Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Ngành quỹ trước cơ hội nâng hạng

DTCK | 8 giờ trước | 12/05/2025

Nâng hạng thị trường chứng khoán là cơ hội để ngành quản lý quỹ khẳng định vai trò trong việc kết nối dòng vốn dài hạn với nền kinh tế, đồng thời mang đến cho nhà đầu tư một kênh đầu tư minh bạch, dễ tiếp cận và phù hợp với xu hướng tích lũy bền vững.

 

Kỳ vọng thị trường chứng khoán sớm nâng hạng

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã được FTSE Russell đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi từ năm 2018. Sau nhiều năm nỗ lực cải thiện các tiêu chí, năm 2024, lộ trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam đánh dấu bước tiến quan trọng khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC, chính thức cho phép cơ chế giao dịch không yêu cầu ký quỹ trước (non pre-funding) đối với nhà đầu tư nước ngoài - một trong những tiêu chí then chốt trong bộ tiêu chuẩn đánh giá của FTSE Russell.

Trong báo cáo cập nhật tháng 4/2025 của FTSE Russell, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng và được tổ chức này ghi nhận nhiều cải thiện đáng kể. Nếu tiến trình cải cách tiếp tục được đẩy mạnh và các điều kiện kỹ thuật được đáp ứng, khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 là hoàn toàn khả thi, qua đó, mở ra cánh cửa đón dòng vốn thụ động quy mô lớn từ các quỹ chỉ số toàn cầu.

Năm 2025 có thể trở thành cột mốc lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam, khi có khả năng được FTSE Russell chính thức nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi hạng hai. Ngành quản lý quỹ với vai trò trung tâm trong việc dẫn dắt dòng vốn trung và dài hạn phục vụ tăng trưởng kinh tế được đánh giá là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi rõ rệt nhất, không chỉ bởi nhà đầu tư ngày càng ý thức được lợi ích của kênh đầu tư này mà còn bởi vì Chính phủ, công ty quản lý quỹ và các đại lý phân phối đều đang dồn tâm sức để phát triển ngành.

Quỹ đầu tư, cầu nối nguồn vốn cá nhân và doanh nghiệp

Mỹ, quốc gia có thị trường vốn phát triển bậc nhất thế giới, có quy mô quỹ bằng 133% GDP, với hơn một nửa hộ gia đình sở hữu chứng chỉ quỹ. Trung Quốc, dù chỉ đi trước Việt Nam khoảng một thập kỷ trong lĩnh vực quản lý quỹ, đã đạt tỷ lệ tài sản quỹ tương đương gần 21% GDP. Ấn Độ, với thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Việt Nam, quy mô các quỹ đầu tư cũng đạt gần 18% GDP.

Trong khi đó, tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2024, mới có khoảng 422.000 nhà đầu tư bỏ vốn vào quỹ mở, con số rất thấp so với khoảng 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán; tổng tài sản quản lý của các quỹ mở chưa đến 1% GDP. Điều này cho thấy nước ta chưa thực sự khai thác được tiềm năng của ngành quản lý quỹ, với vai trò là kênh dẫn vốn dài hạn quan trọng trong nền kinh tế.

Định vị vai trò của ngành quản lý quỹ trong kỷ nguyên vươn mình

Khi kinh tế và chính trị toàn cầu trở nên phức tạp hơn, đặc biệt sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc áp thuế đối ứng với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ vào đầu tháng 4/2025, lo ngại về một vòng xoáy căng thẳng thương mại mới đang gia tăng có thể gây sức ép lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu và làm gia tăng rủi ro tại nhiều nền kinh tế, bao gồm cả Việt Nam.

Giữ vững mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025 và hướng tới mức hai con số trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ cần một nguồn vốn trung và dài hạn với quy mô lớn chưa từng có. Thay vì tiếp tục phụ thuộc nhiều vào dòng vốn nước ngoài, vốn tiềm ẩn rủi ro trước những biến động kinh tế - chính trị toàn cầu, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển thị trường vốn trong nước. Với tỷ lệ tín dụng/GDP đã đạt trên 135%, Việt Nam không thể tiếp tục đẩy mạnh kênh tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng.

Do vậy, ngành quản lý quỹ và hệ thống các quỹ đầu tư chuyên nghiệp cần tham gia với vai trò trung tâm trong huy động hiệu quả nguồn tiền nhàn rỗi từ dân cư, tạo ra nguồn lực bền vững để phục vụ tăng trưởng dài hạn.

Chính sách đột phá để phát triển ngành

Thời gian qua, thị trường đã chứng kiến nỗ lực của hầu hết các thành phần trong “chuỗi giá trị” ngành quỹ, nhưng để ngành quỹ phát triển mạnh mẽ, rất cần những chính sách mang tính đột phá của Chính phủ, nổi bật là chính sách với đại lý phân phối và thuế.

Cho phép ngân hàng được phân phối chứng chỉ quỹ có thể nói sẽ là động lực để thay đổi cục diện của thị trường tài chính, không những đối với ngành quản lý quỹ mà cả đối với hệ thống ngân hàng. Ngân hàng hiện đại nên là địa chỉ tin cậy để người dân nhận được các tư vấn về quản lý gia sản; trong đó, tiền gửi, tiền vay chỉ là một phần trong danh mục tài sản của họ.

Trong khi tại các ngân hàng nước ngoài như DBS hay Standard Charterred Bank, dịch vụ quản lý gia sản có thể đóng góp trên dưới 40% nguồn thu phí của các ngân hàng, thì các ngân hàng thương mại Việt Nam hầu như chưa có nguồn thu này.

Một số ngân hàng tại Việt Nam đã cung cấp dịch vụ Private Banking (ngân hàng cá nhân) cho các cá nhân siêu giàu nhưng lại chưa được chính thức cung cấp dịch vụ quản lý gia sản, cấu phần quan trọng nhất của dịch vụ ngân hàng cá nhân. Từ vai trò là tổ chức gần như duy nhất cung cấp vốn cho doanh nghiệp, ngân hàng trở thành đơn vị tư vấn cho dòng vốn vào các quỹ, qua đó, cung cấp nguồn vốn trung dài hạn cho doanh nghiệp, giảm sức ép và rủi ro cho hệ thống các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi về thuế, đặc biệt với trường hợp đầu tư và nắm giữ dài hạn sẽ là yếu tố tác động quan trọng đến hành vi của nhà đầu tư, dẫn dắt dòng vốn đầu tư dài hạn vào các quỹ được quản lý chuyên nghiệp. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Thái Lan, khi Chính phủ nước này miễn thuế thu nhập cá nhân lên tới 30% thu nhập và 500.000 baht (tương đương 15.000 USD)/năm khi các cá nhân đầu tư định kỳ vào quỹ và nắm giữ đến khi nghỉ hưu.

Nguyễn Thị Hằng Nga

Tin khác »