Cùng lúc đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng có những trồi sụt ở mức cao khiến thanh khoản của các ngân hàng nhỏ càng chịu nhiều sức ép.
“Lãi suất phi mã”
Vượt 12 rồi 13%/năm nhưng lãi suất huy động của một số ngân hàng vẫn tiếp tục tăng cao, lần lượt lên 13,5 rồi 13,8%/năm, thậm chí trên tờ quảng cáo của một ngân hàng còn ghi “Lãi suất phi mã” để thu hút khách. Ngày 25/11, đỉnh cao của lãi suất huy động được ghi nhận ở mức 14,5%/năm được ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank) áp dụng trong sản phẩm “Tiền gửi siêu lãi suất”, tiền gửi lãi suất thả nổi. Ngoài lãi suất, ngân hàng này tiếp tục áp chính sách quà tặng có giá trị tương đương 1%/năm của chương trình kỳ phiếu.
Trước đó, ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng công bố lãi suất huy động ở mức cao 13,8%/năm; nhóm các ngân hàng áp dụng lãi suất huy động cao quanh mức 13,5%/năm còn có SeABank, SHB, Nam A Bank, Maritime Bank, HDBank, VPBank. Một số ngân hàng thương mại cũng tiến phát hành kỳ phiếu nhằm đẩy mạnh huy động vốn VND với lãi suất trả trước được ấn định quanh mức 13%/năm. Đây cũng là mức lãi suất trả trước cao nhất cho kỳ phiếu VND ở thời điểm hiện nay.
Theo thông tin từ lãnh đạo một số ngân hàng, đà tăng của lãi suất huy động sẽ chưa dừng lại mà còn có sự điều chỉnh bởi nhu cầu vốn cho các thanh khoản của ngân hàng rất cao. Một lãnh đạo ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội chia sẻ: vốn vay từ thị trường mở (liên ngân hàng) liên tục tăng mạnh khiến các ngân hàng nhỏ “đuối sức”, vì thế giải pháp tăng lãi suất huy động từ các tổ chức, dân cư là cách làm hợp lý hơn cả.
Được biết, ngay sau khi tăng lãi suất cơ bản, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã “bật đèn xanh” cho các ngân hàng thương mại dùng vốn vay trên thị trường liên ngân hàng để cho vay lại, một hoạt động mà trước đây đã hạn chế. Động thái này nhằm tạo nên hiệu ứng hạ lãi suất từ các ngân hàng nhờ việc tìm được vốn giá rẻ trên thị trường mở. Tuy nhiên, thực tế lại không như mong đợi bởi sau khi được áp dụng việc vốn vay trên thị trường liên ngân hàng để cho vay lại, lãi suất kỳ hạn một tuần trên thị trường này đạt đỉnh 25% vào ngày 10/11.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng: lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng hay giảm là do lượng vốn NHNN bơm vào thị trường mở có đủ đáp ứng thanh khoản của các ngân hàng hay không, chứ không phải do việc gỡ bỏ quy định hạn chế vay trên thị trường liên ngân hàng để cho vay lại.
Thực tế, trong tuần từ 8 - 12/11, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm và 1 tuần vọt lên lần lượt ở mức 17% và 25% khi NHNN dừng cho vay kỳ hạn 28 ngày và tăng lãi suất kỳ hạn 7 ngày từ 7% lên 8,75%. Hơn nữa, cùng thời gian đó, NHNN chào ra trên thị trường mở 75.000 tỉ đồng trong khi nhu cầu đăng ký lên đến 280.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi NHNN thông báo sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng thương mại và nối lại kỳ hạn 14 ngày, thị trường liên ngân hàng đã đã giảm nhiệt xuống 9% trong ngày 19/11. Được biết, trong tuần từ 13 - 19/11, NHNN đã tiếp tục bơm một khối lượng tiền khá lớn 61.000 tỉ đồng nhưng số tiền hút về còn lớn hơn, lên tới 71.000 tỉ đồng. Đây là tuần có lượng tiền hút về cao nhất kể từ cuối tháng 5/2010.
Hạ dần “vốn vay thuốc độc”
Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho rằng: mặc dù Chính phủ có chủ trương “ép” lãi suất xuống nhưng tình hình cung- cầu thị trường khiến mặt bằng lãi suất vẫn tăng cao và các DN cần vay vốn trong thời đột biết lãi suất này không khác gì “uống thuốc độc”. Theo ông Kiêm, từ nay đến Tết, lãi suất sẽ không thể giảm được vì đây là thời điểm cần vốn nhiều nhất trong năm, tuy nhiên, khi lãi suất tăng tới đỉnh, nó sẽ tự điều chỉnh giảm và theo tình hình hiện tại thì “đỉnh” lãi suất dường như đã tới.
Diễn biến trên thị trường tiền tệ những ngày gần đây cho thấy, một số ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay sau khi đã cân đối được lợi nhuận cả năm cũng như đảm bảo được mức tăng trưởng tín dụng của mình. Hiện lãi suất cho vay được các ngân hàng tính bằng lãi suất huy độn cộng thêm 3-5% tùy theo thời hạn và khoản vay và đang dao động ở mức từ 15-20%/năm. Tuy nhiên, một số ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay, như Western bank mặc dù vừa nâng lãi suất huy động nhưng vẫn áp dụng một số khaonr vay tiêu dùng ở mức 12%/năm, thấp hơn cả lãi suất huy động.
Eximbank cũng vừa công bố giảm lãi suất 1 - 1,5% đối với mọi đối tượng doanh nghiệp, tùy từng khách hàng và khoản vay mà ngân hàng này có lãi suất cho vay còn khoảng 15%/năm. Tại Ngân hàng Quân đội (MB), một số khoản vay tiêu dùng như mua ôtô và nhà đất được áp dụng lãi suất cho vay trong tháng đầu tiên bằng 12%/năm; đối với doanh nghiệp, MB giảm lãi suất 1 - 1,5% tuỳ từng món vay, và lãi suất cho vay không quá 19%/năm.
Mặc dù có giảm nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện vẫn là khá cao và đối tượng được tiếp cận vốn vẫn chỉ là những khách hàng lớn, thân thiết. Giải bài toán lãi suất này, theo ông Kiêm, từ nay đến cuối năm, Nhà nước cần giữ nguyên tỷ giá và tiếp tục cho nhập vàng, giải quyết vấn đề “sốt” vàng cùng với việc chỉnh dần lãi suất xuống.
Duy Minh