Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Khó chồng khó, thuế chồng thuế sẽ tác động tiêu cực đến nhà sản xuất và người tiêu dùng

VNE | 5 giờ trước | 15/11/2024

Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh dồn dập nhiều sắc thuế sửa đổi, nhiều thách thức mới, không chỉ doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp nước ngoài đều lo ngại khó chồng khó, thuế chồng thuế khi nâng mức thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia...

 

Phát biểu tại hội thảo Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn với chủ đề: “Phương án tăng thuế đạt đa mục tiêu và lợi ích bền vững”, bà Bùi Thị Việt Lâm, Đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam (US-ABC), cho biết trong cộng đồng US-ABC hiện có 185 doanh nghiệp Hoa Kỳ, trong số 132 doanh nghiệp có hoạt động làm ăn tại Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp chịu tác động thuế tiêu thụ đặc biệt trong lĩnh vực rượu bia va nước giải khát.

"Chúng tôi lo lắng gửi đi tín hiệu không tích cực với cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt khi kinh tế trong nước khó khăn, kinh tế quốc tế khi Tổng thống Donald Trump lên có nhiều thay đổi khi đặt ra những vấn đề mới với Việt Nam như: thuế quan, thâm hụt thương mại hay mở cửa doanh nghiệp nước ngoài", bà Lâm nhìn nhận.

DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI BĂN KHOĂN

Cũng theo đại diện US-ABC, hai năm vừa qua có nhiều sắc thuế được xây dựng và chuẩn bị ban hành nhưng chỉ nhìn trong bối cảnh xây dựng luật mà không đặt trong bối cảnh chung.

Những yếu tố mới sẽ tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp như: thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, thuế giá trị gia tăng không còn ưu đãi, trách nhiệm doanh nghiệp nhiều hơn, yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ với môi trường, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nhiều hơn.

"Khó chồng khó, thuế chồng thuế", bà Lâm nói.

Bà Lâm cho rằng với nhà đầu tư nước ngoài làm ăn lâu năm và những nhà đầu tư mới đang cân nhắc chuyện mở rộng thị trường sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn, trong bối cảnh các nước xung quanh đang chạy đua khốc liệt với Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc triển khai nhiều chính sách đột phá, không chỉ ưu đãi đất đai như trước đây.

Do vậy, nếu đặt mục tiêu ưu tiên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm tăng thu ngân sách nhà nước dường như sai bản chất của sắc thuế mà phải hướng đến các mục tiêu khác và quan trọng hơn, đó là phải nuôi dưỡng nguồn thu.

Về vấn đề này, theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt mục tiêu chính là nhằm điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, hoặc giảm mặt hàng xa xỉ phẩm ảnh hưởng xã hội, môi sinh, môi trường.

"Có nhiều băn khoăn về đề xuất này, ngay cả coi mục tiêu ưu tiên là điều chỉnh hành vi người tiêu dùng vẫn cần cân nhắc thấu đáo hơn nữa, hạn chế tiêu dùng nhưng việc thay đổi hành vi với tất cả người tiêu dùng liệu giống nhau hay không?", ông Bình đặt vấn đề.

LO HÀNG KÉM CHẤT LƯỢNG "LÊN NGÔI"

Theo TS. Lê Duy Bình, tỷ trọng người tiêu dùng có thu nhập cao rất thấp, do đó, tăng thuế mặt hàng này ảnh hưởng thu nhập đến số đông, nhất là lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Khi đó, họ sẽ chuyển sang sử dụng sản phẩm cấp thấp, không có nhãn hiệu. Thực tế cho thấy 63% lượng rượu toàn quốc không có nhãn mác, thiếu quy chuẩn. Điều này sẽ tạo nên tác động tiêu cực lên sức khoẻ và gánh nặng y tế khi người dân tiêu thụ những đồ uống này.

"Với những người có thu nhập cao, khi giá tăng thì sự nhạy cảm, co giãn của cầu với giá gần như không có vấn đề gì. Trong khi đó, có đến 80 triệu người dân Việt Nam có khả năng chuyển sang mặt hàng chất lượng thấp", ông Bình quan ngại.

Điều này cũng ngược với xu hướng hiện nay là chính thức hóa nền kinh tế phi chính thức do tăng bia thấp cấp, rượu lậu. Đây là điều chúng ta không mong muốn, chứ không chỉ nhìn trên góc độ tăng trưởng GDP.

Cùng với đó, sắc thuế này điều chỉnh hành vi phía sản xuất như Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hay Heineken... thời gian tới sẽ không sản xuất đồ uống có cồn nữa, khi đó, ngân sách chưa chắc thu được từ sắc thuế này.

"Thời điểm này, cần tính toán mục tiêu nói trên, đánh giá tác động của chính sách đến tổng cầu và ngành sản xuất liên quan hay GDP đầu người. Xây dựng chính sách cần phân tích tác động kinh tế, xã hội thấu đáo hơn nữa để có lộ trình phù hợp tăng thuế, tác động với người tiêu dùng và nhà sản xuất", ông Bình khuyến nghị.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng động lực tăng trưởng truyền thống phải tập trung đầu tư, tiêu dùng trong nước và cuối cùng là xuất khẩu, bởi khi Tổng thống Mỹ mới đắc cử có thể sẽ gây nên nhiều biến động, riêng việc tăng thuế thương mại của Mỹ lên toàn cầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam cả nhiệm kỳ là 1%/năm, tính thêm yếu tố tích cực giúp tăng trưởng 0,5%/năm, cuối cùng kinh tế vẫn có thể sụt giảm 0,5%/năm.

Trong khi đó, đến tháng 10/2024, tốc độ tăng trưởng của tiêu dùng trong nước 8,5% trừ đi yếu tố giá chỉ còn tăng 4,5%, đây là mức tăng rất thấp trước Covid luôn duy trì 10-11%. Còn tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội cũng thấp hơn nhiều giai đoạn 2017-2019. Những con số minh hoạ nói trên cho thấy phải cân nhắc giải pháp chính sách nói chung và chính sách thuế nói riêng trong bối cảnh cụ thể.

Do đó, theo ông Việt, phải căn ke từng con số, từng yếu tố tác động đến tăng trưởng.

Ngoài ra, theo lãnh đạo VEPR, sau giai đoạn Covid-19 có những gói kích cầu giãn, hoãn thuế để khoan sức dân và doanh nghiệp, tạo động lực doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuận lợi và tăng trưởng. 

"Chúng ta phải hài hoà chính sách, đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định để doanh nghiệp tự tin trong đầu tư, tăng trưởng tiêu dùng từ người dân và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng", ông Việt nhấn mạnh.

Ánh Tuyết

Tin khác »