Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Vốn FDI chảy mạnh vào dự án dệt may

Báo Đầu tư | 19/04/2024

Sau một thời gian trầm lắng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành dệt may dần sôi động trở lại.

 

Vốn chảy vào các dự án thượng nguồn

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Yi Da Denim Mill  (VN) Co.Ltd triển khai dự án sản xuất các sản phẩm dệt may tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định cấp trong tháng 2/2024. Theo giấy chứng nhận, Dự án có tổng vốn đăng ký 1.467 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn I của Dự án có mức đầu tư hơn 880 tỷ đồng, thực hiện đầu tư sản xuất vải có nhuộm, vải không nhuộm và quần áo, sẽ đi vào sản xuất chính thức từ quý III/2026. Các giai đoạn sau của Dự án dự kiến được thực hiện từ quý IV/2026 đến quý IV/2030. Đây là dự án được đầu tư bởi Tập đoàn Crystal, Hồng Kông (Trung Quốc).

Trước khi đầu tư dự án ở Nam Định, Tập đoàn Crystal đã có nhà máy hoạt động tại Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Phú Thọ và Bình Dương, với tổng doanh thu xuất khẩu tại Việt Nam khoảng 1 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 40.000 lao động.

Công ty khóa kéo hàng đầu thế giới YKK đã đầu tư thêm nhà máy thứ hai tại Việt Nam, đặt tại Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam), với quy mô và công nghệ hiện đại hơn hẳn nhà máy đã đầu tư tại Đồng Nai. Ông Yuji Furukawa, Tổng giám đốc YKK Việt Nam cho biết, sau 25 năm hiện diện, YKK Việt Nam tăng sản lượng dây khóa kéo gấp 100 lần, tăng số lượng nhân sự gấp bảy lần, với 2.800 người.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, vốn FDI vào lĩnh vực dệt may tăng nhanh trong quý IV/2023 và quý I/2024l. Trong khi các dự án vải, khoá kéo, chỉ may mở rộng đầu tư, thì vốn vào ngành sợi có sự chững lại. Một số dự án đã đầu tư trong năm 2022-2023 bắt đầu hoàn thành, đưa vào sản xuất, giúp nâng cao năng lực cung ứng của ngành và tạo cú hích cho các dự án mới.

Mới đây, Tập đoàn SAB (Trung Quốc) đưa vào hoạt động Nhà máy công nghiệp SAB Việt Nam tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Nhà máy được khởi công từ tháng 7/2022, có quy mô diện tích 66,44 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 62 triệu USD. Nhà máy chuyên sản xuất phụ kiện quần áo như dây khóa kéo kim loại, dây khóa kéo nhựa, dây khóa kéo nylon, cúc nhựa, cúc kim loại... Dự án đi vào vận hành giúp làm giảm nhập khẩu các loại nguyên liệu này của ngành dệt may.

Cú hích từ các FTA

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas đánh giá, nhiều nhà sản xuất dệt may quốc tế đã và đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam để tận dụng lợi thế về môi trường đầu tư, lao động và độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn. “Tôi cho rằng, loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP mà Việt Nam là thành viên là động lực thu hút các nhà đầu tư trong nước, cũng như nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào phân khúc nguồn cung thiếu hụt của ngành dệt may”, ông Giang nói.

Theo ông Yuji Furukawa, trước đây, YKK Việt Nam phải nhập một số sản phẩm đầu khóa kéo từ các công ty YKK nước ngoài để cung cấp cho các khách hàng nội địa, nhưng hiện nay, nhà máy ở Việt Nam đã sản xuất đa phần các sản phẩm của YKK.  Ngoài “xuất khẩu tại chỗ”, sản phẩm còn được xuất khẩu sang các nước như Campuchia và Myanmar.

Cùng với việc giúp ngành dệt may giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nguồn vốn FDI còn góp phần giải quyết một số vấn đề trọng yếu: thời gian sản xuất nhanh hơn, chi phí vận chuyển thấp hơn, giá cạnh tranh hơn, tận dụng ưu đãi thuế quan từ 15 FTA hiện hành.

Được biết, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đang dần phục hồi sau năm 2023 tăng trưởng âm. Quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 8 tỷ USD, tăng 7,9%; xuất khẩu xơ sợi dệt đạt 1,05 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp FDI đóng góp trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thế Hải

Tin khác »