Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Vì sao giá điện tăng 8,36%?

TBKD | 21/03/2019

Chiều 20/3, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo giải thích vì sao giá điện tăng 8,36%, đồng thời trả lời câu hỏi giá điện tăng ảnh hưởng thế nào tới lạm phát, đời sống sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

 

Ngày 20/3, căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019, Bộ Công Thương đã công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 được điều chỉnh với mức giá mới là 1.864,44 đồng/ kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh).

Lạm phát có thể tăng 3,3-3,9%

Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thông tin về việc tăng giá điện. Bộ Công Thương cho biết, đã phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) để tính toán tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tới các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Cụ thể, với giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, CPI năm 2019 tăng trong khoảng 3,3 – 3,9%. Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.

Giải thích về lý do giá điện tăng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết việc điều chỉnh tăng giá điện dựa trên kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có các văn bản trình phương án bán lẻ điện bình quân năm 2019.

Sau đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính để kiểm tra, rà soát các thông số đầu vào để tính toán giá điện theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng, bao gồm nhiều thông số đầu vào, chênh lệch tỷ giá… Trong kịch bản có nhiều phương án khác nhau, đều được báo cáo Thủ tướng, Thường trực Chính phủ xem xét.

Ông Tuấn giải thích thêm: một số yếu tố đầu vào tăng giá khiến áp lực phải tăng giá điện trong năm nay. Cụ thể, giá than bán cho điện tăng 2,61-2,7% tuỳ từng loại, làm tăng chi phí phát điện gần 3.000 tỷ đồng.

Đồng thời với tăng giá điện lần này, giá than sẽ điều chỉnh bước 2. Than của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) tăng giá thêm 3,77%, than của Tổng công ty Đông Bắc tăng thêm 5%, ước làm tăng chi phí khoảng trên 2.000 tỷ đồng. Một số nhà máy điện của EVN và nhà máy điện ngoài phải sử dụng than trộn, ước tăng 1.921 tỷ đồng; chưa kể thuế bảo vệ môi trường với than cũng tăng.

Cùng với điều chỉnh tăng giá điện, khí bán cho điện ước làm chi phí sản xuất điện tăng 5.800 tỷ đồng.

Một số khoản chi phí ngành điện phải trả bằng ngoại tệ, như giá khí trả theo USD, tỷ giá sẽ trượt khoảng 1,36%…

Làm rõ hơn tính minh bạch trong tính toán tăng giá điện lần này, ông Tuấn cho hay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 11 công khai minh bạch giá, trong đó có giá điện. Hàng năm thuê công ty kiểm toán độc lập kiểm toán giá thành sản xuất điện.

Hộ nghèo có chịu tác động?

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, Bộ Công Thương đã tính toán kỹ việc tăng giá điện ảnh hưởng như thế nào đến các khách hàng mua điện.

Trên cả nước hiện đang có khoảng 25,8 triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt. Theo cách tính giá bậc thang mới, khách hàng dùng tới 50 kWh sẽ trả thêm 7.000 đồng; 50-100 kWh trả thêm 14.000 đồng (tăng 8,4%); tới 200 kWh trả thêm 31.600 đồng; 300 kWh trả thêm 53.100 đồng; 400 kWh trả thêm 77.200 đồng.

Đặc điểm của phụ tải là khách hàng sử dụng điện mức thấp chiếm tỷ lệ rất cao, dưới 100 kWh chiếm 35,6%; trên 300 kWh khoảng 15%, trên 400 kWh chiếm 7,1%. Thiết kế bậc thang là hỗ trợ hộ nghèo có thể được dùng điện.

Về đối tượng khách hàng kinh doanh, năm 2018 có hơn 443.000 khách hàng. Bình quân mỗi khách hàng phải trả tăng thêm hơn 500.000 đồng/tháng khi tăng giá điện. Đồng thời có 1,413 triệu khách hàng sản xuất, mỗi hộ sản xuất trả bình quân 12,39 triệu đồng, tăng hơn 869.000 đồng/tháng.

Về khách hàng sử dụng nhiều điện, khảo sát 40 doanh nghiệp sản xuất sắt thép, xi măng cho thấy, khi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hợp lý sẽ giảm tiền điện. Giá điện cho sản xuất xi măng tăng thêm 7,19%, trả thêm 13 triệu đồng.

“Điều chỉnh giá điện với các nhóm khách hàng trong đó đã xem xét ảnh hưởng tới chi phí mua điện của các DN”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, cũng cho biết giá bậc thang chủ yếu bảo vệ người thu nhập thấp để có thể tiếp cận điện năng. Người tiêu dùng nhiều phải hỗ trợ người dùng ít và chính sách phải tiết kiệm điện. Sản phẩm điện là sản phẩm duy nhất kêu gọi mọi người tiết kiệm chứ không phải khuyến mãi điện.

Đồng thời, đại diện EVN cũng chia sẻ, ngành điện sẽ thu thêm hơn 20.000 tỷ đồng từ tăng giá điện. Toàn bộ số tiền này chi trả cho các phần chi phí đầu vào tăng thêm, than hơn 7.000 tỷ đồng, chênh lệch giá khí bao tiêu 6.000 tỷ đồng; chênh lệch tỷ giá ngoài EVN 3.825 tỷ đồng, EVN sẽ báo cáo Bộ Công Thương và ra quyết định với từng nhà máy được thanh toán bao nhiêu và đưa vào phụ lục thanh toán điện. Số 3.825 tỷ đồng này sẽ thanh toán ngay cho các nhà đầu tư trang trải chi phí đáng lẽ phải trả cách đây hai năm (năm 2017).

Thy Lê

Tin khác »