Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Lợi nhuận ngành ngân hàng "bùng nổ" trong quý 2

DDDN | 16/07/2018

Nhờ hoạt động kinh doanh 2 quý đầu năm khởi sắc, trong khi dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều, nhiều ngân hàng dự kiến điều chỉnh tăng chỉ tiêu lợi nhuận 2018.

 

Mới đây, ông Phạm Quang Dũng - Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, nhờ các mảng kinh doanh đều đạt kết quả khả quan, 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 7.722 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành 55,2% kế hoạch cả năm.

Theo đó, Các chỉ tiêu sinh lời như NIM (lãi cận biên) đạt 2,76%; ROAA (lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân) đạt 1,24%; ROAE (lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân) đạt 22,71%, đều tăng mạnh so với năm 2017 và cao hơn mặt bằng chung của thị trường"...

Năm 2018, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 14% so với năm 2017; huy động vốn tăng 15%; tín dụng tăng 15%; nợ xấu dưới 1,5%; lợi nhuận trước thuế tăng 14,6%, đạt 13.000 tỷ đồng. Dù vậy, theo giới phân tích, có khả năng Vietcombank sẽ vượt chỉ tiêu này, với con số lợi nhuận dự báo đạt khoảng 14.000 tỷ đồng.

Tính đến hết 30/06/2017, hoạt động kinh doanh của BIDV thể hiện xu hướng tích cực, bám sát định hướng và lộ trình kế hoạch kinh doanh năm. Các mảng kinh doanh cốt lõi của Ngân hàng đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tổng tài sản đạt trên 1.100.433 tỷ, tăng trưởng 9,3% so với đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.024.008 tỷ, trong đó cho vay khách hàng tính đến 30/06/2017 đạt trên 807.370 tỷ, tăng trưởng 11,56% so với đầu năm. Chất lượng tín dụng được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu 1,9%. Tổng nguồn vốn huy động đạt 1.026.269 tỷ, trong đó tiền gửi của khách hàng tính đến 30/06/2017 đạt trên 811.512 tỷ, tăng trưởng 11,8% so với đầu năm.

Tổng thu nhập hoạt động đạt 16.795 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nhập lãi thuần đạt gần 14.008 tỷ, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước; Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ dẫn đầu hệ thống, đạt 1.410 tỷ, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước; Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 303 tỷ, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Riêng Thu nhập từ góp vốn tăng so với cùng kỳ năm trước nếu loại trừ phần tăng đột biến từ hoạt động thoái vốn VID Public Bank trong năm 2016.

Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm riêng ngân hàng đạt 4.050 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 54% so với kế hoạch năm 2017, trong đó LNTT quý II đạt 1.993 tỷ, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp đó VPBank, dù trong quý 2 có một vài sự cố liên quan đến khách hàng của con gà đẻ trứng vàng Fe Credit, nhưng theo lãnh đạo ngân hàng khẳng định, điều này sẽ không ảnh hưởng gì đến kết quả cũng như kế hoạch kinh doanh. Mục tiêu 10.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế vẫn giữ vững và ngân hàng tự tin sẽ đạt được.

Kết thúc quý I/2018, cùng với lãi từ hoạt động khác tăng mạnh, thu nhập từ tín dụng của VPBank tăng trưởng 25% so với cùng kỳ 2017, giúp lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.619 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành 24% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, do tín dụng tăng trưởng mạnh nên tỷ lệ nợ xấu của VPBank cũng tăng cao, đạt 4,15%.

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho hay, Ngân hàng đã hoàn thành hơn 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018 sau 5 tháng đầu năm. Được biết, năm 2018, ACB đặt mục tiêu đạt 5.669 tỷ đồng lợi nhuận. Hiện ACB đang nỗ lực xử lý nợ xấu để được hoàn nhập dự phòng rủi ro khoảng 500 tỷ đồng. Do đó, khả năng ACB có thể đạt hơn 6.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay...

Kết thúc quý I/2018, ACB đạt lợi nhuận 1.491 tỷ đồng, tăng 151% so với cùng kỳ năm 2017. Năm nay, ACB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong mức Ngân hàng Nhà nước phân bổ là 15% và sau 5 tháng đầu năm đã sử dụng quá nửa.

Nhờ hoạt động kinh doanh 2 quý đầu năm khởi sắc, trong khi dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều, nên không ít ngân hàng dự kiến điều chỉnh tăng chỉ tiêu lợi nhuận 2018.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trong bối cảnh cạnh tranh để giữ và mở rộng thị phần tín dụng ngày càng gay gắt, lãi suất cho vay đang được các ngân hàng nỗ lực giảm dần, nhưng chi phí huy động vốn khó giảm khi lãi suất đầu vào tăng, nên các ngân hàng thận trọng khi xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận là dễ hiểu. Tuy nhiên, với việc tín dụng tăng trưởng mạnh ngay từ đầu năm và tình hình kinh tế được dự báo tiếp tục ổn định, lợi nhuận ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2018...

Vụ Dự báo thống kê -Ngân hàng Nhà nước mới công bố mới đây cho thấy hầu hết các tổ chức tín dụng đều đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý 2 và kỳ vọng kết quả năm nay tăng cao hơn so với năm trước. Cụ thể, có đến 67,4% số các đơn vị được hỏi nhận định tình hình kinh doanh trong quý 2 có cải thiện tốt hơn so với quý trước, trong đó 18,8% là "cải thiện nhiều".

Dự kiến trong thời gian tới, 76,1% số các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ "cải thiện" trong quý 3 và 82,6% kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ "cải thiện" trong cả năm 2018 so với năm 2017, trong đó có đến 1/3 số các tổ chức tín dụng tin là "cải thiện nhiều".

Theo Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến 20/6/2018, tổng phương tiện thanh toán toàn ngành ngân hàng tăng 7,96% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm trước tăng 5,69%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,78% (cùng kỳ năm 2017 tăng 5,89%). Mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 2,3% (cuối năm 2017 là 2,5%). Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 20.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý bằng dự phòng rủi ro chiếm 62,9%; khách hàng trả nợ chiếm 28,8%; bán nợ cho VAMC chiếm 4,3%; phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ chiếm 1,9%; còn lại là các hình thức khác...

Hà Phương

Tin khác »