Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Đến thời cổ phiếu phân bón?

VNE | 17/06/2021

Cổ phiếu ngành phân bón tăng khá tốt trong thời gian gần đây, thậm chí nhiều phiên ngược dòng thị trường để giữ sắc xanh. Theo các dự báo, doanh nghiệp sản xuất phân bón đều có kết quả kinh doanh tích cực trong 2 quý gần đây...

 

Hưởng lợi trực tiếp từ giá lương thực và kỳ vọng chính sách mới, nhóm cổ phiếu ngành phân bón liên tục bứt phá, xác lập vùng giá mới và dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới bởi triển vọng tích cực.

HỨA HẸN KHỞI ĐẦU MỚI

Sau khi tạo đáy vào tháng 4/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nông sản hồi phục và tăng lên mức cao nhất trong 5 năm. Theo số liệu của WorldBank, chỉ số giá nông sản và ngũ cốc có mức tăng lần lượt 36,6% và 36,4% từ đáy tháng 4 năm ngoái.

Giá phân bón thế giới tạo đáy vào tháng 6/2020, trễ 2 tháng so với giá nông sản. Chỉ số giá phân bón sau đó cũng tăng lên mức cao nhất trong 5 năm, đạt 58,8%. Giá phân bón Việt Nam cũng tăng mạnh từ cuối tháng 12 năm ngoái sau khi tạo đáy trong khoảng thời gian tháng 7 – 10/2020.

Đáng chú ý, bên cạnh giá, khối lượng tiêu thụ phân bón của Việt Nam cũng tăng 8,2% trong 4 tháng đầu năm nay.

Trước đó, mức độ thâm nhập thị trường của phân bón tại Việt Nam đã sớm giới hạn. Từ năm 2013 mức độ tiêu thụ phân bón tại Việt Nam đạt đỉnh 484 kg/ha và giảm dần về còn 415 kg/ha năm 2018 – mức cao nhất trong khu vực tại thời điểm đó.

Nhu cầu phân bón tăng cũng kéo theo giá nguyên liệu đầu vào như khí thiên nhiên và dầu nhiên liệu (dầu F0, giá bán khí ở Việt Nam neo theo giá dầu F0) tăng 106% từ mức đáy vào cuối tháng 3/2020.

Đối với nguyên liệu đầu vào của phân lân và kali, acid phosphoric tại Trung Quốc và quặng phosphoric Bắc Phi tăng lần lượt 58% và 80%. Riêng giá kali đang cải thiện mạnh mẽ ở thị trường Mỹ, bên cạnh đó Liên minh châu Âu bắt đầu áp lệnh cấm vận với Belarus – nơi có nhà sản xuất Kalu lớn nhất thế giới khiến giá kali có thể tiếp tục tăng cao.

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN), giá bán và chi phí đầu vào đều đã tăng mạnh khiến triển vọng ngành phân bón ngắn hạn khó dự đoán.

"Tuy nhiên, nếu giá nông sản giữ được mức cao hoặc tiếp tục tăng sẽ hỗ trợ ngành phân bón trong trung và dài hạn", nhóm nghiên cứu tại MASVN nhấn mạnh.

Mặt khác, hiện tại chính sách thuế xếp phân bón vào nhóm không chịu thuế giá trị gia tăng nên khách hàng không phái trả thêm 10% thuế giá trị gia tăng khi mua nhưng khi doanh nghiệp thanh toán các chi phí đầu vào của quá trình sản xuất vẫn phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng.

Mới đây, ngày 6/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết 48 về việc sửa đổi, bổ sung luật thuế giá trị gia tăng. Nếu luật thuế mới được thông qua, ngành phân bón sẽ chịu 5% thuế giá trị gia tăng. Đồng nghĩa, giá bán tăng 5% nhưng doanh nghiệp sẽ được khấu trừ toàn bộ 10% thuế giá trị gia tăng cho các chi phí đầu vào.

Kết quả sẽ còn tùy thuộc vào việc các doanh nghiệp điều chỉnh giá bán ra sao sau luật mới. Tuy nhiên, về cơ bản đây là thay đổi tích cực đối với ngành phân bón.

CỔ PHIẾU PHÂN BÓN BỨT PHÁ

Theo thống kê, các doanh nghiệp ngành phân bón trên sàn chứng khoán gồm có Đạm Cà Mau (DCM), Đạm Phú Mỹ (DPM), DAP Vinachem (DDV), Phân bón Bình Điền (BFC), Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) và Phân bón Miền Nam (SFG) đều có kết quả kinh doanh tích cực trong 2 quý gần đây, sự cải thiện đến từ doanh thu lẫn biên lợi nhuận so với cùng kỳ.

Biên lợi nhuận gộp của một số doanh nghiệp phân bón

Với kỳ vọng bứt phá, nhiều công ty chứng khoán đã khuyến nghị nhà đầu tư mua cổ phiếu ngành phân bón.

Cụ thể, công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, DPM có thể đạt sản lượng kinh doanh phân bón và hóa chất các loại với 1,27 triệu tấn, tăng 3% so với 2020, Doanh thu đạt 9.473 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 977 tỷ, lần lượt bằng 122% và 115% so với 2020. Định giá cổ phiếu ở mức 23.300 đồng/cổ phần, “Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu DPM”, MSB khuyến nghị.

Hay Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định, giá khí nguyên liệu, giá phân bón sẽ tăng cao trong năm 2021. Theo đó, giá dầu dự báo tăng ở mức trung bình 60 USD/thùng khiến giá khí nguyên liệu tăng cao. Đồng thời, nguồn cung phân bón đang hạn chế do thiếu hụt từ lượng nhập khẩu, nhất là từ thị trường Trung Quốc và việc nông sản được giá cũng là yếu tố hỗ trợ gia tăng nhu cầu sử dụng phân bón.

Trong bối cảnh đó, DCM ghi nhận kết quả kinh doanh khá thuận lợi từ quý đầu năm. PSI khuyến nghị mua DCM với giá mục tiêu 22.900 đồng/cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu dòng tiền.

Giá của cổ phiếu ngành phân bón trong phiên sáng ngày 17/6

Tương tự, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cũng đánh giá, với triển vọng ngành khả quan trong năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp phân bón nội địa đều được hưởng lợi.

“Chúng tôi đưa ra khuyến nghị “khả quan” đối với ngành phân bón Việt Nam năm 2021. Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành, có năng lực cạnh tranh và tình hình tài chính tốt (DPM), hoặc doanh nghiệp có triển vọng xuất khẩu sản phẩm ra các nước khu vực Châu Á (DCM và BFC). Chính sách thuế GTGT nếu được đề xuất và Quốc hội thông qua trong năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp nội địa đều được hưởng lợi (trong đó LAS được hưởng lợi lớn nhất)”, FPTS ghi trong báo cáo ngành phân bón.

Thực tế, cổ phiếu ngành phân bón tăng khá tốt trong thời gian gần đây, thậm chí nhiều phiên ngược dòng thị trường để giữ sắc xanh. Điển hình nhất trong phiên sáng 17/6, VN-Index giảm 4,35 điểm nhưng đa số cổ phiếu ngành phân bón vẫn tăng trên 2% như BFC, DCM, LAS, PSW và TSC.

Thuỷ Tiên

Tin khác »