Kinh tế vĩ mô khởi sắc
Theo báo cáo mới đây của SSI Research, Việt Nam đã thể hiện một kết quả kinh tế nổi bật trong nửa đầu năm 2025 với GDP tăng 7,52% - mức tăng cao nhất trong 15 năm qua. Mặc dù thấp hơn một chút so với mục tiêu cả năm là 8%, kết quả này vẫn cao hơn hầu hết các dự báo. Khác với quá trình phục hồi từng phần diễn ra trong năm 2024, tăng trưởng năm nay mang tính toàn diện, được dẫn dắt bởi cả sản xuất công nghiệp và tiêu dùng nội địa.
Cụ thể, về tiêu dùng, doanh số bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ lạm phát thì mức tăng này tương đương 7,2%. Các tín hiệu tích cực đến từ tầng lớp trung lưu, thể hiện qua việc tiêu dùng dịch vụ tăng nhanh hơn tiêu dùng hàng hóa, và du lịch nước ngoài tăng 31,5%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng thực tế có thể đang chững lại, dù lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức 3,27%. Trong khi đó, ngành công nghiệp cho thấy sản lượng tăng mạnh đi kèm tồn kho tăng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2% so với cùng kỳ, trong đó sản xuất chế tạo tăng 11,1%. Tồn kho ngành chế tạo tăng 12%, tỷ lệ tồn kho/sản lượng tăng lên mức 85,7% (so với mức 76,9% của năm trước). Đây là tín hiệu cần theo dõi, cho thấy nhu cầu có thể đang yếu đi hoặc do doanh nghiệp dự trữ trước khi chính sách thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực.
Về ngoại thương, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa cho thấy diễn biến “chạy đua” cùng thuế đối ứng. Trong hai quí đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 17,9%. Thặng dư thương mại theo đó thu hẹp xuống còn 7,63 tỉ đô la Mỹ, giảm so với mức 12,15 tỉ đô la Mỹ của cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh nhu cầu đầu tư và tiêu dùng nội địa mạnh mẽ, nhưng cũng cho thấy khả năng xuất khẩu ròng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới.
Nhiều kỳ vọng phía trước
Dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong sáu tháng đầu năm nay, song vẫn có thể kỳ vọng nhiều yếu tố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho tăng trưởng GDP của Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ nhất, cũng theo SSI Research, Nghị quyết 68 về thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân là điểm nhấn quan trọng trong việc khơi thông nguồn lực với việc coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý, Nghị quyết 68 đã đề cập mô hình hợp tác công - tư (PPP) theo hình thức quản trị hỗn hợp, ví dụ như đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa xã hội, công nghệ thông tin, thể hiện cách tiếp cận thực tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và thúc đẩy trách nhiệm chung. Xu hướng triển khai hiện tại cho thấy các doanh nghiệp lớn có thể hưởng lợi sớm, đặc biệt là những đơn vị có khả năng tham gia vào các dự án hạ tầng quy mô lớn. Trong thời gian tới, các nỗ lực chính sách cần nhấn mạnh tính bao trùm bằng cách tạo ra cơ hội thực chất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Điều này bao gồm việc đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với tài sản công và xây dựng các cơ chế hỗ trợ rõ ràng, khả thi để giúp các SME mở rộng quy mô.
Thứ hai, về vấn đề xây dựng và thi hành pháp luật, tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt, cho phép Chính phủ chủ động sửa đổi các quy định pháp lý - bao gồm cả luật và nghị quyết của Quốc hội - theo một cơ chế thí điểm (có hiệu lực đến ngày 28-2-2027). Mục tiêu là loại bỏ các rào cản pháp lý đối với phát triển kinh tế và kinh doanh, xử lý các điểm bất cập trong hệ thống luật hiện hành trên các lĩnh vực trọng yếu như đất đai, tài chính, thuế, đổi mới sáng tạo... Một hội đồng thẩm định độc lập do Bộ Tư pháp chủ trì, cùng các bộ ngành liên quan, sẽ đảm bảo tính chặt chẽ về pháp lý. Nghị quyết này hứa hẹn mang lại sự minh bạch pháp lý, giảm chi phí tuân thủ và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, mang lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư và nền kinh tế nói chung.
Thứ ba, về vấn đề thuế đối ứng, ngày 2-7-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm về việc thiết lập thỏa thuận khung về thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng giữa hai nước. Việt Nam trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới đạt được thỏa thuận khung thương mại đối ứng với Mỹ - một cột mốc quan trọng.
Dự báo cụ thể hơn về triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2025, lãi suất chính sách dự kiến sẽ được giữ ổn định. Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng có thể sẽ tiếp tục biến động trong quí 3 nhưng sẽ dần bình ổn trong quí 4-2025 nhờ yếu tố mùa vụ (kiều hối) và dòng vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) khi lo ngại về thuế quan giảm dần và khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng thành thị trường mới nổi. Bên cạnh đó, một số yếu tố mang tính hỗ trợ bổ sung bao gồm: khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất, cải cách quản lý thị trường vàng, triển khai các chương trình thí điểm về tài sản số... Về tổng thể, những diễn biến này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra môi trường tiền tệ ổn định và linh hoạt hơn cho Việt Nam. Theo đó, đầu tư và tiêu dùng nội địa có thể sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính trong khi các yếu tố bên ngoài sẽ đóng vai trò hỗ trợ.
Bình An