Theo đó, Dự thảo 1 bao gồm 6 Chương, 35 Điều, trong đó đối tượng áp dụng của Nghị định này gồm các tổ chức, cá nhân tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn, cụ thể như sau: Đơn vị phát điện, khách hàng sử dụng điện lớn, chủ đầu tư khu công nghiệp, các đơn vị điện lực như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam; đơn vị điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện; đơn vị truyền tải điện; Tổng công ty Điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; đơn vị bán lẻ trong khu công nghiệp.
Các hình thức của cơ chế mua bán điện trực tiếp bao gồm: Mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây kết nối riêng (không qua lưới điện Quốc gia) hoặc qua lưới điện Quốc gia.
Ngoài ra, khách hàng sử dụng điện lớn ký hợp đồng mua bán điện với Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực để mua toàn bộ điện năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng theo quy định tại Mục 2, chương III Nghị định này; Đơn vị phát điện ký Hợp đồng kỳ hạn với khách hàng sử dụng điện lớn để quản lý rủi ro theo quy định tại Mục 3, chương III Nghị định này.
Trong Dự thảo này, các vấn đề cơ bản như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các hình thức của cơ chế mua bán điện trực tiếp đã được xác định rõ ràng, đi cùng với đó là các quy định về hợp đồng, giá, cơ chế thanh toán giữa các bên và đặc biệt là trách nhiệm của các bên tham gia mua bán điện theo cơ chế DPPA.
Hiện Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế DPPA để tổng hợp, tiếp thu hoàn thiện và trình Chính phủ trước ngày 30/4/2024./.
Đức Duy