Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Giảm hơn 16.000 biên chế công chức, viên chức

| 20/12/2024

Tính đến ngày 30/10, số biên chế công chức, viên chức giảm theo quy định của Chính phủ là 16.149 người; trong đó bộ, ngành 217 người và địa phương 15.932 người.

 

Số liệu trên được đề cập tại báo cáo kết quả công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành Nội vụ.

Tinh giản 16.149 công chức, viên chức

Bộ Nội vụ cho biết, tại các quyết định giao biên chế giai đoạn 5 năm (2022-2026) cho các cơ quan của hệ thống chính trị đã thực hiện: giảm 5% biên chế công chức, giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Bộ Nội vụ thẩm định số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính tại 29 bộ, ngành giai đoạn 2022-2026, giảm 17.736 biên chế, tương ứng giảm 14,84% so với số biên chế giao năm 2021.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước gắn với việc phê duyệt vị trí việc làm. Cùng đó là cơ cấu lại, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

" Kết quả thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương (tính đến ngày 30/10) theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ tổng số là 16.149 người (trong đó bộ, ngành 217 người; địa phương 15.932 người) ", báo cáo của Bộ Nội vụ nêu.

Bộ Nội vụ đánh giá, các bộ, ngành, địa phương về cơ bản đã sử dụng đúng số biên chế được giao, không vượt quá số biên chế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các cơ quan thuộc diện hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung ương khẩn trương xây dựng đề án, văn bản quy định liên quan đến sắp xếp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Công việc này sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo Chính phủ cho ý kiến và Bộ Chính trị trước ngày 31/12.

Bộ Nội vụ chủ động, kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện sắp xếp tinh gọn các cơ quan tham mưu trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Cơ quan này cũng tích cực đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội, đủ mạnh đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm cơ sở để thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy, gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

" Đây là khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, nhạy cảm, song với sự thống nhất về nhận thức và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, đến nay đã cơ bản hoàn thành các đề án để báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương ", Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Qua đó, việc này cũng tạo tiền đề và cơ sở pháp lý quan trọng cho việc sắp xếp, giảm số lượng các bộ, sở, phòng và cơ cấu tổ chức bên trong tinh gọn theo yêu cầu của Nghị quyết số 18; khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo, bỏ sót hoặc không rõ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật; đồng thời tập trung xây dựng dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) trình cấp thẩm quyền theo kế hoạch.

Về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy (tính đến ngày 30/10) tại 63 tỉnh, thành phố: tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện, lũy kế đến nay, giảm 13 sở và tương đương; giảm 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương.

Theo Bộ Nội vụ, địa phương thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và quản lý biên chế, gồm: Hưng Yên, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ninh, Đồng Nai, Kon Tum, Quảng Ngãi, An Giang, Hậu Giang, Sơn La, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng cho rằng, nhận thức, trách nhiệm của một số bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

" Công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian là việc khó, đụng chạm đến lợi ích của tổ chức và cá nhân, đây là việc rất phức tạp và nhạy cảm nên một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động, quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện ", Bộ Nội vụ nêu.

Ngoài ra, việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm chưa thực hiện đồng bộ.

Báo cáo Thủ tướng nhiều vụ việc nóng về tôn giáo

Về lĩnh vực công tác tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ Nội vụ cho biết, trong năm 2024, cơ quan này chủ động nắm bắt tình hình và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương kịp thời báo cáo, tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề phức tạp, các điểm nóng về tôn giáo, đất đai tôn giáo, những vụ việc phức tạp liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

" Báo cáo Thủ tướng về vụ việc liên quan đến tôn giáo: "Xá lợi tóc Đức Phật" tại chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh); kết quả giải quyết vụ việc liên quan đến ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ); vụ việc liên quan đến Thượng tọa Thích Chân Quang; vụ việc liên quan đến ông Thạch Chanh Đa Ra (tỉnh Vĩnh Long)... ", Bộ Nội vụ dẫn chứng.

Bộ Nội vụ cũng chủ động nắm bắt tình hình, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề phức tạp, các điểm nóng về tôn giáo, đất đai tôn giáo; hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công tác tôn giáo tại địa phương và tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn.

Theo Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố đã bám sát chỉ đạo của cấp trên, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền và các sở, ban, ngành liên quan kịp thời xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương, không để xảy ra các điểm nóng phức tạp về an ninh, trật tự...

Bộ Nội vụ đánh giá, một số địa phương làm tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Huế, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long...

Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, Bộ Nội vụ nhận định vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, cần được quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo để kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa việc lợi dụng hoạt động tôn giáo để vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới sự ổn định xã hội.

Bộ Nội vụ cũng cho rằng, chưa có chính sách đặc thù tạo động lực cho những cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo.

Anh Văn/VTC News

Tin khác »