện Quảng Ninh (11,4% vốn)...

Tại Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PetroVietNam), Quyết định 1243/QĐ-TTg xác định danh mục sắp xếp, cơ cấu lại công ty mẹ, các đơn vị thành viên của Tập đoàn giai đoạn đến hết năm 2025, với hàng loạt doanh nghiệp trong diện thoái toàn bộ vốn góp như PVI, Petrosetco, PVE, Cảng Phước An…

Hay trong danh sách thoái vốn tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, kế hoạch thoái vốn vẫn còn nhiều trường hợp chưa thực hiện, đã đấu giá, nhưng số cổ phần bán ra ít ỏi, để lại nhiều nhiệm vụ cần làm trong năm cuối của kế hoạch cơ cấu lại đến hết năm 2025.

Bước qua “mùa đông”?

Dù năm 2025 được dự kiến là “điểm rơi” với hàng loạt kế hoạch lên sàn và thoái vốn nhà nước, nhưng điều kiện và sức hấp thụ của thị trường vẫn là yếu tố tiên quyết. Đặc biệt, với các đợt thoái vốn nhà nước, kết quả từ đầu năm đến nay chưa có nhiều tích cực.

Domesco nằm trong danh sách bán vốn của SCIC năm nay và đã sớm thực hiện đấu giá và chào bán cạnh tranh tại HoSE. Tuy vậy, theo kết quả mới công bố, đợt chào bán cạnh tranh đã phải huỷ bỏ vì không có nhà đầu tư nào tham gia.

SCIC đã đấu giá trọn lô gần 12,1 triệu cổ phiếu, tương đương 34,71% vốn điều lệ của Domesco với giá khởi điểm 127.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp đôi thị giá. Với số vốn cần bỏ ra tổng cộng hơn 1.500 tỷ đồng, đợt đấu giá này “kén” bên mua. Hãng dược Abbott Laboratories đang nắm giữ tỷ lệ chi phối (51,7% vốn) không tham gia mua ở cả hai lần chào bán trên.

Hay thương vụ đấu giá chào bán công khai 300 triệu cổ phiếu Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex) đã tạm hoãn hồi trung tuần tháng 4/2025 trong bối cảnh bất định từ chính sách thuế quan của Mỹ.

Dù vậy, thị trường IPO và thoái vốn nhà nước vẫn rất tiềm năng sau vài năm gần đây trầm lắng. Trong một chia sẻ hồi đầu năm, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư Dragon Capital kỳ vọng, chứng khoán Việt Nam có thể xuất hiện thêm làn sóng IPO vào năm 2027-2028. Giá trị “đổ bộ” vào thị trường ước khoảng 47,5 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI), với kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, buộc phải có thêm “hàng mới”, đồng nghĩa cần có thêm các đợt IPO, cổ phần hóa để bổ sung nguồn cung. Đặc biệt, trong nội bộ ngành năng lượng và dầu khí, thị trường IPO vẫn rất tiềm năng.

Lãnh đạo PSI cho biết, Công ty đã tham gia đấu thầu và trúng thầu  hợp đồng tư vấn thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp thuộc PetroVietnam. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vừa qua, Tổng giám đốc SHS cho biết, năm 2025, Công ty đã ký được hợp đồng tư vấn thoái vốn cho một số tập đoàn lớn.

Thanh Thủy

Tin khác »