Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Doanh nghiệp năng lượng tái tạo hốt hoảng lo bị thu hồi giá FIT cao

Báo Đầu tư | 10 giờ trước | 23/12/2024

Nhiều doanh nghiệp sản xuất điện mặt trời thấp thỏm với việc giá bán điện đang hưởng là 9,35 UScent/kWh sẽ bị giáng xuống 7,09 UScent/kWh, thậm chí không được quá mức 1.184,9 đồng/kWh.

 

Từ 2.231 đồng/kWh lao thẳng xuống chưa tới 1.184,9 đồng/kWh

Nhiều doanh nghiệp làm điện mặt trời có thời gian nghiệm thu dự án và biên bản công nhận kiểm tra nghiệm thu dự án sau mốc thời gian được hưởng giá mua điện theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg (FIT1) và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg (FIT2) đang rất hốt hoảng.

Nguyên do là các nhà máy này có thể không còn được hưởng các mức giá bán điện như đang hưởng kể từ khi đưa nhà máy vào vận hành thương mại (COD) là 9,35 UScent/kWh (FIT1) hay 7,09 UScent/kWh (FIT2), theo tinh thần của giải pháp số 4 được Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra tại Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo vừa qua.

Như vậy, nếu không còn được hưởng mức giá mua điện mặt trời mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố là 2.231 đồng/kWh (tương đương 9,35 UScent/kWh) hoặc 1.692 đồng/kWh (tương đương mức 7,09 UScent/kWh) để áp dụng cho năm 2024 và xuống hưởng mức giá không quá giá trần là 1.184,9 đồng theo quy định tại Quyết định 21/QĐ-BCT ban hành đầu năm 2023 cho các dự án chuyển tiếp, có thể thấy rõ sự khó khăn của các nhà đầu tư.

Theo giải pháp 4 mà Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra, các dự án đang được hưởng giá FIT có vi phạm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền do không đáp ứng đầy đủ các điều kiện được hưởng giá FIT thì không được hưởng giá FIT ưu đãi, mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định; thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.

Theo báo cáo của Bộ Công thương công bố tại hội nghị trên, có 173 nhà máy/phần nhà máy điện mặt trời, điện gió nối lưới gặp tình huống được nêu trong giải pháp số 4.

Vấn đề hưởng giá FIT1 hoặc FIT2 trong khi chưa có kết quả nghiệm thu công trình và chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư từng được Báo Đầu tư đề cập nhiều trong thời gian qua.

Theo tìm hiểu, nếu xét các dự án điện mặt trời tập trung đang hoạt động trên hệ thống hiện nay thì số lượng là xấp xỉ 150. Tuy nhiên, số dự án có kết quả nghiệm thu trước mốc thời gian kết thúc FIT1 chỉ là 15. Còn lại là thuộc diện đang hưởng FIT1 và nghiệm thu trong thời gian FIT2, đang hưởng FIT1 và nghiệm thu sau khi kết thúc FIT2, đang hưởng FIT2 và nghiệm thu trong thời gian FIT2, đang hưởng FIT2 và nghiệm thu sau khi kết thúc FIT2.

Với khối sản xuất điện gió, rút kinh nghiệm từ các dự án điện mặt trời, nên có 58 dự án nghiệm thu trước khi COD; 11 dự án nghiệm thu sau COD nhưng trước thời điểm ngày 31/10/2021 và có 19 dự án là nghiệm thu sau ngày 31/10/2021.

Như vậy, các dự án điện gió nghiệm thu sau ngày 31/10/2021 nếu đang được hưởng mức giá 2.028,6 đồng/kWh (tương đương 8,5 UScent/kWh), sẽ phải về mức giá không vượt quá 1.587,12 hay 1.815.95 đồng/kWh, tùy theo trên bờ hay trên biển, theo Quyết định 21/QĐ-BCT cho các dự án chuyển tiếp khi áp dụng giải pháp 4 của Bộ trưởng Bộ Công thương.

“Đường cùng thì chỉ có nước khởi kiện”

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận cho hay, môi trường đầu tư vào năng lượng tái tạo thời gian qua gặp rất nhiều vấn đề. Ngoài khoảng trống chính sách thì việc xét lại giá FIT như đề xuất trong Mục 4, 5 và 6 đang làm các nhà đầu tư nản lòng.

“Các vi phạm pháp luật đã rõ như kết luận của cơ quan an ninh điều tra thì cần xử lý nghiêm. Còn việc xác định các dự án còn lại có vi phạm hay không, vi phạm đến mức nào, ai có thẩm quyền kết luận “dự án bị thu hồi giá FIT” đều là những câu hỏi không dễ dàng trả lời”, ông Thịnh nói.

Theo phân tích của ông Thịnh, các nhà đầu tư, nhất là nước ngoài thì căn cứ hợp đồng mua bán điện (PPA) ký với EVN, được EVN công nhận COD coi như hoàn thành dự án. Trong tất cả các quy định hiện hành, chưa tìm thấy bất cứ quy định nào khẳng định: xác nhận nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước là một trong các điều kiện công nhận COD.

“Nếu chúng ta không làm rõ ràng, minh bạch, tôi tin rằng, khi bị áp dụng giá chuyển tiếp, ở vào thế đường cùng, nhiều nhà đầu tư sẽ khởi kiện EVN. Chưa biết ai thắng ai thua, nhưng chắc chắn môi trường đầu tư sẽ càng xấu và hệ quả là việc cấp đủ điện cho phát triển kinh tế sẽ gặp thách thức lớn hơn”, ông Thịnh nhận xét.

Thanh Hương

Tin khác »