Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

"Giá" cho nhiệt điện than không rẻ

DDDN | 21/07/2017

Phát triển nhiệt điện than được xác định là đi ngược với xu hướng phát triển chung của thế giới vì điện than gây nguy cơ ô nhiễm rất cao và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

 

Cách đây 2 tháng chính quyền tỉnh Bình Thuận phải ban hành văn bản gửi Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh cùng chính quyền huyện Tuy Phong khuyến cáo người dân gần nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 không nên dùng nguồn nước ngầm để sinh hoạt, đồng thời đề nghị tính đến việc di dời người dân địa phương.

Mối hiểm họa khôn lường

Nguyên nhân là do kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, hàm lượng chlorine trong nước ngầm của 34 gia đình cao hơn giới hạn cho phép từ 1.2 lần đến 1.8 lần. Hàm lượng tổng số muối tan trong đất tại khu vực chùa Linh Sơn cho thấy đất tại khu vực này mặn và rất mặn. Bên cạnh đó, các vườn cây ở đây có hiện tượng trụi lá, khô cành. Một số cây tuy vẫn còn ra lá non nhưng bộ rễ bị hư thối…

Trong khi người dân vẫn chưa hết kinh hoàng, thì mới đây, hoạt động nạo vét các cảng biển phục vụ cho nhiệt điện Vĩnh Tân lại tạo ra hàng triệu mét khối bùn. Để tiết kiệm chi phí, bùn nạo vét được đề xuất đổ xuống vùng biển gần với khu vực nạo vét thay vì đổ xa ngoài khơi hoặc vận chuyển đến các vùng sạt lở. Mà bùn đổ xuống biển thì chuyện coi như chuyện đã rồi…

Ai cũng hiểu thực chất đây chỉ là “khúc dạo đầu” của một thảm họa về môi trường liên quan đến điện than. Tình trạng này đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, đời sống và sức khỏe của người dân trong khu vực. Bởi trước đó, nhóm nghiên cứu Đại học Harvard chỉ rõ, khói thải từ nhiệt điện than có thể bay hàng trăm kilômet, tạo bụi siêu nhỏ - liên quan đến hàng ngàn cái chết ở Việt Nam, chưa kể những ảnh hưởng đến chất lượng đất, mùa màng nhiều nơi...

Nhóm nghiên cứu này qua thống kê các loại bệnh liên quan đến ô nhiễm của cả khu vực Đông Nam Á đã tách ra số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là 4.300 người mỗi năm. Theo báo cáo nghiên cứu, nếu các dự án nhiệt điện than đang trong quy hoạch đều được đưa vào vận hành, con số này sẽ có thể tăng lên đến 25.000 người chết yểu/năm.

Ưu tiên năng lượng tái tạo

Hơn 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành đã cho thấy mối nguy hiện hữu cho môi trường, sức khỏe của người dân và gây áp lực cho các nhà quản lý. Mối lo này sẽ còn lớn hơn nữa nếu có thêm khoảng 40 nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII Điều chỉnh được xây dựng trên cả nước vào năm 2030.

Nỗi lo này sẽ không là thừa bởi bài học của các nước trên thế giới cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bởi Trung Quốc – nước có ngành điện than phát triển nhanh nhất thế giới đầu tháng 3/2017 đã tuyên bố đóng cửa nhà máy nhiệt điện chạy bằng than cuối cùng - 103, trở thành đô thị đầu tiên ở Trung Quốc không còn loại nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm không khí trầm trọng. Cùng đó, nước này công bố các biện pháp ngăn chặn các kế hoạch xây thêm khoảng 200 nhà máy điện chạy than. Hay Mỹ, việc phát triển nhiệt điện than từ thế kỷ 19 khiến nước này đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực tới sức khỏe con người.

Kế hoạch phát triển điện than Việt Nam đến năm 2030

Còn tại Việt Nam, nhiệt điện than vẫn chiếm vai trò rất quan trọng bởi sau khi hoàn thành thủy điện Lai Châu, tới đây Việt Nam sẽ không còn thủy điện lớn nào có thể khai thác nữa, trong khi thủy điện nhỏ thì gây nhiều vấn đề về môi trường, như phá rừng. Do đó, chỉ có phát triển điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời và điện than.

Điện hạt nhân Việt Nam đang xúc tiến, điện gió, điện mặt trời thì đắt, chưa kể mặt trời chỉ có 12 tiếng/ngày và gió không phải lúc nào cũng lớn, nếu không dự phòng sẽ phải cắt điện khi thời tiết không thuận. Đây là những lý do để phát triển nhiệt điện than. Tuy nhiên, nếu tính cả chi phí sức khỏe, y tế, môi trường... nhiệt điện than không hề rẻ, chưa kể tới đây phải nhập khẩu than.

Để tránh rủi ro ô nhiễm gây tổn hại cho sức khỏe người dân, Liên minh năng lượng Việt Nam (VSEA) đã nêu ra một loạt kiến nghị, trong đó kiến nghị được đưa ra hàng đầu là Chính phủ cần xem xét, đánh giá lại một cách cẩn trọng Quy hoạch điện VII điều chỉnh theo nguyên tắc không đánh đổi môi trường và sức khỏe cộng đồng lấy dự án, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiệt điện than và tham vấn rộng rãi với các bên liên quan để huy động các sáng kiến, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững. Đồng thời đề xuất Chính phủ dừng các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch chưa xây dựng để xem xét kỹ lưỡng hiệu quả lợi ích và tác động, tổn thất đối với toàn xã hội và nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cũng từng khẳng định, Bộ sẽ thẩm định công nghệ điện than trước khi tham mưu trình Chính phủ cho phép đầu tư. "Nguyên tắc chung là sẽ ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, sử dụng hiệu quả nguồn nhiên liệu và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, các dự án này cần có phương án tái chế xỉ thải thành vật liệu san lấp, thay thế vật liệu xây dựng" - người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường nói.

Các chuyên gia cho rằng cũng đã đến lúc cần có lộ trình đóng cửa các nhà máy nhiệt điện cũ, hiệu suất thấp; cải tạo, nâng cấp các nhà máy có công nghệ lạc hậu; lắp đặt thiết bị xử lý khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường… Để giảm dần nhiệt điện than tiến tới ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.

Linh Vân

Tin khác »