Tăng trưởng kinh tế luôn được đánh giá trên hai mặt là tốc độ và chất lượng, trong đó chất lượng tăng trưởng là nội dung quan trọng hàng đầu của tái cơ cấu kinh tế và của chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng có sự khác nhau, chủ yếu về 3 mặt: đầu vào; quá trình hoạt động; kết quả đầu ra.
Ở đầu vào, sự khác biệt thể hiện ở hai điểm: một, về thời gian áp dụng, tốc độ thường được quan tâm nhiều hơn chất lượng tăng trưởng trong thời gian đầu, khi đất nước còn ở điểm xuất phát thấp, phải có tốc độ tăng cao để khôi phục, ổn định. Khi đất nước đạt được quy mô nhất định, thì cần chuyển sang giai đoạn phát triển ở tầm cao hơn, bền vững hơn.
Hai, về các yếu tố phát triển, để có tốc độ tăng trưởng, yêu cầu về tăng trưởng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, về tăng số lượng lao động đang làm việc được đặt lên hàng đầu. Mô hình tăng trưởng, phát triển theo số lượng, theo chiều rộng có thể là phù hợp. Nhưng khi đạt được quy mô nhất định, thì các yếu tố trên không còn phù hợp, bởi hai lý do.
Lý do thứ nhất: các yếu tố tăng tốc độ (số lượng) do tăng lượng vốn đầu tư phát triển, do tăng số lao động đang làm việc về nguồn lại có giới hạn về số lượng, khi tích lũy - tiền đề của đầu tư - còn thấp, tăng chậm; khi tỉ lệ sinh giảm nhanh, tỉ trọng trong tổng số lao động đang làm việc của người trẻ, khỏe giảm, của người lớn tuổi tăng; khi tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm...
Lý do thứ hai: nếu sử dụng các yếu tố như tăng lượng vốn, tăng số lao động đang làm việc… thường gây ra những hiệu ứng phụ, nhất là lạm phát.
Trong khi chất lượng tăng trưởng lại quan tâm đến các yếu tố như hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), trên cơ sở khoa học - công nghệ. Đây là những yếu tố vô hạn - tức không bị giới hạn về số lượng mà có tính vô hạn do được sản sinh từ trí tuệ, lại không gây ra những hiệu ứng phụ.
Ở quá trình hoạt động, tâm lý chạy theo tốc độ, thậm chí cực đoan, ảo tưởng mạnh. Tốc độ tăng trưởng chưa quan tâm nhiều tới chất lượng nguồn nhân lực, đến hoàn thiện cơ chế, đến cơ sở hạ tầng, đến việc bảo vệ và cải thiện môi trường.
Tư duy “mục đích cuối cùng đạt được không phải ở tốc độ tăng trong ngày hôm nay, mà là ở sự bền vững của tốc độ dài hạn trong tương lai” đã hình thành ở nhiều cấp, nhiều ngành trong việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô. Trạng thái không chỉ có “chạy” mà phải “vừa chạy, vừa xếp hàng” mới có kết quả tốt.
Ở kết quả đầu ra, “tốc độ” tăng trưởng thường tạo ra số lượng việc làm, số lượng sản phẩm, số dự án đầu tư, lượng vốn…; trong khi “chất lượng tăng trưởng” lại quan tâm nhiều hơn đến hiệu quả, đến chất lượng, đến năng suất, đến sức cạnh tranh ở trong nước và quốc tế.
Về tốc độ tăng trưởng, kết quả tích cực về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được nhận diện dưới các góc độ khác nhau.
Ở góc độ thứ nhất, về số năm tăng trưởng liên tục, tính đến năm 2024 Việt Nam đã đạt được 43 năm, đứng hàng đầu thế giới, chỉ thua kỷ lục 46 năm của Trung Quốc.
Tốc độ tăng liên tục là một yếu tố quan trọng để vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trong gần 50 năm qua (khủng hoảng kinh tế - xã hội tiềm ẩn từ cuối những năm 70, diễn ra trong thập kỷ 80, kéo dài tới những năm đầu trong thập kỷ 90 của thế kỷ 20; cuộc khủng hoảng tiền tệ 1997 - 1998 diễn ra ở Đông và Đông Nam Á; cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu diễn ra từ cuối năm 2008; đại dịch Covid-19 cùng một lúc với cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra trong hai năm 2020 – 2021).
Ở góc độ thứ hai, đã có những năm đạt tốc độ khá cao, như những năm từ 1992 đến 1997 tăng trưởng 8 - 9%/năm; hay các năm 2002 đến 2005, 2018, 2019, 2022 đạt trên 7%/năm, đặc biệt năm 2024 đạt 7,09%, vừa vượt mục tiêu tăng trưởng, vừa vượt mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Ở góc độ thứ ba, nhờ đạt được tốc độ tăng cao, tổng GDP và GDP bình quân đầu người đạt được sự vượt trội. Tổng GDP của Việt Nam tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đã tăng khá trong thời gian qua (Hình 1).
Với quy mô trên, Việt Nam đã chuyển từ nước có quy mô kinh tế nhỏ thành nước có quy mô kinh tế lớn hơn và có sức hấp dẫn hơn đối với thế giới.
GDP bình quân đầu người của Việt Nam cũng theo đó tăng lên (Hình 2).
Theo đó, nếu năm 1988 Việt Nam còn nằm trong mấy nước thuộc nhóm thấp nhất thế giới, thì đến năm 2008 đã chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp), đang thực hiện mục tiêu chuyển sang nước có thu nhập trung bình cao.
Ở góc độ thứ tư, nhờ công cuộc đổi mới (lần 1), các yếu tố của tốc độ tăng trưởng đã đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên GDP bình quân các năm 2006-2010 đạt 39,2%; 2011-2015 là 31,7%; 2016-2020 là 34,6%; năm 2021 là 34,1%; 2022 là 33,5%; 2023 là 33,2%; 2024 ước đạt 32,1%. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên GDP của Việt Nam thuộc top cao của thế giới, chỉ thấp thua một số nước, như CHND Trung Hoa, Na Uy...
Tốc độ tăng số lượng lao động đang làm việc tăng cao từ thời kỳ trước năm 1990 đến năm 2000 (năm 1994 tăng 2,89%; 1995 tăng 2,74%; 1996 tăng 3,48%; 1997 tăng 3,36%), sau đó tăng chậm lại, đặc biệt 2 năm bị tác động của đại dịch Covid-19 đã bị giảm sâu: 2020-2021 (âm) -8,46%; năm 2022 tăng cao (3,12%) do số gốc so sánh là năm 2021 ở mức thấp. Năm 2024 vẫn còn tăng khá (ước 1,14%), nhưng có xu hướng giảm xuống trên dưới 1%. Có dự đoán chỉ trong 5-10 năm nữa, Việt Nam sẽ chuyển từ xuất khẩu lao động sang nhập khẩu lao động.
Như vậy, tăng trưởng về số lượng (tốc độ) đã có xu hướng chậm lại. Ngoài lý do khách quan như đại dịch, còn có những hạn chế của việc tăng lượng vốn đầu tư và tăng số lượng lao động. Hơn nữa, tốc độ tăng của thời gian đổi mới lần một cũng còn thấp không chỉ so với điểm xuất phát còn thấp, mà còn so với một số nước. Trung Quốc không chỉ có thời gian tăng liên tục dài mà còn có tốc độ tăng trong nhiều năm ở mức 2 chữ số, nên tổng quy mô GDP mới vượt qua nhiều nước để lên đứng thứ hai thế giới. Một số nước và vùng lãnh thổ tuy có thời gian tăng liên tục ngắn hơn Việt Nam (như Đài Loan, Hàn Quốc...), nhưng trong những năm đó lại có tốc độ tăng khá cao, nên đã nhanh chóng hóa “rồng”, hóa “hổ”.
Về chất lượng tăng trưởng, khi những hạn chế, thách thức trong thời gian qua đã xuất hiện đối với tốc độ tăng trưởng, thì việc chuyển mô hình tăng trưởng từ số lượng, chiều rộng, sang chất lượng, chiều sâu là rất cần thiết. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của cuộc đổi mới lần hai, bước vào kỷ nguyên mới.
Những kết quả tích cực về chất lượng tăng trưởng của Việt Nam biểu hiện trên một số điểm đáng lưu ý sau.
Hiệu quả đầu tư (ICOR) đã ở mức trên dưới 6 lần từ năm 2019 trở về trước, sau khi bị giảm trong 2 năm đại dịch Covid-19, đã tăng khi ICOR giảm trở lại như trước đại dịch, nhất là các năm 2022 - 2024 (Hình 3)
Theo đó, nhờ hiệu quả đầu tư được cải thiện, nên lượng vốn đầu tư ít hơn sẽ tạo ra mức tăng GDP cao hơn. Mức năng suất lao động tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thực tế đã liên tục tăng lên qua các năm (Hình 4)
Mức năng suất lao động tính bằng USD tăng có nguyên nhân từ tổng GDP tăng, tỷ giá VND/USD cơ bản ổn định; tốc độ tăng số lao động đang làm việc chậm lại, tỉ trọng lao động đã qua đào tạo liên tục tăng (Hình 5).
Ở khu vực thành thị, ở một số ngành, vùng, tỉnh/thành phố còn có tỷ lệ cao hơn. Tỷ trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của yếu tố vốn đầu tư phát triển giảm ở mức cao trước (trên dưới 50%) xuống còn dưới 30%, của yếu tố số lao động trên 25% trước kia xuống còn dưới 20%; của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ dưới 30% trước kia lên trên 45% hiện nay, lớn nhất trong ba yếu tố (vốn, lao động đang làm việc) với kết quả tích cực về khoa học - công nghệ.
Tuy đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2024, nhưng vẫn còn một số hạn chế, thách thức đối với tăng trưởng kinh tế.
Về vốn đầu tư, trong khi tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm và có một lượng vốn không nhỏ đang bị “chôn” vào vàng, tiền ảo, bất động sản... Hệ số ICOR còn cao; ngay từ 2019 trở về trước cũng vẫn còn cao so với nhiều nước (thường ở mức trên dưới 3 lần); đặc biệt trong 2 năm đại dịch Covid-19 và ngay cả năm 2023 vẫn còn khá cao. Tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP có xu hướng giảm, trong khi để tăng 1 đồng GDP tăng thêm phải đầu tư số đồng vốn đầu tư cao lên chứng tỏ hiệu quả đầu tư thấp.
Về lao động, không chỉ tăng chậm lại mà năng suất lao động có tốc độ tăng chưa cao và có mức thấp hơn nhiều nước. Mức năng suất lao động còn thấp, trong khi số người phải nuôi bình quân 1 lao động vẫn còn cao (khoảng 2 người, do số người cao tuổi tăng, mặc dù số trẻ em bình quân một lao động phải nuôi có giảm xuống).
Từ các hạn chế, thách thức được đề cập ở trên và trước yêu cầu của Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần quan tâm đến hai vấn đề.
Một là, tiếp tục nâng cao tốc độ tăng trưởng, có thể lên đến mức hai chữ số và liên tục trong một số năm. Chỉ có vậy mới khắc phục được nguy cơ “tụt hậu xa hơn”, “chưa giàu đã già”. Để thực hiện, trước hết về tư duy, không nên coi tăng trưởng ở mức hai chữ số là “tăng trưởng nóng”. Đó không chỉ là kỳ vọng, mà là yêu cầu bắt buộc, vấn đề là khả năng. Có khả năng này không chỉ là tiếp tục khai thác các nguồn lực, cả trong nước, cả nước ngoài, liên quan đến chất bán dẫn, chip, trí tuệ nhân tạo (AI); không những ở 3 động lực truyền thống mà cả mà ở cả 6 động lực mới (như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra).
Hai là, quan trọng nhất là cải thiện chất lượng tăng trưởng, để cùng với số vốn, số lượng lao động đang làm việc, nhưng sẽ có tốc độ, quy mô GDP tăng lên, không những đạt tốc độ cao hơn, mà còn bền vững - tức là tăng trưởng cao trong dài hạn.
Cải thiện chất lượng tăng trưởng cần tập trung vào các yếu tố sau.
Một, nâng cao hiệu quả đầu tư trên cơ sở giảm hệ số ICOR từ mức hiện nay xuống dưới 5 lần, tiến tới mức 3 lần như nhiều nước. Để nâng cao hiệu quả đầu tư cần làm tốt công tác quy hoạch, tránh đầu tư dàn trải, giải phóng mặt bằng, thi công nhanh để đưa vào sử dụng, để tận dụng vì vốn phải tính lãi ngay từ lúc vay. Giám sát, kiểm tra, xử lý tình trạng giá đất hiện ở mức quá cao, tình trạng đẩy giá đấu thầu lên quá cao, rồi bỏ cọc,… đặc biệt tránh lãng phí, thất thoát vốn trong đầu tư.
Hai, nâng cao tốc độ tăng năng suất lao động và quan trọng là phải nâng cao mức năng suất lao động hiện còn quá thấp; trên cơ sở tăng tỷ lệ đào tạo để nhanh chóng vượt qua mốc 30 - 35%, ứng dụng khoa học và công nghệ,...
Ba, tăng tỷ trọng đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vượt qua mốc 50% - tức là lớn hơn tổng tỉ trọng đóng góp của yếu tố vốn đầu tư phát triển và yếu tố lao động.
Bốn, cải cách thể chế, bởi thể chế là “then chốt của then chốt”.
Đỗ Văn Huân