Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho hàng thủ công mỹ nghệ

Báo Đầu tư | 11/11/2024

Việt Nam phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt 4 tỷ USD năm 2025. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá thấp so với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn Độ…

 

Thị trường nhiều tiềm năng

Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhờ sự đa dạng ngành nghề và giàu tài nguyên. Hiện nay, Việt Nam có hơn 5.400 làng nghề và làng nghề truyền thống, với tổng doanh thu của các làng nghề này khoảng 75 nghìn tỷ đồng. 

Đến nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã tăng từ 1,62 tỷ USD năm 2015, lên 2,23 tỷ USD năm 2019. 

Theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Việt Nam đang phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sẽ đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. 

Ông Lai Trí Mộc, Tổng Giám đốc Công ty Vietnam Housewares cho hay, cơ hội cho ngành thủ công mỹ nghệ trong giai đoạn tới là khá lớn với Việt Nam khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang giảm hợp tác với Trung Quốc. Đặc biệt, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang phát triển nhanh chóng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt giao thương với hình thức B2C với người tiêu dùng cuối trên toàn cầu.

Đồng tình với ý kiến, bà Nguyễn Thanh Yến My, Đại diện Sàn thương mại điện tử Amazon thông tin, theo những báo cáo uy tín trên thị trường, tỷ lệ nhập khẩu các sản phẩm nội, ngoại thất và hàng thủ công mỹ nghệ đang có lợi thế rất lớn và ghi nhận sự tăng trưởng, đặc biệt là thị trường Mỹ. Do đó, Amazon đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang quốc gia này.

“Có thể kể đến như việc cung cấp các công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, người tiêu dùng, nhu cầu… Chúng tôi cũng có các báo cáo riêng về thị trường, sản phẩm và có các buổi chia sẻ với doanh nghiệp… nhằm hỗ trợ ngành hàng này khai thác thị trường một cách tốt nhất”, bà My chia sẻ.

Giải bài toán vùng nguyên liệu

Theo Tổng Giám đốc Công ty Vietnam Housewares, tỷ lệ cạnh tranh về giá giữa sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam so với Trung Quốc còn khá xa. Nguyên nhân là do, doanh nghiệp Việt nhập khẩu nguyên liệu với số lượng khá lớn nên không đủ khả năng tiết kiệm chi phí trong chuỗi cung ứng, đẩy giá thành sản phẩm lên cao.

Trong khi đó, các vùng nguyên liệu hiện hữu trong nước chỉ phát triển theo mùa. Khi bước vào mùa thu hoạch, cả doanh nghiệp Việt lẫn Trung Quốc vẫn trong tình trạng tranh mua, tranh bán. 

Do đó theo ông Mộc, giải pháp cho doanh nghiệp Việt hiện nay là tìm thêm nhiều nguồn cung khác nhau, ổn định vùng trồng và tăng khả năng xử lý sau thu hoạch… Khi nhu cầu về mây, lục bình giai đoạn dịch Covid-19 tăng cao, “mua khó hơn vàng”, Vietnam Housewares liên tục tìm loại cây thay thế. Sau quá trình nghiên cứu, doanh nghiệp tìm ra cây năn tượng để đảm bảo nguồn cung.

“Nguyên liệu cói có trữ lượng ổn định nhưng khó cạnh tranh về giá; cây chuối dù tiềm năng lớn nhưng chưa đủ khả năng đứng trong ngành thủ công mỹ nghệ hiện nay; với nguyên liệu mây, hiện trữ lượng giảm gần hết và các dự án trồng mây tự nhiên với quy mô lớn gần như chưa có. Do đó, chúng tôi nghiên cứu và tìm ra cây năn tượng, một loại nguyên liệu mới được chúng tôi định hướng sẽ thay thế lục bình trong tương lai nhờ giá rẻ phân nửa”, ông Mộc chia sẻ.

Có thể thấy, không chỉ riêng cây năn tượng, để ngành thủ công mỹ nghệ phát triển bền vững, bên cạnh công tác phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại… thì việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững là vấn đề mang tính quyết định. 

Ông Bùi Thành Được, Giám đốc Công ty TNHH Miền Tây Xanh cho hay, cỏ bàng vốn là loài cỏ dại, mọc hoang khắp vùng sình lầy, chua phèn, ngập nước, có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười và một số địa phương giáp ranh. Vài năm trở lại đây, khi lối sống thân thiện với môi trường dần phát triển, các sản phẩm thủ công được quan tâm nhiều hơn, nâng dần giá trị thì cây cỏ bàng lại có vai trò mới.

“Từ dự án ống hút cỏ bàng được người tiêu dùng biết đến và sử dụng nhiều hơn, doanh nghiệp tiếp tục phát triển dòng túi xách, khay, sọt đựng đồ… bằng cỏ bàng. Ban đầu, đây là sản phẩm nhằm tối ưu hóa nguồn nguyên liệu khi sản xuất ống hút cỏ bàng. Dần về sau, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Miền Tây Xanh nhận được nhiều sự yêu mến của khách hàng và bắt đầu chinh phục thị trường quốc tế như Mỹ, Đức, Pháp, Úc…”, ông Được cho hay.

Hiện tại vùng nguyên liệu của doanh nghiệp được phát triển tại Đức Hoà, Đức Huệ (Long An), chúng tôi đang có dự án phát triển ở các vùng lân cận như: Đồng Tháp, Kiên Giang và tiếp tục mở rộng thêm một số khu vực tại Long An để chủ động nguồn cung, tăng khả năng cạnh tranh.

Hoài Sương

Tin khác »