Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Xuất nhiều - thu ít, vẫn còn bấp bênh

TBKD | 17/10/2017

Xuất khẩu (XK) ngành công nghiệp điện tử đang là “mũi nhọn” XK chủ lực của Việt Nam. Song việc các doanh nghiệp (DN) trong nước còn yếu thế, loay hoay với “phận” gia công, khiến dòng lợi nhuận khổng lồ vẫn đang chảy vào túi các DN nước ngoài.

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch XK của ngành điện tử ước đạt 49 tỷ USD, trong đó điện thoại và linh kiện đạt 31 tỷ USD, tăng 21,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,5 tỷ USD, tăng 40,8%. Hàng điện tử Việt Nam được XK sang hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó một số thị trường chính vẫn là EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Thua trắng trên sân nhà

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu (NK) các sản phẩm của nhóm hàng điện tử cũng ở mức cao. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2016, NK máy tính và linh kiện trong 9 tháng đạt 25,8 tỷ USD, tăng 28,3%, với các thị trường chính là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ; còn với nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện, NK ước đạt 10,7 tỷ USD, tăng 41,3%, với những thị trường cung cấp chính như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Nhìn vào số liệu XNK ngành công nghiệp điện tử có thể thấy ngay điểm yếu căn bản là công nghiệp điện tử vẫn nặng về gia công, cho nên giá trị gia tăng thu về còn rất khiêm tốn. Kim ngạch XK vẫn phụ thuộc lớn vào một số nhà đầu tư FDI như Samsung, Canon, LG, Panasonic, Nokia…

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho biết, nếu soi kỹ các số liệu NK nhiều năm nay sẽ thấy kim ngạch NK các linh kiện điện tử là vô cùng lớn. 
Tỷ lệ nội địa hóa của các DN điện tử nội địa hiện chỉ 12%, còn lại 88% nhập từ nước ngoài, nhập từ linh kiện điện tử cao cấp đến linh kiện cơ khí, nhựa, cao su.

Các chuyên gia đánh giá, phần lớn DN Việt Nam không tham gia được chuỗi cung ứng đầu vào, hay chuỗi giá trị của các DN FDI. Do đó, dù được gọi là ngành công nghệ cao nhưng phần “cao” lại không nằm ở Việt Nam mà nằm ở nước khác.

“Năng lực của các DN Việt Nam trong việc thỏa mãn yêu cầu của các công ty đa quốc gia còn hạn chế. Số lượng công ty vốn nội tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia rất nhỏ. Những DN cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp điện tử cấp 1 và cấp 2 chủ yếu là các DN FDI”, Gs.Ts. Sung Keuk-je, trường Đại học Kyunghee, Hàn Quốc, nói.

Đơn cử như tại Samsung Việt Nam, trong số 215 DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, chỉ có 25 DN cấp 1 – cung cấp trực tiếp cho Sam sung, 190 DN cấp 2 – cung cấp qua các DN cấp 1. Dự kiến hết năm 2017, số lượng DN cấp 1 sẽ đạt con số 29, tăng gấp đôi năm 2016, gấp ba lần so với năm 2015.

Cách nào bứt lên?

DN Việt Nam dù đang đóng góp nhiều hơn trong chuỗi XK ngành điện tử song chủ yếu vẫn nặng về gia công, lắp ráp cho các công ty nước ngoài, với các thị trường chủ yếu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước ASEAN. 

Do đó, giá trị gia tăng của ngành điện tử Việt Nam không cao so với các nước trong khu vực, DN trong nước ngày càng khó khăn hơn khi tham gia vào lĩnh vực này.

Ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA), cảnh báo, sự cạnh tranh ngành điện tử trên thị trường XK đang ngày càng khốc liệt hơn.

Điển hình như Ấn Độ đang và sẽ là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, do đây là quốc gia áp dụng cơ chế hai cấp ưu đãi trung ương và tiểu bang, có lợi thế về lao động với mức lương nhân công thấp, chỉ bằng khoảng 50% so với lương lao động của Việt Nam và những ngành công nghệ cao.
Sự lớn mạnh của khối DN FDI trong lĩnh vực điện tử đang đặt ra một thách thức không nhỏ cho các DN trong nước.

Để phát triển ngành công nghiệp điện tử, theo nhận định của giới chuyên gia, Việt Nam cần có chính sách phù hợp với thực tế, nếu không ngành công nghiệp điện tử sẽ lụi tàn, nhất là trong bối cảnh hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn vào năm 2018.

Bà Kasinee Phantteeranurak, Quản lý Dự án công ty Reed Tradex (Thái Lan), cho rằng Việt Nam cần quan tâm đến việc nâng cao năng suất, thúc đẩy chuỗi giá trị hơn là dựa vào những lợi thế sẵn có. Mỗi DN nội địa cần xác định rõ mục tiêu trong việc nâng cấp công nghệ để đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu, đồng thời phát triển nguồn nhân lực vận hành hệ thống mới. 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được nhìn nhận là cơ hội đối với những ngành XK như dệt may, da giày, linh kiện điện tử. Tuy nhiên, cơ hội này chỉ có thể có được khi DN áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến giúp nâng cao năng suất và chất lượng, trong khi đây lại là điểm yếu của các DN trong nước. 

Vì vậy, Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN trong nước đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, nghiên cứu, phát triển và tìm kiếm những công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Được biết, để giúp DN Việt Nam vươn lên cao hơn trong chuỗi cung ứng XK ngành điện tử nói riêng và chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu nói chung, Chính phủ đã xây dựng khung chính sách công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực công nghệ của các nhà cung cấp trong nước, tạo liên kết với các nhà đầu tư FDI, thực hiện các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ…

Văn Nguyễn

Tin khác »