Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Ngành nhôm, thép chuyển hướng thị trường

SGGP | 5 giờ trước | 12/02/2025

Sáng 11-2-2025 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% lên toàn bộ sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, bao gồm cả các đối tác thương mại quan trọng như Canada, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Mức thuế này sẽ có hiệu lực từ ngày 4-3-2025, tức chưa đầy một tháng nữa, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thép, nhôm của Việt Nam gặp khó khăn trong việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh và tìm kiếm giải pháp ứng phó.

 

Nguy cơ giảm thị phần tại Mỹ

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu thép lớn vào Mỹ, đứng sau Canada, Brazil, Mexico và Hàn Quốc. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 12,16 triệu tấn sắt thép, thu về 8,75 tỷ USD, tăng 10,4% về kim ngạch và 15,8% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước.

Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam với khoảng 2,5 triệu tấn thép, chiếm khoảng 8% tổng lượng thép nhập khẩu của Mỹ. Trong khi đó, Canada chiếm 20%, Brazil 13%, Mexico 11% và Hàn Quốc 10%.

Ngành nhôm, thép chuyển hướng thị trường- Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trước năm 2025, Mỹ đã nhiều lần áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Việt Nam. Ví dụ, vào năm 2019, Mỹ áp thuế lên đến 456,23% đối với thép chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam nếu sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan.

Điều này đã khiến kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ sụt giảm đáng kể. Thị phần xuất khẩu ngành thép, nhôm của Việt Nam tại Mỹ đã giảm từ 10% vào năm 2020 xuống còn 8% vào năm 2022 và tiếp tục giảm còn khoảng 5% trong năm 2024. Trong đó các doanh nghiệp (DN) như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Thép Nam Kim (NKG) chịu tác động lớn nhất do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao.

Hiện với chính sách áp mức thuế mới 25% nhóm sản phẩm thép, nhôm của Mỹ sẽ gây ra thêm nhiều tác động tiêu cực cho ngành này. Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho hay DN đang nghe ngóng tình hình. Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu trong thị trường nội địa, mỗi năm bán ra thị trường hơn 8 triệu tấn thép. Sản phẩm thép làm ra hàng năm của Hòa Phát cung cấp khoảng 70% sản lượng cho thị trường trong nước, còn lại thì xuất khẩu đi 40 quốc gia, vùng lãnh thổ; Mỹ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Theo ghi nhận của DN, trước đây Mỹ đã áp thuế 25% theo đạo luật an ninh Mỹ, nên việc áp thuế lần này không phải mới, mà chỉ là bổ sung. Việc họ áp thuế sẽ có ảnh hưởng chung toàn cầu, Hòa Phát cũng không tránh khỏi, nhưng mức độ là không lớn.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán KB (KBSV), hoạt động xuất khẩu tôn mạ tới thị trường Mỹ - Mexico đóng góp lần lượt 18,6%, 26,1%, 31,9% doanh thu của Tôn Hoa Sen, Thép Nam Kim và Tôn Đông Á trong năm 2024. KBSV cho rằng các biện pháp thuế quan từ Mỹ sẽ có tác động tiêu cực chung lên triển vọng tăng trưởng doanh thu của các DN sản xuất tôn mạ. Tuy nhiên, Thép Nam Kim sẽ chịu áp lực lớn nhất do mức trợ cấp cao và tỷ trọng doanh thu lớn từ Mỹ - Mexico.

Ở chiều ngược lại, đại diện Công ty Thép Toàn Thắng cho rằng, nếu DN xuất khẩu thép, nhôm có đa dạng thị trường hơn ngoài thị trường Mỹ thì sẽ ít chịu tác động từ sắc lệnh thuế này. Cụ thể, nếu xét về giá nguyên liệu thì tính đến cuối 2024, giá thép và nguyên liệu trên thế giới giảm 5%-35%, tùy theo thị trường. Do đó trong ngắn hạn, giá nguyên liệu nếu có tăng thì cũng chưa đáng kể.

Còn về thị phần thì sẽ giảm tại Mỹ nhưng nếu khai thác tốt những thị trường khác thì sẽ gia tăng. Đối với riêng Công ty Thép Toàn Thắng, việc đẩy mạnh đầu tư công trong đó cho phép DN trong nước tham gia sâu vào các dự án của Chính phủ đã giúp công ty ổn định sản xuất. Riêng về xuất khẩu, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ, công ty chủ động mở rộng thị phần sang các nước khu vực Đông Nam Á. Nhờ vậy mà đơn hàng quý 1-2025 của công ty dự kiến tăng hơn 50% so với quý 4-2024, ước đạt 7 triệu USD.

Xây dựng chiến lược ứng phó phù hợp

Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các giải pháp ứng phó với cuộc chiến thương mại toàn cầu. Theo đó, các DN Việt Nam cần tìm kiếm thị trường thay thế, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu bị áp thuế cao, đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nhằm duy trì khả năng cạnh tranh. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ DN thông qua các chính sách tài chính, tín dụng và xúc tiến thương mại để giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách thuế mới của Mỹ.

“Các DN Việt Nam có thể xem xét đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Một số thị trường tiềm năng có thể hướng tới bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông và các nước trong khu vực ASEAN, nơi nhu cầu về thép, nhôm đang tăng cao. Ngoài ra, nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí sản xuất và tìm kiếm các thị trường mới tiềm năng cũng là những giải pháp cần thiết”, ông Phạm Bình An, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhìn nhận.

Theo chuyên gia kinh tế, giải pháp toàn diện mà Việt Nam cần thực hiện đồng bộ bao gồm tăng cường đàm phán song phương với Mỹ, đồng thời tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia để mở rộng thị trường mới và giảm thiểu rủi ro từ chính sách thuế mới của Mỹ.

Về phía Bộ Công thương cần triển khai hiệu quả các giải pháp giảm thiểu tác động của việc áp thuế, bao gồm hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường đàm phán với Mỹ để tìm giải pháp giảm nhẹ mức thuế.

Quan trọng hơn, Bộ cần nắm bắt thông tin để định hướng dẫn dắt thị trường, tạo sự chủ động trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu cho DN; đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng và công nghệ để giúp DN giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do nhằm mở rộng thị trường và giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại quốc tế.

Việt Nam cũng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc áp thuế này và xây dựng các chiến lược ứng phó phù hợp.

“Không ngoại trừ việc tăng thuế nhập khẩu thép vào Mỹ sẽ khiến nhiều DN Trung Quốc tăng thị phần xuất khẩu sang Việt Nam. Do vậy, bộ ngành liên quan cần rà soát và tính đúng, tính đủ thuế nhập khẩu đối với nhóm sản phẩm thép nhôm nhập khẩu mà DN trong nước đã sản xuất được. Hiện Việt Nam đã áp thuế từ 10%-12% đối với sản phẩm thép nhập khẩu mà DN Việt Nam đã sản xuất được. Đây là giải pháp cần để bảo hộ cho sản xuất trong nước phát triển. Mặt khác, cần cân nhắc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như áp thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng nhập khẩu chiến lược, kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để đánh giá tác động và đề xuất các chính sách phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích của DN trong nước”, ông Phạm Bình An nhấn mạnh.

ÁI VÂN - ĐỨC TRUNG - VĂN PHÚC

Tin khác »