Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Thanh kiểm tra thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới khi có dấu hiệu gian lận doanh thu

VNE | 09/11/2024

Bộ Tài chính lưu ý các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai, tự nộp thuế trực tiếp thông qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế sẽ thanh kiểm tra nếu phát hiện dấu hiệu gian lận, trốn thuế...

 

Thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy lũy kế 10 tháng năm 2024, số thuế các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã nộp khoảng 94,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, Cổng thông tin thương mại điện tử cũng ghi nhận 412 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin. Theo Tổng cục Thuế, hiện có hơn 191 nghìn tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử với tổng giá trị giao dịch là gần 72 nghìn tỷ đồng.

Số lượng nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài hiện lên tới con số 116. Tính từ khi vận hành cổng thông tin điện tử đến hết 10 tháng năm 2024, số thu ngân sách nhà nước từ các nhà cung cấp nước ngoài là 19.774 tỷ đồng. Còn tính riêng 10 tháng năm 2024, số thu đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Dù hàng trăm "ông lớn" cung cấp dịch vụ xuyên biên giới đã khai thuế cùng hơn 400 sàn thương mại điện tử đã cung cấp thông tin song nhiều sàn vẫn "lọt" quản lý. Vì vậy, đối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký cấp phép dã đặt ra yêu cầu phải quản lý thuế đối với những trường hợp này. 

Thanh kiểm tra thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới khi có dấu hiệu gian lận doanh thu - Ảnh 1
 

Về vấn đề trên, Bộ Tài chính cho biết hoạt động kinh doanh sàn thương mại điện tử Việt Nam là hoạt động kinh doanh phải được cấp phép và chịu quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về các khoản thu nội địa, trong đó có khoản thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trên cơ sở các quy định tại Luật Quản lý thuế và Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021, các nhà quản lý sàn thương mại điện tử có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai, tự nộp thuế trực tiếp thông qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Tổng cục Thuế đã triển khai vận hành cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ thời điểm năm 2022.

 

"Nếu phát hiện nhà cung cấp nước ngoài kê khai chưa đúng doanh thu, cơ quan thuế sẽ thực hiện đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu, đề nghị nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định nếu có dấu hiệu gian lận, trốn thuế", Bộ Tài chính nêu rõ.

Đối với người bán là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử nói chung, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, trong đó quy định trách nhiệm của tổ chức là nhà quản lý các sàn thương mại điện tử, bao gồm cả sàn thương mại điện tử trong nước và nước ngoài có chức năng thanh toán phải khấu trừ, nộp thuế thay, khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn.

Tuy nhiên, nội dung này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều quan điểm cho rằng muốn khả thi khi áp dụng quy định này, cơ quan thuế cần xác định rõ ràng sắc thuế, mức thuế và đối tượng nộp thuế khả thi đối với việc các sàn có thể khấu trừ và nộp hộ. Cùng với đó, phải xây dựng một hệ thống thuế đơn giản, quản lý tập trung, tự động hóa các nghiệp vụ thuế, tránh dồn gánh nặng, tăng thêm chi phí tuân thủ lên các sàn.

Liên quan đến nội dung này, Bộ Tài chính cho biết thêm khi quy định này được thông qua, sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ, phối hợp trong tổ chức thực hiện giữa cơ quan thuế và các tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử khi thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay và khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh trên sàn.

"Thông tin mà sàn thương mại điện tử đã khai với cơ quan thuế là căn cứ, cơ sở dữ liệu để cơ quan thuế quản lý nghĩa vụ thuế của hộ, cá nhân kinh doanh", Bộ Tài chính nêu rõ.

Quy định này góp phần giảm đầu mối kê khai thuế, đồng thời xét về tổng thể sẽ làm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho toàn xã hội do chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch thương mại điện tử khấu trừ, nộp thuế thay, khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho hàng chục, hàng trăm nghìn cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn. 

Để triển khai quy định này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ, phối hợp trong tổ chức thực hiện giữa cơ quan thuế và các tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử, nền tảng số, thống nhất về phạm vi trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức quản lý sàn, nền tảng khi thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay và khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên cơ sở tổ chức làm việc, trao đổi trực tiếp với một số sàn thương mại điện tử.

Quy định này được đề xuất trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn quản lý như: chính sách quản lý hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đặc biệt với mô hình sàn thương mại điện tử; việc cung cấp thông tin của sàn giao dịch thương mại điện tử còn chưa đầy đủ và chưa sát thực tế phát sinh khiến việc định danh, quản lý đầy đủ đối tượng, kiểm soát doanh thu trên sàn gặp khó khăn; đồng thời nguồn lực cơ quan thuế là hạn chế so với số lượng các cá nhân kinh doanh.

Ngoài ra, về triển khai cơ chế sàn thương mại điện tử khai, nộp thuế thay cho người bán, Bộ Tài chính cho rằng đây là nội dung rất được khuyến nghị triển khai trong các tài liệu, nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các tổ chức quốc tế khác như: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... cũng như đã chứng minh thực tế hiệu quả triển khai của các nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực như: Anh, Australia, Thái Lan, Đài Loan...

Ánh Tuyết

Tin khác »