Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Đo sức cầu

DTCK | 18/10/2017

Blackrock, Wellington Mana, JP Morgan Assets Management, Allianz Global Investors… là những nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm đến cổ phiếu VNM trong đợt thoái 3,3% vốn nhà nước dự kiến diễn ra đầu tháng 11 tới.

 

Về lộ trình bán cổ phần, SCIC sẽ công bố thông tin về quy chế bán cổ phần chậm nhất vào ngày 21/10/2017, công bố giá khởi điểm và nhận đăng ký và đặt cọc của nhà đầu tư từ ngày 1/11/2017. Buổi chào bán cạnh tranh dự kiến tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) ngày 10/11/2017.

“Làm mới” cách bán

Sẽ có nhiều điểm mới được áp dụng tại đợt thoái vốn này. Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện bán vốn của SCIC tại Vinamilk vào năm 2016, SCIC đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư như đặt cọc tiền USD, gia hạn thời gian đăng ký mã số giao dịch, đơn giản hóa quy trình thanh toán…

Để đảm bảo việc thực hiện bán phần vốn nhà nước tại Vinamilk một cách công khai, minh bạch, thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm, ngày 18/10/2017, SCIC phối hợp với HOSE, Vinamilk và Liên danh tư vấn tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Vinamilk, bên cạnh đó roadshow sẽ được tổ chức ở 2 thị trường nước ngoài là Singapore và Hongkong.

Ngoài những cái tên được được nêu ở trên (khoảng 35 tổ chức nước ngoài) bày tỏ quan tâm tới đợt bán vốn VNM, trong đó phần lớn là các nhà đầu tư tài chính, giới phân tích cho rằng, các cổ đông hiện hữu của VNM như F&N (Singapore), cổ đông nước ngoài chiếm tỷ lệ sở hữu lớn nhất, có thể là những ứng viên sáng giá cho đợt chào bán thỏa thuận cạnh tranh lần này.

F&N Dairy gần đây liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu VNM và mới đây, tập đoàn này đăng ký mua gần 21,77 triệu cổ phiếu VNM. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 2/10 đến 31/10/2017 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn. Lưu ý là trong 3 lần đăng ký gần nhất với khối lượng xấp xỉ 15 triệu cổ phần/lần, F&N đều thất bại với lý do chưa đạt giá kỳ vọng.

Số lượng cổ phần đem ra chào bán không quá lớn (hơn 48 triệu cổ phần), nếu tính theo thị giá VNM hiện tại, giá trị lô cổ phần trên vào khoảng 7.000 tỷ đồng. Do đó, trong lần chào bán này, SCIC không hạn chế số lượng cổ phần được mua tối đa như lần trước.

Một điểm được đánh giá cải tiến nữa trong đợt chào bán lần này là các nhà đầu tư, bao gồm cả cổ đông lớn của VNM hiện nay, sẽ không phải công bố chào mua công khai. Việc bảo mật thông tin tham gia các thương vụ đầu tư ở giai đoạn đàm phán luôn được các nhà đầu tư nước ngoài coi trọng, do đó, đây sẽ là điểm cộng cho đợt bán vốn của VNM tới đây.

Ẩn số giá khởi điểm

Thông tin giới đầu tư quan tâm nhất hiện nay là cổ phiếu VNM sẽ được chào bán ở mức giá nào? Về vấn đề này, theo chia sẻ của lãnh đạo SCIC, giá khởi điểm dự kiến công bố sát ngày đấu giá (khoảng 10 ngày) để “gần” nhất với giá thị trường và không làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu VNM trên sàn chứng khoán.

Còn nhớ, ở lần bán vốn trước đây, khi giá khởi điểm VNM được công bố là không thấp hơn 144.000 đồng/cổ phần, thị trường sau đó đã ồn ào với các nghi vấn về việc khối ngoại giao dịch nhằm ép giá VNM không cao hơn so với mức giá thấp nhất tạm ấn định. Có lẽ lần bán này, các bên đã rút kinh nghiệm của đợt trước để giữ giá VNM đến sát ngày chào bán.

Tuy nhiên, có thể thấy rõ một điểm rằng, dù được công bố theo phương thức và thời gian nào, giá khởi điểm VNM khó có thể thấp hơn so với thị giá cổ phiếu VNM trên sàn. Giả định rằng, thị giá VNM xoay quanh mức 150.000 đồng/cổ phần, giá trị lô cổ phần không quá lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài quy mô lớn nhưng có vẻ như “rất khủng” với các nhà đầu tư trong nước. Đặc biệt, phương thức áp dụng giá khởi điểm lần này được nhận xét “sát giá” giao dịch trên sàn, khiến cho các nhà đầu tư trong nước và đầu tư ở quy mô nhỏ, nhiều khả năng kém hào hứng.

Xét trên các chỉ số cơ bản và tiềm năng doanh nghiệp, cổ phiếu VNM vẫn khẳng định được đẳng cấp của mình. Chẳng hạn, sau khi điều chỉnh giá do tạm ứng cổ tức, từ đầu năm 2017 đến nay, cổ phiếu VNM đã tăng từ vùng giá 122.300 đồng/cổ phiếu lên 147.000 đồng/cổ phiếu, tăng 20%.

Chín tháng đầu năm 2017, VNM đạt 38.758 tỷ đồng doanh thu và 8.545 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 10,34% và 13,61% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt của ngành hàng sữa, duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số với quy mô doanh nghiệp ở mức rất lớn như VNM, tiếp tục là thành tích rất nổi trội.

Anh Việt

Tin khác »