FiinRatings vừa đưa ra quan điểm về ngành FDI điện tử của Việt Nam trước tác động của thuế quan đối ứng trong đó nhấn mạnh đây là cơ hội để Việt Nam nâng cao vai trò trong chuỗi cung ứng trong thời gian tới.
Ngành FDI điện tử tiếp tục là trụ cột kinh tế, chiếm khoảng 57% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Sức ảnh hưởng tập trung ở một số doanh nghiệp lớn, với 48 doanh nghiệp hàng đầu đóng góp tới 70% giá trị xuất khẩu toàn ngành, trong đó nhóm sản phẩm liên quan tới Samsung chiếm 30%, và sản phẩm liên quan tới Apple chiếm 9%.
Ước tính các công ty FDI tại Việt Nam đóng góp khoảng 21,6% doanh thu và 27,7% lợi nhuận gộp của toàn bộ nền kinh tế. Trong đó, các công ty dẫn dầu trong lĩnh vực điện tử chiếm tỷ trọng lần lượt là 39,4% doanh thu và 28,9% lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp FDI.
Trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam, ngành điện tử luôn dẫn đầu với các mặt hàng gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện; Điện thoại các loại và linh kiện; Máy ảnh máy quay phim và linh kiện; Máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác; Dây điện & dây cáp điện.
Kim ngạch xuất khẩu của mã HS chương 84, 85 chiếm khoảng 57,4% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, 48 doanh nghiệp dẫn đầu chiếm tới 70%, đứng đầu là nhóm doanh nghiệp liên quan tới Samsung (30%) và Apple (9%).
Ngày 2/7 vừa qua Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với Việt Nam. Việt Nam sẽ chịu mức thuế 20% cho tất cả hàng hóa và chịu mức thuế 40% đối với “hàng hóa trung chuyển” đưa vào lãnh thổ Mỹ.
FiinRatings đánh giá rủi ro về dòng vốn FDI tháo chạy đã được giảm thiểu. Mặc dù cần thêm thời gian để có thể đi đến thống nhất chi tiết về mức thuế đối ứng cho từng ngành hàng và cơ chế xác định hàng trung chuyển (chịu thuế 40%), mức thuế 20% này giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực (Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ). Thực tế, dòng vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2025 vẫn chảy mạnh vào Việt Nam, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vẫn duy trì tích cực
Trong khi đó, tác động của chính sách thuế quan mới đối với các doanh nghiệp FDI trong ngành điện tử có thể được chia thành 3 nhóm chính: Nhóm ít bị ảnh hưởng: Những doanh nghiệp FDI xuất khẩu sản phẩm điện thoại, điện máy thành phẩm (ví dụ: Samsung, Intel) được miễn thuế trực tiếp, nên hầu như không chịu tác động.
Các công ty vệ tinh như SOLUM VINA (Samsung), LG Innotek hay Goertek Vina khi xuất khẩu linh kiện bán thành phẩm (không được miễn thuế từ Mỹ) có thể chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác hoặc tăng tiêu thụ nội địa để “tránh” thuế.
Nhóm tiềm ẩn rủi ro: Những FDI xuất khẩu các mặt hàng thành phẩm không nằm trong danh sách được miễn thuế sẽ chịu sức ép cạnh tranh gia tăng nếu thuế quan mới được áp dụng, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận.
Nhóm chịu thiệt hại nặng nhất: Các mặt hàng bị coi là “trung chuyển” (transshipment), với đại diện là sản phẩm pin mặt trời. Doanh nghiệp FDI sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời đang phải gánh mức thuế chống bán phá giá rất cao (68 – 542%), dẫn đến chi phí tăng đột biến và khả năng mất thị phần trên thị trường quốc tế.
Công nghiệp phụ trợ điện tử tại Việt Nam còn chưa phát triển. Dữ liệu cho thấy chưa tới 1% nguyên liệu đầu vào đến từ doanh nghiệp Việt Nam, khoảng 15% từ các doanh nghiệp FDI vệ tinh, còn lại phải nhập khẩu. Do đó, chuỗi cung ứng nội địa không có khả năng thay thế trong thời gian ngắn nếu chính sách thuế của Mỹ thay đổi đột ngột.
Rủi ro lan tỏa sang Bất động sản khu công nghiệp, cảng biển và dịch vụ logistics. Các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TP HCM và Hà Nam Ninh có tỷ trọng điện tử trong kim ngạch xuất khẩu rất cao, trong đó phần “Pin mặt trời + Không miễn thuế” chiếm đa số. Nếu Mỹ áp thuế mạnh lên mặt hàng điện tử (như tuyên bố nhắm vào Apple), nhu cầu thuê đất Khu công nghiệp, lưu lượng hàng hóa qua cảng và dịch vụ vận tải tại các vùng này sẽ chịu sức ép đáng kể.
Mặc dù vậy, FiinRatings cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam định hình lại chuỗi cung ứng. Đối với ngành điện tử, tỷ lệ giá trị đầu vào từ các nhà cung ứng trong nước chưa tới 1%, trong khi 15% đến từ các doanh nghiệp FDI vệ tinh, phần lớn còn lại phải nhập khẩu hoàn toàn. Vì vậy, với mức thuế suất đối ứng dự kiến 40% đề xuất với hàng hóa “trung chuyển” cho ngành này thì đánh giá đây là cơ hội để Việt Nam nâng cao vai trò trong chuỗi cung ứng trong thời gian tới.
Thu Minh