Giá dầu châu Á giảm trong phiên 20/12 do lo ngại về tăng trưởng nhu cầu trong năm 2025, đặc biệt là tại nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu là Trung Quốc, khiến hợp đồng dầu chủ chốt hướng đến mức giảm gần 3% trong tuần này.
Khoảng 14 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 33 xu Mỹ (0,45%) xuống 72,55 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 32 xu Mỹ (0,46%) xuống 69,06 USD/thùng.
Trong báo cáo triển vọng năng lượng công bố ngày 19/12, Tập đoàn lọc dầu nhà nước Sinopec của Trung Quốc cho biết nhập khẩu dầu thô của nước này có thể đạt đỉnh vào năm 2025 và tiêu thụ dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2027 khi nhu cầu dầu diesel và xăng yếu đi.
Chuyên gia nghiên cứu cấp cao Emril Jamil tại LSEG nhận định giá dầu thô đang chịu sức ép từ tăng trưởng nhu cầu dầu bất ổn.
Ông cho hay Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, sẽ cần duy trì kỷ luật về nguồn cung để thúc đẩy giá tăng và xoa dịu những lo lắng của thị trường về việc liên tục điều chỉnh triển vọng tăng trưởng nhu cầu. Gần đây OPEC+ đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 lần thứ năm liên tiếp.
Trong khi đó, đà tăng của đồng USD lên mức cao nhất trong hai năm cũng gây áp lực lên giá dầu, sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu sẽ thận trọng về việc cắt giảm lãi suất trong năm 2025.
Đồng USD mạnh hơn khiến giá dầu trở nên đắt đỏ hơn cho những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác, trong khi tốc độ cắt giảm lãi suất chậm hơn có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu.
JPMorgan dự báo thị trường dầu sẽ chuyển từ trạng thái cân bằng trong năm 2024 sang dư thừa 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2025, khi ngân hàng này dự báo nguồn cung ngoài OPEC+ sẽ tăng 1,8 triệu thùng/ngày vào năm 2025 và sản lượng của OPEC vẫn ở mức hiện tại.
Trong một động thái có thể hạn chế nguồn cung, hãng Bloomberg đưa tin các nước Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang xem xét các cách siết chặt giới hạn giá đối với dầu của Nga, chẳng hạn như lệnh cấm hoàn toàn hoặc giảm ngưỡng giá. Liên minh châu Âu và G7 đang áp mức trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga từ cuối năm 2022.
Minh Hằng (Theo Reuters)