Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Phát biểu của Chủ tịch Fed tạo áp lực giảm lên thị trường dầu mỏ

BN | 6 giờ trước | 15/11/2024

Giá dầu tại thị trường châu Á giảm trong phiên giao dịch 15/11, khi nhà đầu tư lo ngại về tín hiệu cho thấy nhu cầu ở Trung Quốc vẫn yếu.

 

Giá dầu tại thị trường châu Á giảm trong phiên giao dịch 15/11, khi nhà đầu tư lo ngại về tín hiệu cho thấy nhu cầu ở Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - vẫn yếu trong bối cảnh phục hồi kinh tế diễn ra không đồng đều. Cùng với đó, kỳ vọng rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ cắt giảm lãi suất cũng tác động tiêu cực tới thị trường năng lượng.

Cụ thể, chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent giảm 0,95 USD, tương đương 1,31%, xuống còn 71,62 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,9 USD, tương đương 1,3%, xuống còn 67,81 USD/thùng. Tính chung tới thời điểm này của tuần giá dầu Brent giảm 3,06%, còn giá dầu WTI giảm 3,67%.

Ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG, nói: “Đà suy yếu của giá dầu dường như phản ánh tâm lý ưa rủi ro giảm sút trên thị trường”, đồng thời chỉ ra rằng các thị trường chứng khoán đang giảm điểm. Ông Yeap cũng nhấn mạnh rằng khả năng nguồn cung dầu từ Mỹ và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cùng các đối tác (còn gọi là OPEC+), tăng thêm, cùng với nghi ngại về khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc tiếp tục là yếu tố gây áp lực giảm lên giá dầu.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc trong tháng 10/2024 đã xử lý lượng dầu thô ít hơn 4,6% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng giảm thứ bảy liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu là do một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động và các nhà máy lọc dầu độc lập nhỏ hơn cũng giảm hiệu suất hoạt động.

Tuyên bố của Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 14/11 cho thấy Fed chưa vội hạ lãi suất có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, qua đó tác động đến nhu cầu nhiên liệu. Bên cạnh đó, đồng USD mạnh lên cũng làm giá dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Giá dầu tuần này cũng chịu sức ép từ báo cáo của các tổ chức lớn cho thấy thị trường vẫn ở trạng thái suy yếu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nguồn cung dầu toàn cầu sẽ vượt nhu cầu vào năm 2025, ngay cả khi các biện pháp cắt giảm của OPEC+ được duy trì. IEA nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu cho năm 2024 lên 920.000 thùng/ngày, và giữ nguyên dự báo cho năm 2025 ở mức 990.000 thùng/ngày.

Trong khi đó, OPEC cũng vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho năm nay và năm 2025, cho thấy những dấu hiệu yếu kém tại các thị trường như Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là lần thứ tư liên tiếp OPEC điều chỉnh giảm triển vọng tiêu thụ dầu cho năm 2024.

Minh Trang (Theo Reuters)

Tin khác »