Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Thấy gì từ chuyện giá cát, thép tăng kỷ lục?

TBKD | 20/09/2017

Mức giá cát hiện tại cao đến đỉnh điểm, gấp 3 – 4 lần so với thời gian trước. Giá sắt thép xây dựng cũng tăng mạnh, riêng thép công nghiệp tăng kỷ lục tới 20% từ đầu quý III /2017 đến nay. Điều gì đã làm cho những mặt hàng thiết yếu trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng tăng chóng mặt như vậy?

 

Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc một doanh nghiệp (DN) xây dựng ở Bình Dương, than phiền mức giá cát trong tháng Chín này cùng một số loại vật liệu xây dựng như sắt thép đang quá cao so với mức giá của mấy tháng trước. Đơn cử như giá cát bê tông loại 1 hiện lên hơn 500.000 đồng/m3, tăng gấp 3 – 4 lần.

“Chóng mặt” với cát

Ngay cả bảng báo giá cát của các công ty vật liệu xây dựng đăng trên mạng Internet ở Tp.HCM cũng thay đổi theo từng ngày. Với việc giá cát cùng các loại vật liệu xây dựng tăng cao như vậy, đối với các công trình xây dựng dân dụng mà DN xây dựng ký kết theo hình thức hợp đồng trọn gói, theo ông Nhật, các DN xây dựng sẽ gặp nhiều khó khăn vì thua lỗ, lợi nhuận giảm.

Theo ghi nhận, thời gian qua, giá cát xây dựng dùng cho bê tông đã tăng với biên độ 50 – 200% so với giá cát tại thời điểm các cơ quan chức năng mở đợt cao điểm phòng chống khai thác cát trái phép vào đầu năm nay.

Trong bối cảnh giá cát tăng cao như vậy, mới đây Thủ tướng đã có chỉ đạo liên quan đến hoạt động khai thác và xuất khẩu cát của Việt Nam. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ không tiếp tục thực hiện chủ trương xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài.

Cùng với đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu việc ngừng xuất khẩu cát vĩnh viễn của Campuchia, gây ảnh hưởng tới thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam hiện nay.

Được biết vào tháng 7/2017, Bộ Khai thác Mỏ và Năng lượng Campuchia tuyên bố cấm mọi hoạt động xuất khẩu cát vì lý do ảnh hưởng môi trường, chính thức cắt nguồn cung cấp cát cho khách hàng lâu năm là Singapore (cũng là thị trường xuất khẩu cát của Việt Nam).

Số liệu được công bố vào năm ngoái cho thấy, từ năm 2007, Singapore đã nhập khẩu hơn 72 triệu tấn cát, trị giá hơn 740 triệu USD, từ Campuchia.

Còn ở Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ năm 2007 đến cuối năm 2016, Việt Nam xuất khẩu xấp xỉ 67 triệu m3 cát sang thị trường Singapore. Riêng năm 2015 xuất nhiều nhất với hơn 31 triệu m3.

Rõ ràng, động thái cấm xuất khẩu cát của Campuchia và nay là Việt Nam đã cho thấy được sự hệ trọng của nguồn nguyên liệu cát xây dựng khi giá cát tăng cao đến chóng mặt như hiện nay. Nhất là khi dự báo số lượng cát được sử dụng ngày càng tăng cao hơn, sẽ đạt 130 triệu m3/năm vào năm 2020, trong khi cách đây hai năm, nhu cầu cát xây dựng còn ở mức khoảng 92 triệu m3.

Trong khi đó, theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nguồn khai thác cát được cấp phép hợp pháp chỉ đáp ứng được khoảng 60 – 65% nhu cầu xây dựng tại các đô thị lớn, những vùng kinh tế phát triển cần đẩy mạnh hạ tầng giao thông.

Coi chừng “thổi giá”

Điều đáng lo chính là từ con số ước tính khoảng 35 – 40 triệu m3 cát mỗi năm hiện đang được sử dụng trong các công trình xây dựng, công trình giao thông thuộc diện không rõ nguồn gốc, hay gọi cách khác là cát tặc, cát lậu. Với mức độ sử dụng cát như hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại đến năm 2020 sẽ không còn cát phục vụ công trình xây dựng.

Như vậy, có ba vấn đề hiện nay mà cơ quản lý cần quan tâm, đó là giá cát tăng đến đỉnh điểm, tình trạng cát lậu và thiếu hụt nguồn cung cát xây dựng. Từ những vấn đề này mới thấy rõ hậu quả nghiêm trọng của việc xuất khẩu cát giá rẻ vào thị trường Singapore khi vừa gây xói lở, sụt lún các vùng bờ biển, bờ sông, vừa ảnh hưởng đến giá cát tăng cao như hiện nay.

Bên cạnh việc tăng giá cát, giá vật liệu, một nỗi lo khác mà các DN xây dựng phải đối mặt là giá sắt thép cũng có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây do nhu cầu ngày một gia tăng, khiến các nhà thầu thi công vấp phải áp lực lớn.

Theo nhận định từ công ty Chứng khoán Rồng Việt, trong tháng 8/2017, nhu cầu thép xây dựng vẫn đang diễn biến theo hướng đi lên. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tháng 7/2017, các nhà máy thép đã tăng giá 3 – 4 lần với mức tăng 6,7 – 8,2% chỉ trong một tháng.

Như số liệu báo cáo mới đây, một DN thép nội địa là Hòa Phát cho biết, tổng lượng thép xây dựng được đưa ra thị trường của DN này trong 8 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 1,4 triệu tấn thép xây dựng các loại, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng lượng thép xuất khẩu của DN này tăng hơn 9 lần so với cùng kỳ.

Theo lý giải, việc DN, người dân có nhu cầu tiêu thụ ở mức cao khi đồng loạt tiến hành xây dựng khiến nhu cầu thép tăng và giá bị đẩy lên theo. Nhiều DN xây dựng lo lắng về tình trạng “thổi giá” của một số DN cung ứng thép và các cửa hàng kinh doanh dẫn đến những đợt tăng giá chóng mặt như hiện nay.

Trong khi đó, theo Tổng cục Hải quan, lượng sắt thép các loại được nhập khẩu về Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với 5,18 triệu tấn.

Còn theo giới chuyên gia, sở dĩ giá thép tăng là do thị trường thép sôi động trở lại, giá thép phục hồi, trong khi ngành thép trong nước phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu và bán thành phẩm để phục vụ cho sản xuất.

Nếu đứng từ góc độ người dân và các DN xây dựng, có thể thấy đây là những đối tượng chịu thiệt, dễ bị “móc túi” trong khi các DN kinh doanh cát, thép và những loại vật liệu xây dựng khác được hưởng lợi từ việc giá lên.

Do đó, để cân bằng trong bối cảnh hiện nay, điều mong mỏi là các cơ quan quản lý cần có những chính sách phù hợp, theo dõi sát giá thị trường, tránh hiện tượng chênh lệch lớn, thậm chí không đúng thực tế, đối với ngành vật liệu xây dựng trong nước.

Thế Vinh

Tin khác »