Trong phiên giao dịch sáng, VN-Index 2 lần tiến lên thử thách lại ngưỡng 1.270 điểm, tuy nhiên đều không thành công do lực cầu yếu khi nhà đầu tư tỏ ra thận trọng, lựa chọn đứng ngoài nghe ngóng quyết định thuế quan tiếp theo của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sau khi tuyên bố đánh thuế 25% với thép và nhôm nhập khẩu của tất cả các nước vào Mỹ, nhiều chuyên gia đã phân tích được - mất với các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam. Ngay sau thông tin chính thức được đưa ra trong phiên đầu tuần mới, nhóm cổ phiếu thép trong nước đã đồng loạt giảm mạnh, trước khi hồi phục nhẹ trong phiên hôm qua (11/2) theo đà của nhóm cổ phiếu cùng ngành trên thị trường chứng khoán thế giới. Tuy nhiên, trong phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu thép đã nhanh chóng quay đầu giảm trở lại trong phiên hôm nay.
Không chỉ với thép, với các hàng hóa khác, sau Trung Quốc, ông Trump tới đây sẽ tiếp tục công bố áp thuế với các quốc gia khác và nhiều nhà đầu tư lo lắng với thặng dư thương mại lớn với Mỹ, Việt Nam sẽ cũng nằm trong “tầm ngắm”. Chính lo ngại này khiến nhà khối ngoại đẩy mạnh bán ròng cổ phiếu Việt Nam trong những tuần gần đây, bất chấp triển vọng nâng hạng trong nửa cuối năm nay. Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước cũng đang tỏ ra thận trọng trở lại sau phiên mạnh dạn bắt đáy đầu tuần.
Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến thị trường hôm nay có giao dịch kém sôi động với thanh khoản xuống mức thấp nhất 3 tuần. Động lực yếu cũng khiến VN-Index thêm một lần thất bại khi cố chinh phục ngưỡng 1.270 điểm một lần nữa trong nửa đầu phiên chiều, thậm còn bị đẩy ngược xuống dưới tham chiếu và đóng cửa trong sắc đỏ.
Chốt phiên, VN-Index giảm 1,54 điểm (-0,12%), xuống 1.266,91 điểm với 209 mã tăng và 226 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 506,2 triệu đơn vị, giá trị 11.299,9 tỷ đồng, giảm 19,5% về khối lượng và 20,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 44,6 triệu đơn vị, giá trị 1.159 tỷ đồng. Xét về giao dịch khớp lệnh, đây là phiên có thanh khoản thấp nhất kể từ phiên 22/1.
Đa số các nhóm ngành dẫn dắt, sắc đỏ đều chiếm ưu thế. Trong đó, nhóm ngân hàng chỉ còn 3 sắc xanh tại EIB (+1,32% lên 19.200 đồng), LPB (+0,95% lên 37.350 đồng) và STB (+0,39% lên 38.650 đồng); 5 mã đứng giá, còn lại đều giảm với MBB và BID là 2 mã giảm mạnh nhất khi mất lần lượt 1,3% xuống 22.700 đồng và 1,11% xuống 40.000 đồng.
Nhóm thép cũng chỉ còn 2 sắc xanh tại SMC và TNI; nhóm bất động sản sắc đỏ cũng chiếm ưu thế. Ngoại trừ nhóm chứng khoán, sắc xanh chiếm thế áp đảo với chỉ 2 mã giảm nhẹ. Tuy nhiên, các mã tăng cũng chỉ ở mức khiêm tốn khi chỉ tăng trên dưới 0,5%.
Sàn HOSE hôm nay cũng có thêm 4 mã có thanh khoản trên 10 triệu đơn vị là VIX với 15,57 triệu đơn vị, HPG 13,65 triệu đơn vị, DXG 12,55 triệu đơn vị và TCB 11,52 triệu đơn vị. Trong đó, chỉ có VIX tăng nhẹ, 3 mã còn lại giảm nhẹ.
Trong khi đó, HNX gần như đi ngang trong phiên chiều nay và đóng cửa giữ được sắc xanh nhạt.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,45 điểm (+0,2%), lên 229,32 điểm với 78 mã tăng và 79 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,4 triệu đơn vị, giá trị 698,1 tỷ đồng, giảm 20,8% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Hôm nay nhiều mã trên HNX có mức biến động lớn như SHS, CEO, MBS khi mở cửa ở mức kịch sàn, sau đó đảo chiều tăng giá trước khi đóng cửa CEO và MBS chỉ còn giảm nhẹ, còn SHS đứng tham chiếu. Trong đó, mức biến động trong ngày của SHS là hơn 13%, của CEO là 12% và MBS là 12,4%.
Đóng cửa, SHS đứng tham chiếu 13.500 đồng, khớp 6,74 triệu đơn vị, cao nhất sàn; CEO giảm 0,78% xuống 12.800 đồng, khớp 2,13 triệu đơn vị, MBS giảm 0,72% xuống 27.500 đồng, khớp 1,91 triệu đơn vị.
Một số mã khác có thanh khoản thấp hơn cũng có mức biến động lớn, trong đó SVN thậm chí biến động từ mức kịch trần 6.200 đồng và đóng cửa ở mức kịch sàn 5.200 đồng.
UPCoM gặp rung lắc trong phiên chiều, có lúc xuống dưới tham chiếu, nhưng vẫn kịp có lại sắc xanh nhạt khi đóng cửa phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,05%), lên 96,8 điểm với 150 mã tăng và 139 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 57,8 triệu đơn vị, giá trị 697,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,8 triệu đơn vị, giá trị 53,4 tỷ đồng.
Hai cổ phiếu trong hệ sinh thái Bamboo hút mạnh dòng tiền trên UPCoM là BCR và BGE đều trên 5 triệu đơn vị; đóng cửa tăng 8,89% lên 4.900 đồng và 4,76% lên 6.600 đồng.
Có 2 mã có thanh khoản trên 4 triệu đơn vị là BVB và AAH, cùng đóng cửa giảm; Hai mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị cùng đóng cửa tăng là HNG (+2,82% lên 7.300 đồng) và MSR (+4,67% lên 15.700 đồng).
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, chỉ có hợp đồng đáo hạn tháng 9 là tăng nhẹ, trái chiều với thị trường cơ sở và các hợp đồng còn lại, còn các hợp đồng khác giảm quanh mức giảm 0,2% của VN30. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 2 giảm 4,6 điểm (-0,34%), xuống 1.329,5 điểm với 139.180 hợp đồng được giao dịch, tương đương tổng giá trị 18.623,2 tỷ đồng; khối lượng mở 33.214 hợp đồng.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có gần 4,8 triệu đơn vị được giao dịch, tổng giá trị 1.967,4 tỷ đồng. Trong đó, BNC12102 của Du lịch Cáp treo Bà Nà đã đóng góp tới 3 triệu đơn vị, giá trị gần 295 tỷ đồng. Tuy nhiên, mã có tổng giá trị chuyển nhượng cao nhất là SHB12301 của SHB với 505,6 tỷ đồng, tương ứng 5.000 đơn vị.
T.Lê