Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Thử thép Việt trước "đòn" thuế Mỹ

TBKD | 24/05/2018

Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa quyết định đánh thuế nặng lên thép Trung Quốc "đội lốt" thép Việt Nam thực ra không phải điều bất ngờ vì đã được cảnh báo từ trước đó. Tuy nhiên, đây cũng chính là "phép thử" cho các doanh nghiệp thép Việt nếu muốn giữ đà tăng trưởng xuất khẩu và đảm bảo các yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

 

Theo quy định mới từ DOC, giới chức hải quan Mỹ sẽ thu thuế chống phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp (thuế đối kháng) 256,44% đối với mặt hàng thép cuộn cán nguội sản xuất ở Việt Nam nhưng dùng thép chất nền có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Chưa hết, Mỹ sẽ đánh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tương tự đối với thép chống gỉ và thép cuộn cán nguội từ Việt Nam có nguồn gốc là thép cuộn cán nóng do Trung Quốc sản xuất.

Tác động tiêu cực

Thép Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế chống phá giá, trợ cấp từ hồi năm 2015-2016. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) nước này "lách" bằng cách tuồn sản phẩm của mình sang nước thứ ba (như Việt Nam) để sau đó xuất khẩu (XK) sang Mỹ với mức thuế thấp.

Hãng tin Reuters có dẫn nguồn từ DOC cho biết mức thuế quan áp đặt lên thép Việt Nam sẽ giống với Trung Quốc, nếu dùng nguyên liệu thép cán nóng Trung Quốc.

Động thái trên đang khiến nhiều DN XK thép sang Mỹ lo lắng sẽ phải chịu thuế kép, cao hơn nhiều so với thép của các nước, nhất là khi đây là thị trường XK thép lớn thứ hai của Việt Nam (chiếm 11,28%).

Theo nhận định từ nhóm phân tích của công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sự thay đổi theo chiều hướng bảo hộ của chính quyền Mỹ sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, lượng sắt thép các loại trong 4 tháng đầu năm 2018 chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với 1,82 triệu tấn, trị giá 1,32 tỷ USD, đã giảm 33,2% về lượng và giảm 12,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Còn số liệu mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, tỷ trọng thép nhập khẩu từ Trung Quốc trong quý I/2018 chỉ còn chiếm khoảng 36% tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu (so với trước đây là 3/4).

Cách đây không lâu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã lên tiếng cảnh báo DN XK thép cần hết sức thận trọng trong bối cảnh các sản phẩm thép Việt thường xuyên đối mặt các biện pháp phòng vệ thương mại từ những quốc gia nhập khẩu thép, trong đó có Mỹ.

Động lực để thay đổi?

Điều đáng bàn là việc đánh thuế nặng này sẽ gây bất lợi lớn cho ngành thép Việt trước nguy cơ lượng thép xuất sang Mỹ ngày càng khó khăn, trong khi đối tượng cần phải lên án chính là thép Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Theo giới chuyên gia, không chỉ ngành thép Việt Nam mà thị trường thép trên thế giới hiện nay cũng đang phải đối mặt rủi ro từ chính sách thương mại của Mỹ và tình trạng dư thừa công suất sản xuất thép ở Trung Quốc vẫn còn tồn tại.

Thực tế cho thấy, thép là một trong những sản phẩm điển hình đang bị Mỹ làm khó về xuất xứ hàng hóa. Việc thép Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam sẽ khiến thép Việt XK có thể tăng đột biến trong khi hàng hóa có xuất xứ thật sự của Việt Nam lại không tăng và bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ…

Còn tồn tại chuyện này sẽ dẫn đến nguy cơ thép Việt Nam dần dần mất uy tín trên thị trường quốc tế, nếu như các cơ quan quản lý không có các biện pháp kiểm tra chặt chẽ.

Quy tắc xuất xứ đã, đang và sẽ luôn là vấn đề then chốt, cốt lõi của Mỹ. Những rào cản thương mại của Mỹ ngày càng khắt khe và hễ thấy có dấu hiệu làm nguy hại tới sản xuất trong nước, lập tức sẽ bổ sung những quy định mới, điều luật mới để đối phó. Cho nên, việc các DN Việt Nam luôn phải thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị kiện cáo không phải là chuyện lạ.

Thép cũng như nhiều mặt hàng XK chủ lực khác không thoát khỏi những rào cản ngày càng dày đặc này. Tuy nhiên, từ động thái mới của DOC, các DN thép Việt cần lưu ý trong trường hợp nếu cứ tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc.

Ngay như việc Mỹ đánh thuế mạnh với thép Việt có xuất xứ từ Trung Quốc cũng được cho động lực thúc đẩy các DN thép Việt Nam đầu tư theo chiều sâu, sản xuất từ thượng nguồn, vừa tăng giá trị cho ngành sản xuất nội địa, vừa cải thiện sức cạnh tranh tại thị trường hội nhập.

Điều quan trọng hơn nữa là ngoài thị trường Mỹ, các DN XK thép cần tiếp tục khai thác các cơ hội từ những thị trường mới và sẵn sàng tư thế đối mặt rủi ro từ xu hướng phòng vệ thương mại trên toàn thế giới.

Như khuyến nghị của giới phân tích, trong dài hạn, nhìn từ thị trường Mỹ và các chính sách phòng vệ thương mại trên thế giới, Bộ Công Thương cần tái cơ cấu ngành thép bằng cách khuyến khích đầu tư vào chuỗi sản xuất hiện đại kéo dài tới thượng nguồn để tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho ngành thép và dần giảm lệ thuộc vào nhập khẩu thép từ Trung Quốc.

Thế Vinh

Tin khác »