Áp lực bán xuất hiện ngay khi mở cửa phiên giao dịch bởi tâm lý nhà đầu tư chốt lời sau diễn biến tăng liên tiếp 4 phiên giao dịch. Hầu hết các nhóm ngành đều quay đầu điều chỉnh và với sức ép chính đến từ nhóm VN30, chỉ số VN-Index đã mất hơn 10 điểm trước khi bật hồi và có thời điểm đã tiến sát mốc tham chiếu, trước khi nới nhẹ biên độ giảm về cuối phiên.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có thêm tín hiệu gì lạc quan. Sau khoảng 1 giờ giao dịch lình xình đi ngang, bên bán dần tỏ ra mất kiên nhẫn đã gia tăng áp lực khiến sắc đỏ ngày càng lan rộng hơn trên bảng điện tử. Tuy nhiên, điểm tích cực chính là dòng tiền tiếp tục cải thiện đã giúp các cổ phiếu không đi quá xa, toàn sàn HOSE chỉ có duy nhất mã VTP nằm sàn.
Thị trường đã khép lại phiên giao dịch ngày 10/2 với kịch bản giống phiên đầu tuần trước khi chỉ số VN-Index giảm về mức thấp nhất trong phiên, với mức giảm gần 12 điểm. Đáng chú ý là thanh khoản tăng vọt, lên mức cao nhất trong hơn 2 tháng, với điểm đến tập trung chủ yếu là các mã trong bộ ba bank – chứng – thép. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin lớn vào các nhóm cổ phiếu trụ cột cũng như xu hướng chung của thị trường.
Chốt phiên, sàn HOSE có 119 mã tăng và 355 mã giảm, VN-Index giảm 11,94 điểm (-0,94%) xuống 1.263,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 795 triệu đơn vị, giá trị 18.878,2 tỷ đồng, cùng tăng hơn 28% cả về khối lượng và giá trị so với phiên cuối tuần qua ngày 7/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 72,84 triệu đơn vị, giá trị 1.606,73 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng gia tăng gánh nặng về cuối phiên khi đóng cửa giảm gần 10 điểm xuống mốc 1.330 điểm, với 16 mã giảm và chỉ 9 mã tăng. Trong đó, cổ phiếu thép HPG chịu áp lực bán mạnh từ nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đã kết phiên giảm 4,7% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 25.400 đồng/CP, đồng thời là mã dẫn đầu khi lấy đi gần 2 điểm của chỉ số chung.
Tuy nhiên, HPG là cổ phiếu có thanh khoản bùng nổ trên thị trường khi có tới hơn 61 triệu đơn vị khớp lệnh, gấp gần 5 lần mức trung bình của 10 phiên giao dịch gần đây và là phiên giao dịch sôi động nhất của mã này trong gần 1 năm qua (phiên khủng trước đó vào ngày 27/2/2024 đạt khối lượng khớp lệnh hơn 86,8 triệu đơn vị). Trong phiên này, khối ngoại đã bán ròng khoảng 7,5 triệu cổ phiếu HPG.
Ngoài HPG, các mã bluechip khác như FPT, MWG, VHM, GVR, VIC cũng đều đóng cửa tại mức giá thấp nhất trong phiên. Trong đó, FPT giảm 2,8% xuống mức giá 142.000 đồng/CP và thanh khoản cũng cao nhất trong hơn 2 tháng qua, với 7,75 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu STB vẫn là điểm sáng của dòng bank khi lội ngược dòng thành công, đóng cửa tăng 2,7% lên mức 38.450 đồng/CP và thanh khoản đạt 21,13 triệu đơn vị. Các mã khác trong rổ bluechip như MSN, BVH, PLC, BCM, TPB đều tăng hơn 1%.
Xét về nhóm ngành, nhóm công nghệ viễn thông tiếp tục nới rộng biên độ và là nhóm giảm sâu nhất thị trường. Bên cạnh mã lớn FPT, các mã khác trong ngành như CMG, ITD giảm hơn hơn 2%, CMT giảm 7%, VGI giảm gần 5,5%, FOX và CTR cùng giảm hơn 3%...
Nhóm cổ phiếu thép cũng thuộc top giảm mạnh. Ngoài HPG, cổ phiếu HSG cũng giảm tới 4,5% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 16.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 13,2 triệu đơn vị, NKG giảm 3,6% và khớp hơn 10 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đều giảm nhẹ. Cụ thể, ở nhóm chứng khoán có HCM, VCI, VDS, TVS tăng nhẹ trên dưới 0,5%, ORS tăng 2,8%, trong khi VND, AGR, DSC và VIX cùng giảm hơn 1%, SSI, FTS, BSI đóng cửa điều chỉnh nhẹ.
Ở nhóm ngân hàng, bên cạnh VCB và CTG đều nới rộng biên độ giảm, cổ phiếu BID đảo chiều giảm cùng các mã VPB, HDB, MSB, OCB chưa thoát khỏi sắc đỏ…, đã khiến dòng bank không còn giữ được đà tăng nhẹ của phiên sáng.
Như đã nói ở trên, điểm tích cực chính là dòng tiền vẫn tập trung chủ yếu vào bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép. Ngoài giao dịch bùng nổ tại HPG, các mã khác như TCB, STB, VIX có thanh khoản trên 20 triệu đơn vị; MBB, TPB, SSI, SHB, HCM, VCI, ACB, VPB, HSG, VND, VIB, NKG khớp lệnh trong khoảng 10-20 triệu đơn vị.
Ngược lại, nhóm cổ phiếu bảo hiểm đã ngược dòng thị trường chung và trở thành một trong số ít nhóm ghi nhận đà tăng điểm trong phiên hôm nay. Trong đó, ngoài sự tích cực của BVH, các mã khác trong nhóm là PGI tăng kịch trần, PVI tăng 1,65%, PTI tăng nhẹ…
Trên sàn HNX, thị trường nới rộng biên độ và giảm về mức thấp nhất trong ngày bởi sức ép gia tăng ở nhóm HNX30.
Chốt phiên, sàn HNX có 89 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index giảm 1,52 điểm (-0,66%) xuống 227,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 61,35 triệu đơn vị, giá trị 918,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 394.600 đơn vị, giá trị 15,63 tỷ đồng.
Loạt cổ phiếu nhỏ vẫn là điểm sáng của thị trường, gồm SVN, NRC, GLM, DDG, DST đều khớp lệnh hơn 1-2 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá trần với khối lượng dư mua trần khá lớn.
Trong khi đó, các cổ phiếu trong nhóm HNX30 như SHS, CEO, PVS, TNG hầu hết đều nới rộng biên độ giảm. Trong đó, SHS kết phiên vẫn giảm 1,5% xuống mức 13.400 đồng/CP và thanh khoản sôi động nhất thị trường với hơn 12,9 triệu đơn vị khớp lệnh.
Xét về nhóm ngành, cùng trong diễn biến chung của các cổ phiếu thép trên HOSE, VGS đã đảo chiều giảm và đóng cửa để mất 4,2% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 27.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu than là điểm sáng khi hàng loạt mã như TVD, NBC, MDC đều tăng kịch trần, HLC tăng 6,7%, CST tăng 5,7%...
Trên UPCoM, thị trường cũng giao dịch kém tích cực hơn trong phiên chiều.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,6 điểm (-0,62%), xuống 96,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58,72 triệu đơn vị, giá trị 849,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,93 triệu đơn vị, giá trị 65,2 tỷ đồng, trong đó riêng DSP thỏa thuận 2,2 triệu đơn vị, giá trị 26,4 tỷ đồng; BGE thỏa thuận 1,76 triệu đơn vị, giá trị hơn 11 tỷ đồng và VEA thỏa thuận 0,89 triệu đơn vị, giá trị 13,68 tỷ đồng.
Cổ phiếu MSR vẫn là tâm điểm của thị trường khi đóng cửa có tới hơn 8,3 triệu đơn vị giao dịch thành công và giá tăng 8,2% lên mức 15.800 đồng/CP.
Bên cạnh đó, AAH tiếp tục dư mua trần hơn 2,7 triệu đơn vị, đóng cửa đứng tại mức giá 4.700 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm hơn 10 điểm, trong đó VN30F2502 giảm 12,8 điểm, tương đương -1% xuống 1.330,5 điểm, khớp lệnh hơn 185.260 đơn vị, khối lượng mở hơn 36.770 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, giao dịch sôi động, trong đó CHPG2407 có thanh khoản dẫn đầu với 5,76 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 30,8% xuống 450 đồng/cq; tiếp theo là CTCB2502 khớp 4,89 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,9% xuống 1.650 đồng/cq.
T.Thúy