Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Khi nhà bán lẻ ngoại “chào thua”

TBNH | 22/05/2019

Sự rút lui của doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị Auchan (Pháp) cho thấy, nhiều tiền chưa hẳn đã thâu tóm được thị trường bán lẻ Việt.

 

Các thương vụ M&A doanh nghiệp bán lẻ diễn ra dồn dập 5 năm trước tại thị trường Việt Nam từng được ví như “cơn sóng lớn”, mang đến nhiều tập đoàn bán lẻ đa quốc gia nổi tiếng khắp thế giới. Song đến nay, cá́c tên tuổi lớn như BigC, Parkson và hiện tại là Auchan… đã thoái lui, rút khỏi thị trường Việt Nam. Thực tế, rất nhiều siêu thị khi đổi chủ cũng giảm số lượng cơ sở tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh.

Doanh nghiệp nội cạnh tranh ngang ngửa

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương, hiện tại thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ về quy mô và độ phủ của doanh nghiệp Việt. Cụ thể như Liên minh Hợp tác xã thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) đang dẫn đầu về doanh thu với gần 32.000 tỷ đồng. Tập đoàn đa ngành nghề Vingroup cũng đang chiếm thế thượng phong về số lượng cửa hàng, với trên 100 siêu thị Vinmart, 1.700 cửa hàng Vinmart+, 66 trung tâm mua sắm lớn Vincommerce trên cả nước. Chưa dừng lại, Vinmart còn có kế hoạch mở thêm 4.000 cửa hàng tiện lợi trên cả nước trong thời gian tới. CTCP Thế giới Di Động với chuỗi cửa hàng tiện lợi Bách Hóa Xanh dự kiến sẽ mở rộng hệ thống hơn 700 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ… Nếu so sánh với nhà bán lẻ nước ngoài như Aeon Mall (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), BigC của Tập đoàn Central Group Thái Lan… thì hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp nội đang phát triển trội hơn về độ phủ thị trường, là điểm đến mua sắm thường xuyên hơn của người tiêu dùng Việt. Ông Trần Kinh Doanh, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh cho biết, hiện nay trung bình Bách Hóa Xanh thu hút khoảng 500 khách/cửa hàng/ngày. Nhiều gia đình chọn đến Bách Hóa Xanh thay đi chợ, vì tại đây có trên 400 mặt hàng rau quả, thịt cá tươi sống, gia vị, hóa mỹ phẩm… Để thu hút khách hàng, Bách Hóa Xanh đã đáp ứng được 3 tiêu chí thiết yếu khi mua sắm của gia đình Việt. Đó là cửa hàng gần nhà; thực phẩm tươi sống, chất lượng ngon; giá cả cạnh tranh được với chợ truyền thống. Các cửa hàng Bách Hóa Xanh thường rộng khoảng 200m2, đặt trên các trục đường dẫn vào khu vực đông dân cư.

Lợi thế thấu hiểu người tiêu dùng

Theo nhận định của TS. Huỳnh Phúc Điền, thành viên Nhóm Tư vấn chính sách Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh, ngành bán lẻ trong nước vẫn có xu hướng tăng, vì dân số đông, tập trung nhiều tại các thành phố lớn (như TP. Hồ Chí Minh). Hơn nữa, có 60% người dân Việt Nam đang trong độ tuổi mua sắm (từ 18 - 50 tuổi) và chịu chi tiêu. Và dự báo, chi tiêu của gia đình Việt Nam sẽ tăng trung bình 10,5%/năm (lên khoảng 714 USD/tháng vào năm 2020) với điểm đến là các kênh mua sắm hiện đại. Đây chính là dư địa để các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ đầu tư mở rộng kinh doanh nhằm khai thác thị trường nhiều tiềm năng này.

Điểm mặt những tập đoàn bán lẻ đa quốc gia từng bùng nổ ở Việt Nam như: MetroCash & Carry (Đức), Big C (Pháp), Parkson (Malaysia) hay Auchan (Pháp)… có thể thấy, sau 5 - 10 năm  tồn tại đều lần lượt rút khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam do kinh doanh không có lãi. Mới đây nhất, chuỗi siêu thị Auchan của Tập đoàn Auchan Retail (Pháp) đang tiến hành chuyển nhượng lại chuỗi 18 siêu thị của mình để rút khỏi thị trường Việt Nam. Năm 2015, khi vào Việt Nam, Auchan đã định hướng rõ ràng là hợp tác với các doanh nghiệp BĐS (cả Việt Nam và nước ngoài) để mở siêu thị tại các dự án khu dân cư, căn hộ. Với nguồn vốn đầu tư dự kiến lên đến 500 triệu USD, khách hàng mà Auchan hướng đến là người dân sống tại khu chung cư đó. Các siêu thị Auchan luôn gắn liền với chung cư của doanh nghiệp BĐS như I-Home, Sunny Plaza Gò Vấp, chung cư Lê Thành ở quận Bình Tân, Era Town quận 7… Tuy nhiên, sau 5 năm hoạt động không hiệu quả, Auchan đã chính thức ngưng các hoạt động kinh doanh siêu thị tại Việt Nam. 

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op thì, Auchan hay các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia khác mặc dù rất mạnh về tiềm lực, nhưng việc hiểu rõ thị trường và thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam thì không thể bằng doanh nghiệp nội. Auchan phát triển siêu thị tại các chung cư, thu hút người dân sinh sống khu vực lân cận tại thị trường… Pháp thì được, vì ở đó không có chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa! Còn ở Việt Nam, người dân có chợ, cửa hàng tạp hóa, thậm chí là điểm bán rau thịt hàng rong… để lựa chọn mua sắm. Về phía mình, nhà bán lẻ Việt ngoài việc am hiểu thị trường bản địa, còn có sự kết nối với các hoạt động liên quan như sản xuất, cung ứng dịch vụ… để có nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả phù hợp. Đặc biệt, doanh nghiệp bán lẻ nội có mô hình bán lẻ tương ứng với phân khúc khách hàng khác nhau, đến mọi góc của thị trường, mà các doanh nghiệp ngoại khó khai thác hết.

Thanh Thanh

Tin khác »