Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Rau quả xuất ngoại cao kỷ lục nhưng vẫn khó để nâng giá trị

TBKTSG | 01/07/2024

Xuất khẩu rau quả ước đạt hơn 3,4 tỉ đô la, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành điểm sáng xuất khẩu đáng chú ý trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, để mặt hàng này tăng giá trị một cách bền vững thì cần cải thiện vấn đề kiểm soát chất lượng và xây dựng thương hiệu tốt.

 

Xuất khẩu ghi nhận kỷ lục

Trái vải thiều hiện đang vào chính vụ, không khí thu hoạch của người trồng và doanh nghiệp thu mua trở nên nhộn nhịp ở tỉnh Bắc Giang. Trong đó, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco vừa xuất thành công những tấn vải thiều tươi ở huyện Tân Yên (Bắc Giang) sang thị trường Đức.

Theo lãnh đạo Vifoco, lô vải này có mã vùng trồng sản xuất theo quy trình an toàn. Vải được sơ chế, đóng hộp và xuất bằng đường hàng không. Lô vải thiều đầu tiên của Tân Yên xuất sang thị trường Đức trong vụ vải năm nay góp phần mở ra cơ hội xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Cùng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Đức nói riêng và châu Âu nói chung đang là những thị trường tiềm năng cho rau quả Việt Nam. Vụ vải năm nay, Vifoco ký hợp đồng xuất 70 tấn sang Đức và 30 tấn sang Thái Lan.

Trong khi đó, chuỗi cửa hàng Tops Food Hall và Tops Market cũng đang bán vải thiều của Bắc Giang trên khắp Thái Lan. Năm nay, do bất lợi của thời tiết, sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang giảm 50%, khiến giá thu mua vải thiều đầu vào tăng, chi phí logistic cũng tăng, nhà bán lẻ này vẫn bán khoảng 200.000 đồng/kg (giá khuyến mãi).

Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết với cách quản lý kho lạnh và đóng gói ngày càng được cải tiến hơn, vải thiều Việt Nam sẽ sớm xuất khẩu được ra nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tính đến 22-6, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ khoảng 67.000 tấn vải thiều, chiếm khoảng 67% sản lượng. Ngoài Đức và Thái Lan, vải thiều Bắc Giang đã có mặt hàng chục quốc gia khác như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc…

Với những loại trái cây khác, theo các doanh nghiệp xuất khẩu, việc đưa trái cây đến các thị trường trên thế giới ngày càng thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Đình Mười, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của công ty tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện Vina T&T đã đưa trái sầu riêng cấp đông đến Mỹ cứ 3 ngày/1 container và xuất đến Canada. Trái bưởi cũng đang có lượng xuất tăng mạnh… Ngoài ra, công ty còn xuất khẩu sang Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tổng quan xuất khẩu rau quả, Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VinaFruit) ước trong tháng này sẽ đạt gần 775 triệu đô la, đưa kim ngạch xuất khẩu 6 tháng hơn 3,43 tỉ đô la, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, mức kỷ lục từ trước đến nay.

Thách thức về kiểm soát chất lượng để tăng giá trị

Hoạt động xuất khẩu hàng rau quả tiếp tục thuận lợi, nhờ nhu cầu tăng tại thị trường truyền thống Trung Quốc và các thị trường tiềm năng như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Theo giá trị xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường này nửa năm 2024 đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực.

Kết quả này đến từ các giải pháp khắc phục khó khăn, mở cửa thị trường của Chính phủ, các bộ, ngành và của cộng đồng doanh nghiệp. Nổi bật trong đó là sự chủ động và tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm 19 FTA với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.

Dù vậy, xuất khẩu rau quả vẫn còn nhiều hạn chế và giá trị thấp, đòi hỏi cả người trồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần cải thiện hơn nữa, nhất là liên quan đến chất lượng, tiêu chuẩn, năng suất và xây dựng thương hiệu.

Đơn cử như trái sầu riêng mang về khoảng 1/4 giá trị kim ngạch mặt hàng rau quả, nhưng ở thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam có giá chỉ bằng 60-70% so với sầu riêng Thái Lan.

“Chúng ta chưa có tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn về xuất khẩu hay quy định về trái sầu riêng xuất khẩu. Do đó có tình trạng sầu riêng bị người trồng và thương lái cho cắt non chưa đạt độ chín, ảnh hưởng thương hiệu quốc gia. Đây là điểm yếu sầu riêng nói riêng và rau quả nói chung”, ông Nguyên nói.

Đáng chú ý, gần đây Trung Quốc tiếp tục cảnh báo về việc phát hiện các lô sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào quốc gia này không đạt tiêu chuẩn, thậm chí quyết định cấm xuất khẩu một số đơn vị. Điều này, khả năng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu, tiêu thụ “trái cây vua” của Việt Nam thời gian tới.

Trong khi đó, ngành nông nghiệp Thái Lan thường xuyên tổ chức tập huấn tới từng hộ nông dân về quy trình canh tác, giám sát từ khi cây ra hoa, xả nhụy đến khi cắt trái, kiểm tra chất lượng trước khi cắt bán cho doanh nghiệp. “Cách quản lý này giúp sầu riêng Thái Lan cạnh tranh về chất, thay vì lượng”, ông nói.

Nguyên nhân theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký VinaFruit, do người mua Trung Quốc lo ngại sầu riêng Việt bị “hái non”, chưa đạt độ chín. So với Thái Lan và Malaysia, chất lượng sầu riêng Việt Nam chưa bằng vì khâu quản lý chất lượng còn lỏng lẻo.

Ngoài ra, Thái Lan cũng áp dụng quy định xử phạt cả người cắt sầu riêng xuất khẩu nếu như cố tình cắt lẫn cả trái còn non, chưa đủ độ già, bởi sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu quốc gia của loại trái cây này.

Theo ông Nguyên, bên cạnh gia tăng kiểm soát vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được phê duyệt, thì cần chuẩn hoá lại quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, xử lý đóng gói cũng như xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng.

Đối với thị trường Mỹ, 5 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường này đạt 123,5 triệu đô la, tăng 32,4%. Theo Cục Xuất nhập khẩu, với nhu cầu nhập khẩu rau quả lớn thứ 2 thế giới, Mỹ là thị trường tiềm năng.

Tuy nhiên, để đưa các sản phẩm vào Hoa Kỳ thì cần nâng cao giá trị gia tăng của trái cây mùa vụ theo hướng bổ sung sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây, sản phẩm đóng hộp để có thể tiêu thụ quanh năm; ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây.

Đáng chú ý, trên thị trường quốc tế, trái cây Việt gần như không có thương hiệu nào nổi tiếng đáng tự hào như nhiều sản phẩm của Thái Lan, Nhật Bản…

Các doanh nghiệp dẫn chứng trên thị trường thế giới, táo Washington gắn liền với nước Mỹ; quả kiwi của New Zealand; dưa lưới Taki là niềm tự hào của người Nhật Bản; người Thái Lan có sầu riêng Monthong; Malaysia có sầu riêng Musang King giá bán đắt đỏ thì Việt Nam gần như chưa có sản phẩm nào để khẳng định mình.

Việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho trái cây theo giới phân tích là để gia tăng giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế…

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, nhất là ở vùng nguyên liệu xảy ra nghiêm trọng. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được (đó là liên kết giữa nhà sản xuất và tiêu thụ) khi thị trường biến động.

Do đó, Vinafruit đề nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt các sản phẩm thu hoạch, quản lý tốt lực lượng thương lái, không để xảy ra hiện tượng tranh mua, tránh bán, cấp mã vùng trồng đúng, hiệu quả.

Lê Hoàng

Tin khác »