Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Cách nào thoát bẫy “dưới mức đầu tư”?

Thời báo Ngân hàng | 13/09/2019

Xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong những năm qua, nhưng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế vẫn xếp Việt Nam ở mức “dưới đầu tư” (Non – investment grade). Vậy làm cách nào để tránh bẫy “dưới mức đầu tư” này?

 

Định hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam so với các nước (2019)

Tín nhiệm thấp, chi phí cao

Theo kết quả xếp hạng tín nhiệm của ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, Fitch, S&P), Việt Nam hiện vẫn nằm ở mức “dưới đầu tư” (Non – investment grade) trong các kỳ rà soát định hạng gần nhất. “Mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia thấp hơn đồng nghĩa với rủi ro nền kinh tế cao hơn, dẫn đến chi phí huy động vốn (lãi suất) mà các nhà đầu tư hay cho vay đối với nền kinh tế nói chung và DN Việt Nam nói riêng đòi hỏi ở mức cao”, báo cáo này đánh giá.

Trong báo cáo nghiên cứu mới nhất về lãi suất, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cũng nhận định, một trong những nguyên nhân chính khiến lãi suất cho vay thực của Việt Nam còn cao là rủi ro kinh tế còn lớn (bên cạnh các yếu tố khác như lạm phát ở mức khá cao so với các nước khu vực; lãi suất huy động thực còn ở mức cao; và chi phí giao dịch của nền kinh tế cũng còn cao).

Quả vậy, so sánh lãi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) quốc tế được phát hành bằng USD cùng kỳ hạn (9 năm) của Việt Nam với các nước trong khu vực cho thấy điều này khá rõ nét. Lãi suất nắm giữ đến hạn của TPCP Việt Nam (6,94%) và chênh lệch lãi suất của TPCP Mỹ với TPCP Việt Nam (5,54%) cao hơn rất nhiều so với Indonesia, Phillipines – những nước có mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cao hơn Việt Nam không nhiều, nhưng đang ở “mức đầu tư”.

Đơn cử với trường hợp của Indonesia hiện được S&P và Fitch xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở mức BBB (mức đầu tư, và TPCP được xếp hạng ở mức BBB), lãi suất TPCP quốc tế của nước này chỉ ở mức 2,74%.

Đối với rủi ro khách hàng (chủ yếu là DN), có thể thấy tiềm lực tài chính của các DN Việt Nam vẫn còn hạn chế, tính minh bạch còn thấp, trong khi đó tài sản thế chấp vẫn là một vấn đề nan giải, nhất là đối với đa số DNNVV… Theo thông lệ của các tổ chức này, xếp hạng tín nhiệm của DN tối đa là bằng trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Điều đó có nghĩa là, hiện nay DN Việt Nam nếu phát hành trái phiếu quốc tế bằng đồng USD thì sẽ phải trả lãi suất ít nhất là 6,94%/năm đối với trái phiếu thời hạn 9 năm.

Nhìn lại các yếu tố khiến các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế dù có những đánh giá tích cực và liên tục tăng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa đạt “mức đầu tư”, nổi lên là các vấn đề liên quan đến tài khóa (đã được cải thiện nhưng còn thiếu bền vững)... Bên cạnh đó căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn (có thể làm giảm xuất khẩu trong ngắn hạn), là khả năng tìm kiếm các nguồn lực để tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong bối cảnh nợ công và thâm hụt tài khóa còn cao…

Tăng gối đệm và khả năng chống sốc

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 304/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia”, trong đó có đặt ra một mục tiêu rất quan trọng là phấn đấu đến năm 2020, xếp hạng tín nhiệm quốc gia tối thiểu phải bằng mức khởi điểm đầu tư, tức Baa3 (theo Moody’s) hoặc BBB- (theo S&P và Fitch). Nhưng theo nhiều chuyên gia: Đạt được mục tiêu này không dễ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cho rằng, đến năm 2020 khó mà đạt được mục tiêu đề án đặt ra. “Nguy cơ kẹt ở bẫy “dưới mức đầu tư” đang là thực tế. Tôi cho rằng, chúng ta phải có một kế hoạch tổng thể để nâng được xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên, đạt tới “mức đầu tư” trong vòng 3 năm tới (từ nay tới 2022) chứ không thể chậm hơn được nữa”, ông Hiếu nói.

Và theo ông Hiếu,  các công việc cần tập trung vào giải quyết những vấn đề mà Việt Nam còn thiếu và yếu hiện nay, kể cả liên quan tới hệ thống tài chính – ngân hàng và phi tài chính – ngân hàng, cải thiện các chỉ số kinh tế vĩ mô cũng như nâng thu nhập bình quân đầu người lên.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, từ những khuyến nghị của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và thực trạng DN hiện nay, Việt Nam cần tập trung thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia một cách thực chất, lâu bền.

Thực tế, các định hướng, mục tiêu này được triển khai trong những năm qua đã mang lại kết quả rõ nét và được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá cao. Tuy nhiên, khâu thực thi ở các cấp dưới còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, các tổ chức, thị trường then chốt lành mạnh hơn.

Việc tăng các gối đệm, tăng khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài cũng rất quan trọng. Trong đó, cần tập trung đẩy nhanh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu NSNN (giảm mạnh chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển) qua đó giảm thâm hụt ngân sách, kiểm soát vay nợ nước ngoài, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, đa dạng hóa thị trường xuất-nhập khẩu, có chiến lược thu hút lựa chọn FDI phù hợp; tăng năng lực tài chính, quản lý rủi ro của DN. Một yếu tố vô cùng quan trọng khác là cần tiếp tục tăng cường minh bạch hóa thông tin của nền kinh tế và DN, giúp các tổ chức định hạng, nhà đầu tư có cơ sở đánh giá rủi ro chính xác và tốt hơn…

Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, cần có các tổng kết đánh giá lại Đề án trên để xem những việc đã làm được, những công việc cần giải quyết trong thời gian tới là gì, cũng như cần đối chiếu với phương pháp, tiêu chí đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xem có thay đổi không và cần những điều chỉnh gì trong cách thức tiếp cận để cải thiện xếp hạng tín nhiệm trong thời gian tới.

Tin khác »