Theo ghi nhận của MXV, nhóm năng lượng dẫn dắt đà tăng của toàn thị trường khi giá của toàn bộ 5 mặt hàng đóng cửa trong sắc xanh. Riêng hai mặt hàng dầu thô cắt đứt đà suy giảm của hai tuần trước. Tâm lý các nhà đầu tư dần ổn định trong bối cảnh sự chú ý đổ dồn vào kết quả cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/5, giá dầu Brent đã tăng 4,27%, lên mốc 63,91 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI dừng ở mốc 61,02 USD/thùng, bật tăng tới 4,68%.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, sự lo lắng về nguồn cung dư thừa của các nhà đầu tư ngày càng củng cố khi OPEC+ xác nhận sẽ tăng mạnh sản lượng trong tháng 6. Sau cuộc họp trực tuyến kéo dài một giờ đồng hồ giữa 8 quốc gia thành viên vào ngày thứ Bảy (3/5), mức tăng sản lượng được nhóm OPEC+ xác nhận trong tháng 6 là 411.000 thùng/ngày, tương tự như mức tăng trong tháng 5. Động thái này đã kéo giá dầu giảm sâu trong phiên đầu tuần do lo ngại tình trạng dư cung tái diễn giữa bối cảnh nhu cầu toàn cầu chưa thực sự khởi sắc.
Tuy nhiên, tâm lý thị trường đảo chiều tích cực vào cuối tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Keir Starmer công bố thỏa thuận thương mại song phương lịch sử, giữ nguyên thuế suất 10% với hàng nhập từ Anh nhưng gỡ bỏ nhiều rào cản cho hàng hóa Mỹ, đặc biệt là nông sản, ô tô, thép và nhôm, thâm nhập thị trường Anh. Thỏa thuận này đã tiếp thêm kỳ vọng cho nhà đầu tư vào cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung tại Thụy Sỹ ngày 10/5. Kết thúc ngày đàm phán đầu tiên, Tổng thống Trump mô tả cuộc gặp diễn ra "rất tốt đẹp" và "mang tính xây dựng". Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent hôm 11/5 cho biết hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt được "tiến triển đáng kể" trong vòng đàm phán kéo dài hai ngày. Những tín hiệu này đã tạo đà tăng giá mạnh cho dầu trong hai phiên cuối tuần.
Bên cạnh đó, thị trường vẫn ghi nhận những lo ngại nhất định về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại Mỹ. Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, dù dự trữ dầu thô giảm 2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 2/5, lượng dầu đầu vào tại các nhà máy lọc dầu lại giảm 7.000 thùng/ngày, trong khi tồn kho xăng tăng thêm 188.000 thùng – diễn biến trái ngược với thông lệ cao điểm mùa Hè, khi nhu cầu xăng dầu thường tăng mạnh.
Thông thường, thời điểm này sẽ ghi nhận mức nhu cầu xăng dầu gia tăng mạnh do nhu cầu đi lại của người dân Mỹ. Những số liệu mới nhất từ EIA đang làm dấy lên lo ngại về triển vọng tiêu thụ xăng dầu bán lẻ trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh các chỉ báo kinh tế quan trọng của Mỹ, nổi bật là tăng trưởng GDP quý I vừa qua, tiếp tục phát đi tín hiệu kém tích cực. Đây cũng là yếu tố kìm hãm đà phục hồi của giá dầu trong tuần.
Theo ghi nhận của MXV, thị trường đậu tương khép lại tuần giao dịch vừa qua với mức giảm nhẹ 0,59% xuống 386 USD/tấn, phản ánh sự giằng co giữa các yếu tố cơ bản trái chiều và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước loạt sự kiện quan trọng sắp diễn ra. Đà giảm của giá chủ yếu được dẫn dắt bởi kỳ vọng về mùa vụ Mỹ thuận lợi và triển vọng nguồn cung toàn cầu dồi dào. Mặc dù vậy, một số yếu tố hỗ trợ từ xuất khẩu và kỳ vọng thương mại đã giúp hạn chế đà giảm của giá.
PV