Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Minh bạch thuế chứng khoán

DTCK | 5 giờ trước | 11/07/2025

Một loạt chính sách thuế mới đã được Quốc hội ban hành trong thời gian gần đây, trong đó có chính sách thuế liên quan đến hoạt động chứng khoán. Điều này giúp cho việc quản lý thuế đối với hoạt động này ngày càng chặt chẽ, là cơ sở tạo sự minh bạch cho thị trường chứng khoán.

 

Mở rộng cơ sở thu thuế

Một trong những chính sách thuế liên quan đến hoạt động chứng khoán được nhiều người quan tâm thời gian qua là Luật Thuế giá trị gia tăng số 48/2024/QH15 (Luật số 48) được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2024, có hiệu lực từ 1/7/2025; Nghị định số 181/2025/NĐ-CP (Nghị định 181) hướng dẫn Luật số 48 và Thông tư số 69/2025/TT-BTC (Thông tư 69) quy định chi tiết Luật Thuế giá trị gia tăng.

Theo đó, tại điểm c, điểm d, Khoản 9, Điều 5, Luật số 48 quy định, các hoạt động kinh doanh chứng khoán không chịu thuế giá trị gia tăng bao gồm: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và chuyển nhượng chứng khoán.

Tuy nhiên, theo khoản 28, Điều 4, Luật Chứng khoán số 56/2024/QH 15 thì hoạt động kinh doanh chứng khoán bao gồm: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và các dịch vụ về chứng khoán theo quy định.

Như vậy, kinh doanh chứng khoán không chịu thuế đối với một số hoạt động: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, chuyển nhượng chứng khoán.

Ngược lại, các dịch vụ tại công ty chứng khoán và các hoạt động kinh doanh chứng khoán khác thuộc đối tượng phải chịu thuế giá trị gia tăng theo khoản 3, Điều 9, Luật số 48, thông thường là 10% và không được giảm thuế theo quy định tại Nghị quyết số 204/2025/QH15.

Dịch vụ về chứng khoán chịu thuế giá trị gia tăng 10% bao gồm cả các dịch vụ quy định tại Điều 86, Luật số 48. Đơn cử như dịch vụ nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân; phân phối hoặc làm đại lý chứng khoán; quản lý tài khoản giao dịch; quản lý danh sách người sở hữu…

Căn cứ các quy định nêu trên, so với pháp Luật Thuế giá trị gia tăng trước đây (điểm c, khoản 8, Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC) thì đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng của hoạt động kinh doanh chứng khoán bị thu hẹp lại.

Hay nói cách khác, một số dịch vụ của công ty chứng khoán trước đây thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng như dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán, dịch vụ liên quan đến chứng khoán đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, cho khách hàng vay tiền để thực hiện giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán; hoạt động cung cấp thông tin, tổ chức bán đấu giá cổ phần của các tổ chức phát hành, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến của sở giao dịch chứng khoán đã chuyển sang thuộc diện phải chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 10%.

Sự thay đổi này phù hợp định hướng mở rộng cơ sở thuế và tăng thu ngân sách, đồng thời phù hợp với thực tiễn về các dịch vụ không phải là hoạt động trực tiếp của thị trường chứng khoán phải chịu thuế như các dịch vụ thông thường khác, như dịch pháp lý, dịch vụ hỗ trợ tài chính, dịch vụ tư vấn đầu tư tài chính của doanh nghiệp và các dịch khác có liên quan nhằm đảm bảo công bằng.

Chính sách mới này có tác động đến thị trường chứng khoán, trước hết đối với nhà đầu tư là cá nhân, do các dịch vụ chứng khoán chịu thuế giá trị gia tăng, nhưng vì cá nhân không được kê khai, khấu trừ nên chi phí tăng, lợi nhuận từ hoạt động chứng khoán giảm.

Nếu mức phí đủ lớn, về mặt lý thuyết sẽ giảm, hoặc có sự chuyển dịch kênh đầu tư, nhưng thực tế do chi phí này không cao, nên không có tác động lớn đến thị trường.

Ngược lại, nhà đầu tư là các tổ chức kinh tế cũng bị ảnh hưởng đáng kể do hoạt động đầu tư (chuyển nhượng vốn, chứng khoán) thuộc đối tượng không chịu thuế và các chi phí có liên quan đến việc phát hành chứng khoán phải ghi nhận vào chi phí phát sinh và không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng, dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư cũng như chi phát hành và huy động vốn…

Tạo sự minh bạch, công bằng

Một quy định khác liên quan đến hoạt động chứng khoán, đó là Nghị định 70/2025/NĐ-CP (Nghị định 70); Thông tư 32/2025/TT-BTC (Thông tư 32) quy định các công ty chứng khoán phải xuất hoá đơn điện tử cho nhà đầu tư sau mỗi lần giao dịch.

Trước đó, tại Điều 2, Nghị định 123/2020/NĐ-CP (Nghị định 123) quy định các doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam và các tổ chức không phải là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thuộc đối tượng phải sử dụng hóa đơn điện tử.

Theo đó, việc áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123, Nghị định 70, Thông tư 32… đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán được thực hiện ổn định, tương tự như các tổ chức kinh tế khác. Tuy nhiên, về thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán có sự thay đổi đáng kể như:

Điểm l, khoản 4, Điều 9, Nghị định 123 cho phép kinh doanh chứng khoán được lập hóa đơn điện tử thì cuối ngày, hoặc cuối tháng được lập tổng dựa trên hệ thống dữ liệu đối với các trường hợp khách hàng không yêu cầu lấy hóa đơn. Quy định này đã giảm thiểu các công việc, cũng như thủ tục hành chính, đồng thời giảm chi phí cho các đơn vị kinh doanh chứng khoán.

Tuy nhiên, tại điểm b, khoản 6, Điều 1, Nghị định 70 đã sửa điểm l, khoản 4, Điều 9 nêu trên theo hướng loại bỏ hoạt động kinh doanh chứng khoán được lập hóa đơn tổng vào cuối ngày, hoặc cuối tháng như trước đây.

Mặt khác, tại điểm a, khoản 6, Điều 1, Nghị định 70 và khoản 1, Điều 6, Thông tư 32 đã bổ sung các “dịch vụ chứng khoán” và “sản phẩm phái sinh” theo quy định của pháp luật chứng khoán mà các dịch vụ này cần đối soát dữ liệu, số liệu dịch vụ đã cung cấp và thực hiện thì thời điểm lập hóa đơn chậm nhất không quá ngày 7 của tháng sau tháng phát sinh, hoặc không quá 7 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ mà các bên đã quy ước. Quy định này phù hợp với một số dịch vụ được cung cấp thường xuyên và cần có thời gian để các bên đối soát, đồng thời giảm các chi phí tuân thủ cho người nộp thuế.

Như vậy, từ ngày 1/7/2025, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải lập hóa đơn giao cho người mua theo từng lần giao dịch, trừ trường hợp các dịch vụ chứng khoán, hoặc sản phẩm phái sinh theo quy định của pháp luật chứng khoán cần đối soát thì được lập hóa đơn chậm nhất không quá ngày 7 của tháng sau, hoặc không quá 7 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ mà các bên đã quy ước.

Với quy định mới này, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán phải xuất hóa đơn điện tử cho mỗi giao dịch, qua đó, giúp bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, là cơ sở tạo sự minh bạch cho thị trường chứng khoán.

Nguyễn Văn Được

Tin khác »