Ngay trong khu vực ASEAN, nếu TTCK Thái Lan giảm khoảng 9,3%; Malaysia giảm 8,5%; Indonesia giảm 9,4%..., thì Việt Nam giảm tới hơn 18% chỉ trong chưa đầy một tuần đầu tháng.
Thực tế, nhìn lại lịch sử, trong các đợt biến động mạnh bởi nguyên nhân khách quan như khủng hoảng tài chính 2008-2009, đại dịch Covid-19 (2020-2022), TTCK Việt Nam đều có mức dao động mạnh hơn các thị trường khu vực.
Theo các nhà quan sát thị trường, nguyên nhân cơ bản của sự trồi sụt quá mức này là do tỷ lệ tự giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam duy trì ở mức cao, với 85% vào thời điểm cuối năm 2024, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ, Nhật Bản là khoảng 20%, tại các thị trường khu vực như Malaysia, Thái Lan... trong khoảng 30 - 40%.
Không thể phủ nhận, nhà đầu tư cá nhân là nhân tố chủ đạo làm nên sự sôi động của TTCK, bởi họ có thể giao dịch hàng ngày. Nhưng cũng có thể thấy rằng, lợi thế gần như duy nhất của họ là khả năng xoay trở vị thế nhanh do quy mô vốn nhỏ và việc ra quyết định đầu tư gần như... một mình. Điều này trong nhiều trường hợp lại là bất lợi nếu nhà đầu tư để cảm xúc dẫn dắt và rơi vào trạng thái tâm lý quá đà.
Có thể nhìn lại năm 2024 - một năm không hề “dễ ăn”với nhà đầu tư cá nhân khi thị trường đi ngang trong biên độ rất hẹp. Tuy nhiên, trong năm này, tăng trưởng bình quân của các quỹ mở cổ phiếu đạt hơn 20%, cao hơn so với mức tăng của chỉ số VN-Index (12,1%). Có 41/66 quỹ đầu tư cổ phiếu ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với VN-Index.
Nhìn lại quá khứ để hoạch định tương lai ngành quỹ khi năm 2025 có thể trở thành cột mốc lịch sử của TTCK Việt Nam, với khả năng được FTSE Russell chính thức nâng hạng. Có thể thấy, lộ trình cân bằng cơ cấu nhà đầu tư, phát triển các nhà đầu tư tổ chức là con đường tất yếu để thị trường phát triển bền vững.
Tại Mỹ, quy mô các quỹ đạt 133% GDP, với hơn một nửa hộ gia đình sở hữu chứng chỉ quỹ. Trung Quốc, dù chỉ đi trước Việt Nam khoảng một thập kỷ trong lĩnh vực quản lý quỹ, đã đạt tỷ lệ tài sản quỹ tương đương gần 21% GDP.
Thực trạng này, từ góc nhìn lạc quan lại cho thấy một tiềm năng vô cùng lớn của ngành quỹ. Và thực tế, hệ sinh thái của ngành quỹ Việt Nam cũng đang dần được hoàn thiện bởi nỗ lực của nhiều thành viên ngành này.
Từ chủ trương phát triển nhà đầu tư tổ chức của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành quỹ đang tiếp tục chờ đợi những chính sách hỗ trợ mới mang tính đột phá. Chẳng hạn như việc cho phép ngân hàng được phân phối chứng chỉ quỹ, điều được mong chờ như một động lực để thay đổi cục diện của thị trường tài chính. Hay chính sách ưu đãi về thuế đối với những nhà đầu tư đầu tư và nắm giữ dài hạn các sản phẩm quỹ, cơ chế đã được nhiều nước trong khu vực triển khai.
Người quan sát