Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Kỳ vọng tháng 5

DTCK | 07/05/2024

Thị trường chứng khoán đã bước vào tháng 5, giai đoạn thường bị “ám ảnh” hiệu ứng tâm lý “Bán tháng 5 và đi chơi” (“Sell in May and go away”). Tuy vậy, với việc các cổ phiếu đang ở vùng giá thấp so với giai đoạn trước cùng việc nhiều doanh nghiệp hé lộ bức tranh lợi nhuận tích cực hơn, thị trường vẫn hứa hẹn những cơ hội đầu tư hấp dẫn.

 

Dòng tiền sẽ phân hóa

Có thể nói, đợt điều chỉnh khá mạnh của chỉ số VN-Index cuối tháng 4 là hệ quả của nhiều yếu tố tiêu cực cùng lúc, cả ở trong nước lẫn quốc tế. Tại Mỹ, việc chỉ số CPI tháng 3 tiếp tục ghi nhận tháng tăng thứ ba liên tiếp đã làm hạ nhiệt đáng kể triển vọng hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed), khiến USD tiếp tục lên giá, đẩy tỷ giá USD/VND vượt đỉnh lịch sử. Ngoài ra, căng thẳng tại khu vực Trung Đông tiếp tục gia tăng khi Iran tiến hành bắn tên lửa sang lãnh thổ của Israel… VN-Index đã có nhịp rơi nhanh trong tháng 4, nhưng cấu trúc vận động của dòng tiền là tích cực khi thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao và phần lớn nhà đầu tư ưu tiên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thay vì tập trung vào các mã đầu cơ cao ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ như năm ngoái. Do vậy, nhịp điều chỉnh vừa qua được đánh giá bớt tiêu cực hơn so với giai đoạn tháng 11/2022, hay tháng 10/2023.

Tuy vậy, so với năm trước, thị trường năm nay có chuỗi tăng trưởng kéo dài hơn, từ tháng 12/2023 đến đầu tháng 4/2024, do đó, tốc độ điều chỉnh cũng nhanh và độ dốc cũng lớn hơn. Thị trường tháng 5/2024 có thể kỳ vọng hồi phục và biến động cũng bớt tiêu cực hơn trong tháng 4/2024, tuy nhiên, mức độ phân hoá cổ phiếu có thể sẽ mạnh hơn và nhà đầu tư kiếm lợi nhuận khó hơn giai đoạn trước đó.

Dự báo về chuyển động thị trường trong tháng 5, ông Lâm Gia Khang, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS) cho rằng, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ duy trì diễn biến đi ngang trong biên độ 1.150 - 1.250 điểm khi dòng tiền vẫn mang tâm lý e ngại sau đợt điều chỉnh vừa qua. Áp lực call margin ở thời điểm này khá thấp khi khả năng quản trị rủi ro của nhà đầu tư dần trở nên tốt hơn và số dư tiền mặt tại các tài khoản chứng khoán đạt mức hơn 100.000 tỷ đồng - mức cao kỷ lục trong nhiều năm. Bên cạnh đó, chỉ số P/E của thị trường tính đến ngày 26/4/2024 đạt khoảng 13,6 lần, thấp hơn khoảng 15% so với mức trung bình giai đoạn 2020 - 2023, cho thấy thị trường đã chiết khấu đáng kể các yếu tố rủi ro xuất hiện trong tháng 4 vừa qua.

Như góc nhìn của ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực, Công ty Chứng khoán VPS, chỉ số VN-Index dường như đã xác định đáy của đợt điều chỉnh tại khu vực 1.170 điểm, trước khi hồi phục trở lại khu vực sát mốc 1.210 điểm tuần giao dịch cuối tháng 4. Khu vực đáy điều chỉnh sâu nhất đã xác nhận - vùng đáy tích lũy có thể có biến động tăng giảm trong biên độ từ 1.200 - 1.230 điểm sẽ diễn ra trong 2 tuần đầu tiên của tháng 5 trước khi quay lại xu hướng tăng.

Cùng với thông tin từ mùa đại hội cổ đông, kỳ vọng vào lợi nhuận quý I/2024 đang là yếu tố trợ lực cho thị trường chứng khoán, đặc biệt hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều này cũng lộ rõ sự phân hóa giữa các cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu kỳ vọng hồi phục

Trên thực tế, sự phân hóa của thị trường đang diễn ra khá rõ, ngay cả trong từng nhóm ngành và thể hiện tương đối hợp lý với triển vọng kết quả kinh doanh. Ví dụ, trong ngành ngân hàng, tính từ đầu năm 2024, cổ phiếu của các ngân hàng có khả năng quản trị rủi ro tốt, có nhiều dư địa tiếp tục cải thiện kết quả kinh doanh như CTG, BID, MBB, hay có câu chuyện riêng hấp dẫn liên quan đến nhận diện thương hiệu và chia cổ tức như LPB, TCB đang ghi nhận hiệu suất đầu tư tốt hơn mức trung bình ngành (6,28%) và trung bình toàn thị trường (7,04%). Trong nhóm bất động sản nhà ở, các doanh nghiệp có địa bàn hoạt động kinh doanh tại khu vực phía Bắc cũng ghi nhận diễn biến tích cực hơn các doanh nghiệp kinh doanh ở phía Nam, khi thị trường bất động sản tại khu vực này, nhất là trong phân khúc căn hộ chung cư, diễn biến sôi động từ đầu năm 2024.

Tuy vậy, như phân tích của ông Lâm Gia Khang, trên thị trường vẫn có một số trường hợp giá cổ phiếu cho thấy nhà đầu tư đang hơi lạc quan về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp. Tiêu biểu là nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, khi chỉ số P/E của nhóm này hiện đã đạt mức cao kỷ lục trước kỳ vọng hệ thống KRX vận hành sẽ tác động tích cực lên hiệu quả hoạt động của ngành. Tuy vậy, với việc trì hoãn thời gian go-live vào đầu tháng 5, cơ quan quản lý cũng cần nhiều thời gian để nghiên cứu, test hệ thống giao dịch và ban hành các quy định để chính thức đưa vào vận hành, do vậy, khó tạo hiệu ứng ngay lập tức đến kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán trong năm 2024.

Bên cạnh đó, trong nhóm thép, tài chính, dầu khí, công nghệ..., vẫn có những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh nổi trội cho dù việc tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp dựa trên nền thấp của năm ngoái. Việc lựa chọn cổ phiếu/doanh nghiệp để đầu tư cũng nên căn cứ theo tiêu chí hiệu quả kinh doanh và khả năng thu lợi nhuận ở giai đoạn sau của năm 2024 đối với các doanh nghiệp niêm yết.

Nhìn nhận về nhóm cổ phiếu có nhiều cơ hội hồi phục nhanh hơn trong tháng 5, ông Lê Đức Khánh cho rằng, tài chính, hóa chất, thép, cảng biển, dầu khí, công nghệ - viễn thông… là các nhóm cổ phiếu đáng chú ý.

“Các nhà đầu tư đang cầm ít cổ phiếu cũng như dư nhiều tiền vẫn có thể lựa chọn cổ phiếu mua và nắm giữ bởi triển vọng thị trường chứng khoán giai đoạn tháng 5 vẫn khá nhiều cơ hội. Tuy nhiên, với diễn biến thị trường ngắn hạn cũng như một số nhà đầu tư đang cầm nhiều cổ phiếu - việc kiểm soát tỷ trọng, điều chỉnh và quản lý danh mục đầu tư cũng phải chú ý hơn”, ông Khánh khuyến nghị.

Hoàng Minh

Tin khác »