Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Tác động của bầu cử Mỹ tới kinh tế Việt Nam

DTCK | 10/11/2024

Sự không chắc chắn mà Donald Trump có thể đem lại cho môi trường kinh tế và tài chính toàn cầu sẽ tạo ra một số tác động đến nền kinh tế Việt Nam trên cả hoạt động thương mại và áp lực tỷ giá. 

 

Trong 3 phiên giao dịch kể từ khi Donald Trump tuyên bố tái đắc cử Tổng thống Mỹ, ngoại trừ phiên đầu tiên ngày 06/11, VN-Index tăng 15,52 điểm, đến phiên 07 - 08/11, VN-Index lần lượt giảm 1,53 và 7,19 điểm xuống còn 1.152,56 điểm.

ACBS cũng đưa ra nhận định, dưới thời Tổng thống Donald Trump, rủi ro ngắn hạn đối với VN-Index và thị trường chứng khoán nói chung có thể cao hơn so với bà Kamala Harris. Điều này chủ yếu là do sự không chắc chắn mà Trump có thể đem lại cho môi trường kinh tế và tài chính toàn cầu.

"Theo lẽ thường, các thị trường chứng khoán coi sự không chắc chắn là "tiêu cực" ở giai đoạn đầu và chỉ sau đó mới đánh giá tác động thực sự của nó", ông Trịnh Viết Hoàng Minh, Chuyên viên phân tích ACBS cho biết.

Dựa trên phân tích về các chính sách kinh tế trong nước của Trump và di sản thương mại toàn cầu của ông, cùng với cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Biden trong việc điều chỉnh các chính sách, ông Minh cho rằng sẽ một số tác động có thể xảy ra khi ông Trump trở lại.

Đối với tác động thương mại, Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự thay thế thương mại nếu Mỹ tăng cường chuyển dịch xa khỏi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, mở ra cơ hội cho việc tăng cường thương mại với các quốc gia khác, bao gồm cả Việt Nam.

Đi đầu trong danh sách những doanh nghiệp được hưởng lợi từ làn sóng di tản thứ hai này sẽ là các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp. Tiếp theo đó là các doanh nghiệp xuất khẩu có chứng minh xuất xứ nguồn gốc. Và lưu lượng hàng hóa được điều chuyển trực tiếp hoặc gián tiếp từ Trung Quốc, thông qua Việt Nam sang Mỹ sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận cho các doanh nghiệp vận tải và kho bãi.

Ở chiều ngược lại, dưới chính quyền của ông Trump, Việt Nam có thể đối mặt với nhiều thách thức kinh tế. Việc áp đặt các mức thuế quan mạnh mẽ - bao gồm thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và thuế 10 - 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu - sẽ làm cho hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu dùng của Mỹ, từ đó làm giảm sản lượng và giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Một số nghiên cứu cho thấy, trong điều kiện này, GDP của Việt Nam có thể giảm gần 1% so với kịch bản dưới chính quyền của Harris.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có khả năng bị áp thuế nhập khẩu và thuế chống bán phá giá, do Việt Nam vẫn đang bị xếp là nền kinh tế phi thị trường và có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Những mặt hàng Việt Nam đang có mức thuế nhập khẩu vào Mỹ rất thấp là gỗ (0%), thủy sản (0%), săm lốp (4%). Trong khi dệt may và thép, tôn mạ đều đang có mức thuế nhập khẩu khá cao, từ 8 – 25%.

Ngoài ra, nhu cầu giảm từ Mỹ có thể khiến hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào các thị trường khác, làm tổn hại đến các ngành công nghiệp trong những khu vực đó. Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Đối với tỷ giá USD/VND, theo các chuyên gia của ABS, mặc dù ông Trump liên tục khẳng định rằng USD đang bị định giá cao so với các đồng tiền khác, đặc biệt là CNY, dẫn đến khả năng cạnh tranh giảm sút cho hàng hóa Mỹ, nhưng các chính sách mà ông đề xuất thực chất đều có thể làm tăng giá trị của đồng đô la. Những biện pháp như thuế quan đối với hàng nhập khẩu và cắt giảm thuế doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ củng cố USD. Trong ngắn hạn, một đồng đô la mạnh hơn sẽ làm tăng rủi ro giảm giá cho VND.

Thêm vào đó, nếu các chỉ số kinh tế của Mỹ vẫn mạnh mẽ, việc cắt giảm thuế có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, chi phí nhập khẩu cao hơn có thể gây ra rủi ro lạm phát tại Mỹ, có khả năng làm chậm quá trình cắt giảm lãi suất của Fed. Những thời gian kéo dài mà lãi suất USD cao sẽ gia tăng áp lực lên VND thêm nữa.

Kiều Trang

Tin khác »