Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Việt Nam tăng trưởng 6,8% hoặc cao hơn năm 2018, các năm tới giảm dần

NDH | 11/12/2018

World Bank cho rằng kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững nhưng rủi ro tăng lên. Năm 2018 GDP dự báo tăng 6,8% hoặc cao hơn, những năm 2019 - 2020 giảm dần ở mức 6,6% và 6,5%.

 

Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) vừa đưa ra dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2018 của Việt Nam ở mức 6,8%, cũng có khả năng tăng cao hơn và giảm dần ở mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và 2020.

Lạm phát tiếp tục duy trì ở mức 4% do chính sách tiền tệ được thắt chặt.

"Cho dù bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng vững, song song với lạm phát ở mức vừa phải và có tỷ giá tương đối ổn định", ông Ousmane Dione, Giám đốc WB Việt Nam, nhận định.

Mổ xẻ kỹ hơn về kinh tế Việt Nam năm 2018, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, cho biết, nhìn về phía cầu tăng trưởng vẫn dựa trên phía cầu trong nước.

Đầu tư tiếp tục tốt trên cơ sở đầu tư khu vực tư nhân bao gồm cả khu vực FDI. Đầu tư công có xu hướng suy giảm so với trước đây.

Theo WB, xuất khẩu ròng đóng góp tích cực trong tăng trưởng 6 tháng đầu năm. Cán cân thương mại có cải thiện trong năm 2018. Thặng dư thương mại của Việt Nam vượt trội so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Như vậy, theo chuyên gia kinh tế trưởng WB, Việt Nam đang có sự mở rộng thị phần thương mại so với các quốc gia ASEAN khác.

Tài khoản vốn, cán cân thanh toán đang thặng dư dù có áp lực dòng vốn tháo rút ra ngoài. Dòng vốn FDI đổ vào đang vững, tốc độ giải ngân đang tăng nhẹ trong năm nay.

Tuy nhiên, theo WB, triển vọng tăng trưởng trên vẫn tiềm ẩn những rủi ro đang tích tụ theo hướng xấu đi. Trong bối cảnh thương mại Việt Nam có độ mở cao, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ còn hạn chế, Việt Nam vẫn dễ chịu ảnh hưởng bởi các biến động bên ngoài.

Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời, thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm dòng vốn đầu tư cũng như đầu tư nước ngoài. Trong nước, cải cách doanh nghiệp Nhà nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh tăng trưởng và gia tăng các nghĩa vụ cho khu vực công.

Nam Anh

Tin khác »