Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Tín hiệu mới từ dòng vốn Nhật

DTCK | 21/09/2017

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Tateaki Ishida, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tài chính Tokai Tokyo cho biết, ông rất ấn tượng với sự tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam trong mấy năm gần đây.

 

Ông Ishida quyết định đến Việt Nam tìm cơ hội phát triển kinh doanh và  đối tác Việt Nam đầu tiên được Tập đoàn đặt quan hệ hợp tác là Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).

Tokai Tokyo tìm cơ hội

Thống kê của Bộ Tài chính cho biết, đến cuối tháng 8/2017, toàn TTCK có 21.800 tài khoản nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 33% số tài khoản là của nhà đầu tư Nhật Bản.

Con số này cho thấy, nhà đầu tư Nhật có sự quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Việt Nam lớn hơn nhiều nhà đầu tư ở các quốc gia khác.

Tuy nhiên, các hoạt động giải ngân vào cổ phiếu trên TTCK và mua chiến lược tại các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, có nguyên nhân từ tâm lý cẩn trọng trong văn hóa đầu tư của người Nhật, nhưng cũng có nguyên nhân từ niềm tin kinh doanh chưa được xác lập rõ nét giữa hai thị trường.

Ông Ishida cho biết, ở Nhật Bản, Tập đoàn Tokai Tokyo có 127 điểm giao dịch, đồng thời có các công ty con ở châu Âu, châu Á, Mỹ. Tập đoàn có tệp khách hàng đa dạng và có nhiều cổ đông lớn, như Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ, ltd; Toyota Financial Services Corporation, Nippon life Insurance Company; Mitsui Sumitomo Insurance Co,ltd...

Thực tế, từ 1 năm trước, Tokai Tokyo đã tìm hiểu cơ hội phát triển kinh doanh ở thị trường Việt Nam và nhận ra có nhiều mảng mà Tập đoàn, cũng như Công ty Chứng khoán Tokai Tokyo thực thuộc có thể khai thác.

Ông cùng các cộng sự quyết định đến Việt Nam lần này, bước đầu ký thỏa thuận hợp tác với BVSC để qua đó tìm cơ hội phát triển các mảng nghiệp vụ như ngân hàng đầu tư, M&A, phát triển sản phẩm, đào tạo…

“BVSC sẽ là “cánh cổng” giúp Tập đoàn hiểu rõ hơn về hoạt động của Sở GDCK, của doanh nghiệp và TTCK, tư vấn cho Tokai Tokyo bước sâu hơn vào TTCK Việt Nam”, ông nói.

Sở dĩ chọn BVSC, như ông Ishida chia sẻ, là bởi Tập đoàn Bảo Việt (Tập đoàn mẹ của BVSC) đã hợp tác với nhiều đối tác từ Nhật Bản như Sumitomo Life, Tập đoàn Bảo hiểm Tokio Marine từ nhiều năm nay và lợi ích từ Bảo Việt chia lại cho các cổ đông khá tốt (cổ tức từ 8-15%/năm).

Tuy nhiên, với Tokai Tokyo, để đi đến quyết định đầu tư cụ thể, ông Ishida cho rằng, cần thêm thời gian để hiểu thị trường, nắm bắt cơ hội. Đó là lý do Tokai Tokyo bước đầu ký thỏa thuận hợp tác về mặt nghiệp vụ, trước khi tính đến câu chuyện rót vốn nhiều hơn.

Để vốn Nhật chảy mạnh vào Việt Nam

Ở Nhật Bản, Tokai Tokyo là Tập đoàn tài chính trong Top 10 về doanh thu và lợi nhuận (sau Normura, Mizuho, Daiwa, SMBC Nikko…).

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc BVSC cho biết, Công ty ông và các bộ phận chuyên môn của Tập đoàn sẽ có cuộc làm việc cụ thể sau việc ký kết hợp tác, để nắm bắt nhu cầu đối tác và tìm sự kết nối phù hợp cho các nhu cầu đầu tư.

BVSC hiện có khá nhiều nhà đầu tư Nhật mở tài khoản, nhưng thực tế mức độ giải ngân của các chủ thể này còn khiêm tốn.

Ông Hòa hy vọng, khi hợp tác sâu hơn với Tokai Tokyo, BVSC sẽ thuận lợi hơn trong chiến lược mở rộng khách hàng sang thị trường khu vực và quốc tế.

Khác với phong cách đầu tư của nhiều nhà đầu tư quốc tế, người Nhật có xu hướng tìm hiểu kỹ, đầu tư sâu và đi lâu dài với doanh nghiệp.

Trên TTCK, năm 2012, Mizuho đã mua 15% vốn cổ phần của Vietcombank và nắm giữ dài hạn. Năm 2013, Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ đã mua 20% cổ phần của Vietinbank và ở lại với Ngân hàng từ đó. Gần đây hơn, năm 2016 ghi nhận 2 thương vụ lớn: Hãng hàng không ANA (Nhật Bản) đã mua 8,77% vốn cổ phần của Vietnam Airlines và JX Nippon & Energy mua 10% cổ phần của Petrolimex…

Có những khoản đầu tư đã mất đến 5 năm đàm phán, nhưng khi hai bên đã chốt chọn nhau thì rất khó có chuyện vốn Nhật thoái lui, bán đi để chốt lãi hoặc cắt lỗ.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam do Bộ Tài chính tổ chức tại Tokyo tháng 8 vừa qua, đại diện JICA cũng như một số tổ chức Nhật cho biết, điều họ cần nhất là sự minh bạch và kỷ cương thị trường.

Nhiều nhà đầu tư rất muốn tận dụng cơ hội tăng trưởng cao của nền kinh tế và TTCK để mở rộng kinh doanh, nhưng trong đánh giá của phía Nhật, đại đa số doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tiếp cận các chuẩn mực quản trị vượt qua khung khổ quốc gia.

Nếu các doanh nghiệp minh bạch hơn, tuân thủ chuẩn mực kế toán quốc tế và công bố thông tin thường xuyên bằng tiếng Việt và tiếng Anh, sẽ hỗ trợ tốt hơn cho vốn Nhật chảy vào và ở lại.

Tường Vi

Tin khác »