Trong tháng 7, HOSE sẽ thực hiện đánh giá chỉ số VN30 & VNFINLEAD kỳ giữa năm với những thay đổi về cơ cấu chỉ số. Đồng thời, các chỉ số VNDIAMOND sẽ được cập nhật số liệu và tính toán lại tỷ trọng danh mục cổ phiếu thành phần.
Kết quả sẽ được chính thức công bố vào ngày 16/07/2025 và có hiệu lực vào ngày 04/08/2024. Lưu ý rằng các dự báo trong kỳ cơ cấu danh mục chỉ số VN30 và VNFINLEAD lần này là dựa trên Quy tắc xây dựng & quản lý Bộ chỉ số HOSE-Index phiên bản 4.0 – Quy tắc mới có nhiều cải tiến về yêu cầu thanh khoản và chất lượng cổ phiếu thành phần.
Dựa trên số liệu soát xét đến ngày 30/06/2025, Chứng khoán Rồng Việt - VDSC ước tính chỉ số VN30 sẽ thêm mới cổ phiếu DGC và loại ra cổ phiếu BVH.
Trước đó cổ phiếu BVH chính thức được thêm vào rổ VN30 từ kỳ cơ cấu Quý 1/2021. Trong kỳ cơ cấu lần này, giá trị giao dịch khớp lệnh của BVH ở mức khoảng 22 tỷ đồng, thấp hơn so với ngưỡng yêu cầu là 30 tỷ đồng, theo Quy tắc xây dựng & quản lý Bộ chỉ số HOSEIndex phiên bản 4.0. Do vậy, rủi ro không thỏa mãn điều kiện về thanh khoản trong kỳ cơ cấu lần này khiến BVH sẽ bị loại khỏi rổ chỉ số.
Cổ phiếu DGC kỳ vọng sẽ được thêm vào danh mục mới do đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về tư cách tham gia chỉ số free float và thanh khoản. Đồng thời khi xếp hạng ưu tiên về giá trị vốn hóa, DGC nằm trong top 30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa nổi bật nhất. Theo đó, cổ phiếu DGC dự kiến sẽ chính thức được thêm vào danh mục VN30 thay thế cho cổ phiếu BVH trong kỳ cơ cấu lần này.
Bên cạnh dự báo có sự thay đổi về cổ phiếu thành phần, trong kỳ cơ cấu lần này có vài lưu ý như sau: Cổ phiếu VRE không còn thuộc nhóm cổ phiếu có liên quan đến Vingroup trong chỉ số VN30. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, Tập đoàn Vingroup hiện nắm giữ 18,37% cổ phần tại VRE. Với tỷ lệ này, VRE được phân loại là công ty liên kết của VIC, thay vì là công ty con. Do đó, VRE không còn thuộc nhóm cổ phiếu có liên quan đến Vingroup trong chỉ số VN30.
Theo quy tắc giới hạn tỷ trọng vốn hóa của bộ chỉ số HOSE, tỷ trọng tối đa áp dụng cho một cổ phiếu đơn lẻ là 10%, còn với nhóm cổ phiếu có liên quan (ví dụ công ty mẹ và công ty con) là 15%. Vì vậy, trong trường hợp VIC và VHM bị điều chỉnh giảm tỷ trọng trong chỉ số, các cổ phiếu khác – bao gồm cả VRE – có thể được gia tăng tỷ trọng tương ứng.
Cổ phiếu BSR có thể sẽ là ứng viên tiềm năng cho kỳ cơ cấu tiếp theo trong kỳ cơ cấu tháng 1/2026. Ngày 17/1/2025, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chính thức niêm yết trên sàn HOSE. Đến thời điểm hiện tại, BSR đã đáp ứng hầu hết các tiêu chí cần thiết để được xem xét vào rổ chỉ số VN30, bao gồm: quy mô vốn hóa, tỷ lệ free-float, thanh khoản và lợi nhuận.
Tuy nhiên, do chưa đạt điều kiện về thời gian niêm yết tối thiểu 6 tháng, BSR chưa đủ điều kiện để được đưa vào danh sách xem xét trong kỳ cơ cấu hiện tại. Khi tiêu chí về thời gian niêm yết được đáp ứng, BSR sẽ trở thành một ứng viên sáng giá và có nhiều khả năng được bổ sung vào danh mục VN30 trong kỳ cơ cấu kế tiếp – diễn ra vào tháng 1/2026.
Hiện nay trên thị trường có 4 quỹ ETF sử dụng chỉ số VN30 làm tham chiếu gồm DCVN30, KIMVN30, MASVN30 và BVFVN30 với tổng tài sản gần 9.000 tỷ đồng. Trong đó. quỹ DCVN30 là quỹ có tổng tài sản lớn nhất, đạt hơn 5.900 tỷ đồng và đã giảm 12,15% trong 6 tháng đầu năm nay. Trong đó quy mô quỹ bị rút ròng hơn 1.500 tỷ đồng và NAV ghi nhận tăng trưởng 10,4% từ đầu năm 2025.
Ước tính các quỹ này sẽ mua mới 1,9 triệu cổ phiếu DGC, tỷ trọng mới của DGC từ 0% lên 2,15%; các cổ phiếu khác cũng được mua nhiều như FPT, TCB, ACB, VPB, LPB, MBB... Ở chiều ngược lại, các ETF sẽ bán ra toàn bộ 496 nghìn cổ phiếu BVH và bán ra nhiều nhất 1,66 triệu cổ phiếu VIC, 1,5 triệu cổ phiếu VHM, 1,2 triệu cổ phiếu HPG. Các cổ phiếu khác cũng bị bán giảm tỷ trọng như VRE, MSN, MWG, VNM, GVR.
Với chỉ số VNFINLEAD, giống như rổ VN30, trong kỳ cơ cấu lần này, danh mục chỉ số VNFINLEAD sẽ được tính toán lại các chỉ số thành phần. Kết quả xoát xét đến ngày 30/06/2025, VDSC ước tính chỉ số VNFINLEAD sẽ loại bỏ cổ phiếu LPB, SSB và không thêm mới cổ phiếu nào cả.
Cổ phiếu LPB & SSB có tỷ suất vòng quay tối thiểu khá thấp (Tỷ lệ giữa giá trị giao dịch và giá trị vốn hóa điều chỉnh free-float) lần lượt là 0,071% và 0,091%, đều thấp hơn mức 0,1% theo Quy tắc xây dựng và quản lý chỉ số hiện hành. Theo đó, cổ phiếu LPB & SSB sẽ có nguy cơ bị loại ra khỏi danh mục VNFINLEAD trong kỳ cơ cấu lần này.
Hiện nay có 1 ETF trên thị trường đang sử dụng chỉ số VNFINLEAD làm tham chiếu là SSIAM VNFINLEAD có tổng giá trị tài sản khoảng 400 tỷ đồng. So với đầu năm nay, quỹ SSIAM VNFINLEAD đã bị rút ròng đáng kể với giá trị hơn 137 tỷ đồng, khiến tổng giá trị tài sản của quỹ đã giảm mạnh -16,8% mặc dù NAV tăng 11,7% so với đầu năm.
Ước tính ETF sẽ bán ra nhiều nhất 945 nghìn cổ phiếu LPB, 195 nghìn cổ phiếu SSB và bán ra ACB, VPB, HDB, VCB, TPB, VIB. Ở chiều ngược lại, STB được mua thêm nhiều nhất 1,17 triệu cổ phiếu; các cổ khác cũng được mua bổ sung như VND, VIX, TCB...
Thu Minh