Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Gỡ nút thắt cho quỹ đầu tư

DTCK | 6 giờ trước | 15/01/2025

Khan hiếm cơ hội đầu tư tốt khi thiếu hụt nguồn cung trái phiếu bảo lãnh ngân hàng và trái phiếu có tài sản đảm bảo bằng bất động sản là “nút thắt” được lãnh đạo nhiều công ty quản lý quỹ kỳ vọng sẽ sớm được xử lý trong năm 2025.

 

Đại diện Công ty Quản lý quỹ PVI AM cho biết, các công ty quản lý quỹ cho doanh nghiệp bảo hiểm gặp không ít khó khăn trong năm 2024. Cụ thể, do những thách thức trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cơ hội đầu tư chất lượng phù hợp với khẩu vị rủi ro và lợi nhuận của PVI AM rất hạn chế.

Do các doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình phục hồi từ khủng hoảng, nhu cầu tín dụng ở mức thấp dẫn đến tăng trưởng tín dụng yếu và thừa thanh khoản ở nhiều ngân hàng. Thêm vào đó, Luật Các tổ chức tín dụng mới (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) và các văn bản hướng dẫn hiện hành không cho phép các ngân hàng tiếp tục làm đại lý quản lý tài sản đảm bảo cho trái phiếu, điều này gây ra sự thiếu hụt nguồn cung trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo.

Để có thể tìm kiếm lợi nhuận, công ty quản lý quỹ phải nỗ lực tìm kiếm các sản phẩm đảm bảo được quản trị rủi ro, đồng thời có mức lợi nhuận chấp nhận được.

Với kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường, các quỹ thu nhập cố định của PVI AM phải nỗ lực rất lớn nhằm đạt hiệu suất tốt hơn lãi suất ngân hàng, duy trì được năng lực cốt lõi trong quản lý tài sản lớn.

Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc PVI AM kỳ vọng, năm 2025, triển vọng kinh tế vĩ mô sẽ tích cực hơn khi Chính phủ đặt quyết tâm đưa GDP tăng trưởng cao, trên 8%. Theo đó, chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng và lãi suất có thể nhích lên khi cầu tín dụng gia tăng. Đặc biệt, kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ sớm có giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn hiện nay trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, từ đó các nhà đầu tư tổ chức có thể tham gia mạnh mẽ hơn.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, cần có các giải pháp để thúc đẩy các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào thị trường vốn.

“Những nhà đầu tư tổ chức trên thị trường vốn hiện nay chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Chúng ta hãy hình dung, các công ty bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam có tổng tài sản rất lớn, 20 tỷ USD và mỗi năm thêm 5 tỷ USD tiền mới của người dân. Họ đang làm gì với số tiền đó? Họ đem mua trái phiếu chính phủ với giá thấp, vì thói quen hoặc thiếu sản phẩm hấp dẫn. Tương tự, Bảo hiểm xã hội cũng không tham gia vào thị trường vốn, ngoài việc cho ngân sách nhà nước vay qua hình thức mua trái phiếu chính phủ. Đây là lượng vốn rất lớn sẵn có từ các định chế, chưa nói đến lượng vốn mới bằng cách quy định tung ra quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện”, Chủ tịch Dragon Capital nói.

Trước khó khăn của thị trường đem lại thu nhập cố định, các công ty quản lý quỹ phải có giải pháp để thích ứng.

“PVI AM có định hướng nghiên cứu và dịch chuyển một phần danh mục (dưới 5%) sang thị trường cổ phiếu. Các ngành, doanh nghiệp được nghiên cứu đảm bảo có cổ tức tiền mặt đều đặn, dòng tiền mạnh như năng lượng, thủy điện, dược phẩm, sản xuất”, Tổng giám đốc PVI AM chia sẻ.

Minh Thi

Tin khác »