Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Nếu không thoát thẻ vàng, hải sản sẽ gánh thẻ đỏ

TBKD | 24/04/2019

Cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2019, Đoàn kiểm tra của Uỷ ban châu Âu sẽ sang Việt Nam để kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Nếu kết quả không đáp ứng yêu cầu, nguy cơ cao hải sản Việt Nam sẽ bị áp dụng biện pháp "thẻ đỏ". Điều đó có nghĩa tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU.

 

Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU) và đưa ra khuyến nghị chính thức để Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nhằm cải thiện công tác quản lý nghề cá. Khi bị cảnh báo "thẻ vàng", sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam đã và đang bị kiểm tra rất chặt, kiểm tra 100% lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU).

Cảnh báo nguy cơ "thẻ đỏ"

Tại Hội nghị Báo cáo kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, chiều ngày 23/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cho biết tháng 5/2018, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của EC sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC và dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6/2019 Đoàn tiếp tục vào kiểm tra thực hiện 4 nhóm khuyến nghị đề nghị Việt Nam tiếp tục khắc phục để chống khai thác IUU gồm: Khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật; truy xuất nguồn gốc.

"Lãnh đạo các địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN cần phải đóng góp ý kiến thẳng thắn nhằm khắc phục tình trạng trên. Với khát khao xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, văn minh thì không thể để tình trạng EC phạt "thẻ vàng" đối với hải sản. Hơn nữa, nếu kết quả kiểm tra trên thực tế không đáp ứng được các khuyến nghị của EC, nguy cơ cao sẽ bị áp dụng biện pháp "thẻ đỏ". Hơn nữa, EU là thị trường tín chỉ, vì vậy các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản XK Việt Nam", ông Cường cảnh báo.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết hiện trạng chống khai thác IUU của Việt Nam trên thực tế chưa được cải thiện đáng kể. Sự chỉ đạo của các cấp, các ngành tại địa phương chưa thực sự quyết liệt, xử lý vi phạm chưa nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, công tác thực thi pháp luật để đảm bảo việc ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài chưa hiệu quả, tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác còn nhiều thiếu sót.

Cụ thể, về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, hầu hết các hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản được kiểm tra không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, các lỗi được phát hiện trong quá trình kiểm tra phần lớn đều nằm trong lỗi hệ thống kiểm soát trong chuỗi.

Điển hình như sản lượng cập bến từ tàu chuyển tải nhưng xác nhận cho các tàu khai thác mà tàu chuyển tải mua lại; phần lớn các hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản không truy xuất được dữ liệu tàu cá cập cảng và sản lượng bốc dỡ từ sổ cái.

Đặc biệt vẫn còn 13 lô hàng xuất vào thị trường EU bị tạm dừng thông quan để xác minh, kiểm tra thông tin (chiếm 0,03%).

Thực thi pháp luật kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác IUU cũng còn phức tạp. Trong năm 2018, xảy ra 85 vụ/137 tàu/1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng 28 vụ/46 tàu/379 ngư dân so với năm 2017, tập trung tại các nước gồm Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Indonesia…

Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp, đã xảy ra 16 vụ/26 tàu/96 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết hiện nay, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển của các nước bằng công cụ khai thác thủy sản mang tính huỷ diệt như sung điện rất nhức nhối. Lực lượng chức năng nhận thấy các tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển của các nước Indonesia, Malaysia, Campuchia diễn ra thường xuyên.

Năm 2017, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã hai lần phải đón ngư dân do phía Indoneisa trao trả với gần 1.000 người, có nhiều người tái phạm cả hai lần. Ở Malaysia, ngư dân Việt Nam sang đánh bắt còn làm giả biển số tàu của họ.

"Hiện nay vẫn chưa có vụ vi phạm nào bị xử lý hình sự. Do vậy, Việt Nam cần phải có chế tài xử lý "mạnh tay" đối với các đối tượng cầm đầu, tổ chức bà con ngư dân tham gia đánh bắt thủy sản trái phép", ông nhấn mạnh.

Còn nhiều bất cập

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chia sẻ các tỉnh rất quyết liệt nhưng thực tế còn khó khăn, dẫn tới kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu phía EC đưa ra.

Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang xây dựng hệ thống thiết bị giám sát hành trình tàu cá – tỉnh mong muốn kết thúc sớm hơn nhưng tâm lý của người dân vẫn theo kiểu tới thời điểm chót mới lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Trên thực tế, khi vi phạm, mọi việc điều động do thuyền trưởng quyết định. Nên xử phạt nặng đối với thuyền trưởng vi phạm để đảm bảo tính răn đe. Sau khi vi phạm được các nước thả về, cơ quan chức năng phải điều tra để xác định tội danh. Giám sát tàu cá qua cảng là nhiệm vụ cấp bách nếu không khắc phục được, phía EC sẽ khó dỡ bỏ thẻ vàng cho Việt Nam.

Đặc biệt, quản lý tàu cá, sản phẩm qua cảng, tỉnh Cà Mau cũng như các tỉnh khác đều có kết quả khiêm tốn. Có cả nguyên nhân khách quan, lẫn chủ quan. Riêng tỉnh Cà Mau nhận thấy có một số nguyên nhân, về cơ sở hạ tầng, cảng cá đủ tiêu chuẩn cho tàu cập bến, triển khai hoạt động kiểm soát chưa nhiều – chỉ đáp ứng được 20-30%, còn lại cập bến ở các cảng tự do; trình độ của thuyền trưởng còn kém, thiết bị giám sát hành chính cần có ứng dụng dễ dàng để cho thuyền trưởng ghi nhật ký…

Theo đại diện tỉnh Thanh Hóa, ngư dân đang khai thác tự do, giờ đi theo khuôn khổ nên rất khó. Trong khi đó, nhận thức, trình độ của ngư dân rất hạn chế. Bên cạnh đó, muốn gỡ thẻ vàng, ngay cả hạ tầng cảng biển cũng phải làm đồng bộ, vệ sinh sạch sẽ. Nếu EC đi kiểm tra, họ thấy bệ rạc, cảng không ra cảng, vệ sinh môi trường bẩn thỉu, chúng ta có nói mấy cũng trở thành vô nghĩa.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, cho rằng hiện nay, Việt Nam vẫn đang bàn nhiều tới khó khăn mà chưa nói tới giải pháp cụ thể, thời gian hoàn thành các nhiệm vụ để thoát khỏi thẻ vàng.

Bà Sắc dẫn chứng như Thái Lan, vừa qua tại hội chợ thủy sản Boston, Thái Lan làm một chương trình truyền thông về việc làm sao để thoát khỏi "thẻ vàng" của EC sau 4 năm. Rõ ràng, Việt Nam cần phải có kế hoạch, quy trình về việc làm cái gì trước, cái gì sau và có thời gian cụ thể.

Bên cạnh đó, thoát thẻ vàng chính là con đường để ngành thủy sản Việt Nam hướng tới phát triển bền vững. Những năm 1960, quốc gia Nauy có 6 triệu dân với 60 chục ngàn tàu cá, đánh bắt 2 triệu tấn cá/ mỗi năm, giờ đây họ chỉ có 2 ngàn tàu cá nhưng vẫn đánh bắt được 2 triệu tấn cá mỗi năm. Điều đó có nghĩa Nauy đã biến ngành cá của họ từ một ngành thô sơ lên chuyên nghiệp. Đây là điều mà Việt Nam phải học.

Lê Thúy

Tin khác »