Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Thúc đẩy nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi

TTVN | 16/04/2024

Việt Nam được 2 tổ chức quốc tế MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên.

 

Để làm rõ hơn các vấn đề về nâng hạng thị trường, Bộ Tài chính phối hợp với Nhóm Ngân hàng Thế giới (dưới sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam,” ngày 16/4.

Tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số

Tiến sỹ Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược Tài chính, Bộ Tài chính nhấn mạnh thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Năm 2023, tổng giá trị huy động vốn qua thị trường đạt hơn 418 nghìn tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022. Tính đến ngày 12/4/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.276,6 điểm, tăng 13% so với cuối năm 2023. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt 6,8 triệu tỷ đồng, tăng 13,8% so với cuối năm 2023, tương đương với 66% GDP ước tính của năm 2023.

Ông Quỳnh cho biết hiện tại, Việt Nam được 2 tổ chức quốc tế MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên. Đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số thị trường cận biên (khoảng 30% tổng tài sản quản lý).

Nâng hạng thị trường luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao và đặt mục tiêu cụ thể là phấn đấu đến năm 2025.

Theo ông Quỳnh, nâng hạng thị trường chứng khoán là vấn đề quan trọng, liên quan đến nhiều bộ, ngành đồng thời việc nâng hạng cũng đặt ra các yêu cầu đối với việc thay đổi các chính sách, quy định pháp luật có liên quan. Theo đó, hội thảo đi vào phân tích những cơ hội và thách thức của nâng hạng thị trường và những tác động đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tại đây, các diễn giả đã cùng làm rõ những điều kiện và tiêu chuẩn để nâng hạng thị trường lên cận biên theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là FTSERussell. Bên cạnh đó, các diễn giả trao đổi nhằm nhận diện các điểm nghẽn mà chúng ta chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới

Theo các chuyên gia, với những nỗ lực đổi mới, hoàn thiện khung khổ chính sách, trải qua hơn hai thập kỷ hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng tỏ được sức hút, tính hiệu quả, chất lượng ngày càng được nâng cao, trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 70% quyết định phân bổ vốn đầu tư vào các thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư quốc tế chịu ảnh hưởng từ việc xếp hạng thị trường chứng khoán. Do đó, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế.Theo ước tính của Nhóm Ngân hàng Thế giới, trong trường hợp nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng lên thị trường mới nổi sẽ có khả năng thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.

Trên cơ sở đó, hội thảo tập trung thảo luận 4 nhóm nội dung: Phân tích những cơ hội của nâng hạng đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng, nền kinh tế nói chung; Phân tích những điều kiện và tiêu chuẩn để nâng hạng thị trường lên mới nổi mà thị trường chứng khoán Việt Nam cần đạt được theo đánh giá của FTSE Russell; Kinh nghiệm của một số thị trường chứng khoán khi nâng hạng, nhận diện các thách thức và rủi ro đối với Việt Nam khi nâng hạng thị trường chứng khoán lên mới nổi; Đề xuất các giải pháp thúc đẩy việc nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Trên cơ sở thảo luận các nội dung trên, hội thảo gợi mở thêm nhiều vấn đề mới cần quan tâm cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến việc nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam./.

Hạnh Nguyễn

Tin khác »