Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Điện tăng giá không khiến cổ phiếu thêm hấp dẫn

TBKD | 13/05/2019

Giá điện đã được điều chỉnh tăng mạnh vừa qua, nhưng do không quá kỳ vọng vào lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà với cổ phiếu ngành này.

 

Từ ngày 20/3, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 8,36%.

Nhiều ý kiến cho rằng cổ phiếu ngành điện có thể được hưởng lợi, nhưng theo nhận định của ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Kim Eng, cổ phiếu ngành điện có tăng cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, không chỉ riêng giá điện.

Thị giá ít biến động

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), ngay sau khi giá điện mới được áp dụng, cổ phiếu VSH của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSHPC) không có nhiều biến động, duy trì quanh mức 17.150 đồng/cp.

Phải đến đầu tháng 4, VSH mới có sự chuyển biến tăng lên 18.900 đồng/cp như hiện nay, tương đương tăng hơn 10%.

Tương tự, cổ phiếu TMP của CTCP Thủy điện Thác Mơ (TMHPC) duy trì mức giá 36.500 đồng/cp đến những phiên đầu tiên của tháng 4, tăng lên 39.700 đồng/cp hồi giữa tháng 4, nhưng sau đó cũng nhanh chóng điều chỉnh về mức 37.200 đồng/cp (phiên 9/5).

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/5, TMP đã lấy lại "phong độ" khi bật tăng lên 39.500 đồng/cp. Sau những đợt tăng giảm xen kẽ, tại mức giá này, tạm thời TMP đã tăng 8,2% so thời điểm công bố tăng giá điện.

Cổ phiếu SEB của CTCP Đầu tư và Phát triển điện Miền Trung giao dịch "ảm đạm" duy trì quanh mức giá 30.000 đồng/cp với thanh khoản thấp, thường xuyên xuất hiện những phiên có khối lượng giao dịch bằng 0.

Ngoài ra, các cổ phiếu khác như SHP của Thủy điện Miền Nam, PPC của Nhiệt điện Phả Lại, NBP của Nhiệt điện Ninh Bình, NCP của Nhiệt điện Cẩm Phả – TKV… cũng không có nhiều biến động về giá, nếu có cũng chỉ trong biên độ hẹp.

Đáng chú ý, cổ phiếu TBC của CTCP Thủy điện Thác Bà ghi nhận mức giảm từ 27.000 đồng/cp (phiên 20/3) xuống 25.800 đồng/ cp như hiện nay, tương đương giảm hơn 4,4%. Cổ phiếu BTP của Nhiệt điện Bà Rịa cũng giảm 14,2% từ 14.100 đồng/cp xuống 12.100 đồng/cp…

Về kết quả kinh doanh, trong quý I vừa qua, các doanh nghiệp (DN) sản xuất điện cũng không ghi nhận được tín hiệu nào khả quan, thậm chí có xu hướng sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận.

Trong đó, mức sụt giảm về doanh thu lớn nhất là của Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh với doanh thu trong kỳ chỉ đạt 136 tỷ đồng, giảm gần 43% so với cùng kỳ năm trước. Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Thác Mơ, Đầu tư và Phát triển điện Miền Trung cũng lần lượt công bố doanh thu với mức sụt giảm trên 30%.

Doanh thu giảm kéo theo lợi nhuận của các DN ngành thủy điện cũng giảm mạnh, trong đó CTCP Thủy điện Sê San 4A (mã: S4A) giảm tới 61%, Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh giảm 51,29% so với cùng kỳ, chỉ đạt 75,7 tỷ đồng… Đáng chú ý, Thủy điện Miền Nam còn lỗ tới 13 tỷ đồng.

Giá điện không là tất cả

Thực tế, giá bán lẻ điện tăng mạnh không có nghĩa là giá điện mà các công ty sản xuất bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng tăng.

Điều này thể hiện qua việc hầu hết các DN ngành điện đều đặt kế hoạch kinh doanh năm 2019 thận trọng với mức lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ dù năm 2018 đạt được những con số vượt kế hoạch đầy ấn tượng.

Có thể kể đến như Thuỷ điện Thác Mơ chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận 215 tỷ đồng, giảm tới hơn một nửa so với 507 tỷ đồng của năm 2018; Thủy điện Thác Bà cũng dự kiến lợi nhuận chỉ đạt gần 137 tỷ đồng, giảm 33%.

Thông thường, khi đặt mục tiêu kinh doanh, các DN sẽ dựa trên ước tính giá bán điện để ghi nhận doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, dù giá bán lẻ điện đã được tăng mạnh thì nhìn vào những kế hoạch của DN có thể thấy được sự thiếu khả quan.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một DN, khi EVN tăng giá bán điện cũng sẽ đồng thời nâng giá mua điện tại các nhà cung cấp. Điều đó có thể khiến doanh thu của DN tăng lên nhưng mức tăng thêm này cũng không đủ xoa dịu gánh nặng tài chính của DN ngành điện.

Đặc thù của ngành điện đòi hỏi phải có mức đầu tư lớn và hơn một nửa nguồn vốn đầu tư đều phải đi vay, nên một trong những áp lực lớn đối với DN chính là lãi vay.

Đơn cử như tổng số nợ vay của Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh trong năm 2018 tại các tổ chức tín dụng là 4.653,5 tỷ đồng, chiếm 58,4% tổng nguồn vốn của công ty, vượt vốn chủ sở hữu 3.000 tỷ đồng.

Vì vậy, giá điện chỉ là một trong nhiều yếu tố làm nên lợi nhuận của DN sản xuất điện, lợi nhuận có tăng tương ứng với giá điện hay không còn phụ thuộc vào việc có ổn định được sản xuất và tình trạng nợ nần.

Trong khi đó, các DN nhiệt điện còn phải đối phó với biến động giá đầu vào như giá than tăng, rủi ro tỷ giá.

Hơn nữa, ngành điện là một ngành có ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng quốc gia, do đó công tác cổ phần hóa, đăng ký giao dịch cổ phiếu cũng như thoái vốn nhà nước trong lĩnh vực này khá khó khăn và "kén chọn" nhà đầu tư, nên khó thu hút được dòng tiền.

Linh Đan

Tin khác »