Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Nhiều giải pháp hỗ trợ ngành hàng không bị ảnh hưởng từ dịch

BNews | 13/02/2020

Cục Hàng không xác định, thiệt hại của ngành hàng không do nCoV là rất lớn nhưng do khách quan và không thể tránh khỏi.

 

  • Cục Hàng không đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cho các hãng hàng không.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục đã xây dựng 3 kịch bản cho thị trường hàng không và đưa ra các giải pháp điều tiết cũng như kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ ngành bị ảnh hưởng virus Corona.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng. Ảnh: TTXVN.

Ông có thể đánh giá những tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) tới ngành hàng không Việt Nam?

- Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với ngành hàng không là rất lớn. Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trước khi có dịch Covid-19, thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc có 14 hãng của cả hai nước tham gia khai thác, trong đó, có 11 hãng Trung Quốc với tổng tần suất đạt 240 chuyến/chiều/tuần và 3 hãng nội địa. Có thể kể đến như Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air khai thác 72 đường bay từ 5 điểm tại Việt Nam đến 48 điểm tại Trung Quốc với tổng tần suất đạt 276 chuyến/chiều/tuần thường lệ và 145 chuyến/tuần/chiều không thường lệ.

Như vậy, trước khi dịch xảy ra, 14 hãng hàng không Trung Quốc và ba hãng hàng không của Việt Nam hàng ngày thực hiện gần 100 chuyến bay giữa hai nước.

Mặt khác, năm vừa qua, sản lượng khách giữa Việt Nam - Trung Quốc đạt 7,5 triệu khách. Đây là thị trường lớn thứ 2 sau Hàn Quốc và là thị trường lớn có tiềm năng lâu rất lớn. Để phòng chống dịch bệnh Covid-19,  theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta đã thực hiện dừng các chuyến bay chở khách giữa hai quốc gia, với số lượng khách rất lớn. Tuy nhiên, đợt dịch bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến các chuyến bay đến Trung Quốc mà ảnh hưởng đến các thị trường khác.

Đặc biệt thị trường Đông Bắc Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc)…., khách đến Việt Nam đều sụt giảm cả. Cùng với đó, thị trường các nước châu Âu cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, hành khách đi lại bằng đường hàng không tại thị trường nội địa cũng bị giảm nhiều.

Trước tình hình này, Cục Hàng không Việt Nam tiến hành họp trao đổi, bàn các biện pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng, để tái cơ cấu lại thị trường hàng không. Tuy nhiên, tái cơ cấu sang thị trường nào thì cũng cần có thời gian chuẩn bị nhất là trong bối cảnh tổng thị trường hàng không thế giới, khu vực và trong nước đều bị ảnh hưởng.

Ngày 11/2, Vietjet Air đã mở thêm các đường bay thẳng tới Ẩn Độ và đây được xem là một biện pháp. Đó là mở rộng ra các thị trường quan trọng có tiềm năng lớn và cũng là biện pháp tái cấu trúc đường bay, hỗ trợ cho các hãng hàng không. Tới đây, các hãng hàng không của Việt Nam cũng dự kiến mở thêm các đường bay tới Australia.

Thiệt hại lớn của ngành hàng không Việt Nam từ dịch Covid-19 là rất lớn nhưng các hãng hàng không cũng như ngành hàng không đã xác định đây là những thiệt hại không thể tránh khỏi và nguyên nhân hoàn toàn khách quan.

- Trước những ảnh hưởng lớn của ngành hàng không từ dịch Covid-19, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất những giải pháp hỗ trợ nào, thưa ông?

- Trước tiên, để khôi phục thị trường, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng hàng không tiếp tục nghiên cứu các thị trường mới; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng để mở lại các chuyến bay sau khi dịch bệnh chấm dứt.

Thứ hai, các đơn vị cung ứng dịch vụ cũng như các hãng hàng không bàn giải pháp giảm chi phí cho các hãng hàng không. Cùng với đó, các hãng hàng không cần đàm phán với các hãng cho thuê máy bay, theo hướng giảm bớt tàu bay thuê, thậm chí trả lại tàu bay đã thuê trong giai đoạn khó khăn này.

Tiếp theo các hãng hàng không cần làm việc với các nhà sản xuất máy bay tạm hoãn lịch bàn giao máy bay. Bởi, thời điểm này đang dư thừa máy bay nếu nhận về cũng chưa khai thác được mà còn gánh thêm chi phí khác. Theo thống kê đến thời điểm này, các hãng hàng không của Việt Nam đang dư thừa khoảng 30 máy bay.

Đối với các nhà cung ứng dịch vụ lớn như: Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, chúng tôi đã lên phương án báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải xin phép giảm giá điều hành bay, cất hạ cánh. Kinh nghiệm này đã thực hiện trong đợt dịch SARS (SARS-CoV) xảy ra 2003.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị xem xét giảm thuế nhập khẩu xăng dầu cho các hãng hàng không để giúp đỡ các đơn vị này giảm bớt khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

- Dịch Covid-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, vậy Cục Hàng không đã xây dựng kịch bản như thế nào cho ngành hàng không Việt Nam?

- Cục Hàng không Việt Nam cũng đã xây dựng 3 kịch bản cho thị trường hàng không căn cứ theo kinh nghiệm rút ra từ phòng, chống dịch SARS trước đây. Cụ thể, nếu đến tháng 4 hết dịch Covid-19, lượng khách thông qua các sân bay của Việt Nam đạt khoảng 119 triệu (giảm 2,1% so với cùng kỳ). Nếu tháng 6 hết dịch Covid-19, lượng khách thông qua khoảng 111,6 triệu (giảm 4,2%) còn nếu tháng 8/2020 hết dịch, lượng khách thông qua khoảng 98,5 triệu (giảm 15,5%).

Theo báo cáo sơ bộ của các hãng hàng không, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay đến Trung Quốc là hơn 10.000 tỷ đồng.

Tin khác »