Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Dệt may Việt tìm hướng giảm chi phí

TBKD | 22/06/2017

Đối với các doanh nghiệp (DN ) dệt may, chi phí sản xuất gia tăng luôn là nỗi ám ảnh lớn, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh cũng như kim ngạch xuất khẩu hiện nay. Tìm hướng giảm chi phí sản xuất là điều mà các DN dệt may nội địa cần làm vào lúc này, trong đó việc tiết kiệm nước, năng lượng, hóa chất… là những lựa chọn ưu tiên.

 

Trong 18 tháng trở lại đây, có 28 DN cung ứng dệt may của Việt Nam đã được chọn bởi hai tập đoàn nước ngoài là VF và Target để thực hiện một chương trình tiết giảm chi phí sản xuất dưới sự hỗ trợ của IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB).

Tiết kiệm 15 triệu USD

Những DN này (hoạt động trong các công đoạn cắt may, nhuộm, in và giặt) đã đầu tư tổng cộng 9,9 triệu USD để triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Điều này đã giúp các DN trên tiết kiệm được 15 triệu USD chi phí sản xuất nhờ tiết kiệm nước, năng lượng và hóa chất.

Giới chuyên gia đánh giá, với việc kết hợp triển khai những dự án chi phí thấp và những dự án công nghệ phức tạp hơn, các DN cung ứng dệt may tham gia chương trình tiết giảm chi phí này đã đạt được mức tiết kiệm nước và năng lượng bình quân trên 20%, mức tiết kiệm tốt nhất của một số nhà máy cao gấp đôi mức tiết kiệm bình quân này.

Nói về vấn đề tiết giảm chi phí, ông Hoàng Ngọc Linh – Trưởng Phòng Kinh doanh của công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú (PPJ) – cho biết, những sản phẩm dệt may có sự đầu tư về công nghệ, bảo vệ môi trường, giá thành có thể cao hơn một chút nhưng các khách hàng đang có xu hướng chọn những sản phẩm như vậy.

Chi phí khi PPJ đầu tư những công nghệ ban đầu có thể rất lớn nhưng sau khi có được sự quan tâm của khách hàng, khả năng thu hồi vốn sẽ nhanh hơn.

Theo ước tính của ông Linh, con số của những dòng hàng thông thường chuyển đổi qua các sản phẩm thân thiện môi trường của PPJ vào khoảng 30 – 40%. Các đơn hàng cũng từ đó tăng lên. Nếu so với việc đầu tư các thiết bị máy móc mới cho xu hướng mới này, lượng nước cũng giảm, còn công suất, năng suất nâng lên, đó chính là hiệu quả của tiết kiệm chi phí.

Ngày 21/6, chia sẻ với các DN dệt may tại Tp.HCM trong khuôn khổ hội thảo do IFC tổ chức xoay quanh vấn đề này, ông Kyle Kelhofer – Giám đốc quốc gia của IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào – đánh giá, dệt may là một ngành quan trọng đối với nền kinh tế khi ngành hàng này xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hằng năm trên 27 tỷ USD.

Theo ông Kyle, với tốc độ tăng trưởng nhanh của kinh tế Việt Nam cũng như ngành hàng xuất khẩu dệt may, những can thiệp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên trên diện rộng trong ngành này sẽ mang đến cơ hội quan trọng cho Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng khu vực tư nhân một cách bền vững.

Tiết giảm chi phí sản xuất là lựa chọn ưu tiên của nhiều DN dệt may nội địa trong lúc này

Hiệu quả khả thi

Dưới góc nhìn của bà Kelly Caruso – Tổng Giám đốc Bộ phận mua hàng toàn cầu của Tập đoàn bán lẻ Target – cho biết, Target đã làm việc tích cực với các công ty cung ứng dệt may tại Việt Nam để làm sao giảm sử dụng nước và năng lượng trong bộ chuỗi cung ứng dệt may.

Thực tế hiện nay cho thấy một trong những thách thức lớn của ngành dệt may xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh là không còn lợi thế nhân công rẻ như trước và áp lực gia tăng chi phí sản xuất. Chưa kể, các DN ngành này còn phải nặng gánh với chi phí logistics và khâu thủ tục thông quan xuất nhập khẩu. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của dệt may Việt.

Điển hình của việc chưa biết cách để tiết giảm chi phí là các DN dệt may vẫn chưa kết hợp được giữa việc xuất hàng và việc nhập luôn nguyên phụ liệu, nhất là khi việc xuất hay nhập chỉ có một chiều khiến chi phí vận chuyển còn khá cao.

Về chi phí logistics, theo báo cáo mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi phí này vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các DN, và các DN dệt may cũng không tránh khỏi chuyện này.

Chẳng hạn, chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội, hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam. Ngoài ra, còn có những chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển…

Cho nên, một khi chi phí nhân công không giảm, chi phí logistics cùng các chi phí liên quan vẫn còn khá cao và chưa biết khi nào sẽ giảm, lựa chọn ưu tiên mà các DN dệt may cần làm trong lúc này là nên có các giải pháp để tiết giảm chi phí sản xuất.

Trở lại chương trình tiết giảm chi phí sản xuất cho các DN dệt may Việt Nam, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Navneet Chadha, chuyên gia của IFC, cho biết, đến thời điểm này, 28 DN dệt may trong nước được lựa chọn hỗ trợ đã thực hiện gần 100 giải pháp, bao gồm những giải pháp chi phí thấp và những giải pháp làm giảm chi phí cao, với việc đầu tư gần 10 triệu USD cho các giải pháp này nhưng thu lại con số tiết kiệm 15 triệu USD cùng thời gian hoàn vốn chỉ trong tám tháng.

Thiết nghĩ, dù không tham gia chương trình hỗ trợ của IFC, các DN dệt may nội địa và các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng nên tham khảo cách làm này để thực hiện phù hợp nhằm vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho các DN nội địa, vừa tăng sức cạnh tranh cho dệt may Việt trên thị trường quốc tế.

Thế Vinh

Tin khác »