Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

“Sóng” cổ phiếu vua và kỳ vọng từ cơ chế mới xử lý nợ xấu

DDDN | 24/05/2017

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là tâm điểm của thị trường trong những phiên gần đây khi VCB, BID, CTG, EIB, MBB đều tăng giá lên mức trần hoặc sát trần.

 

Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh

Phiên giao dịch sáng nay (24/5), nhóm cổ phiếu ngân hàng VCB, BID, CTG, ACB, MBB…sau những phút đầu phiên có phần trầm lắng đã bứt tốc mạnh và là nguyên nhân chính giúp thị trường tăng điểm. Trong đó, MBB hiện tăng gần kịch trần lên 18.750 đồng.

Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường cuối phiên sáng đã giúp các chỉ số lấy lại sắc xanh tăng điểm. Theo đó, VnIndex tăng 2,29 điểm (0,31%) lên 743,22 điểm; Hnx-Index tăng 0,76 điểm (0,82%) lên 92,66 điểm và chỉ có Upcom-Index giảm nhẹ 0,21 điểm (0,37%) xuống 57,7 điểm.

Cụ thể, BID tăng 2,43%, CTG tăng 3,2%, VCB và STB cùng tăng 2,02%, đáng chú ý MBB sau phiên điều chỉnh hôm qua đã trở lại xu hướng tăng với mức tăng vượt trội 6,5%, tiến sát mức giá trần 18.750 đồng/CP.

Trên sàn Hà Nội, với mức tăng 0,76 điểm (+0,82%), HNX-Index chốt phiên tại mức 92,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,74 triệu đơn vị, giá trị 354,69 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,29 triệu đơn vị, giá trị 38,14 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu ngân hàng là ACB và SHB tăng khá tốt, trong khi ACB tăng 2,45% lên mức cao nhất phiên 25.100 đồng/CP và chuyển nhượng thành công hơn 1 triệu đơn vị, thì SHB tăng 2,94% và khớp lệnh dẫn đầu sàn đạt 9,68 triệu đơn vị.

Trước đó, ngày 22/5 đã trở thành một cột mốc đáng nhớ cho TTCK khi chỉ số VN-Index vượt mốc 740 điểm (mức cao nhất kể từ 2009) do các mã cổ phiếu ngân hàng góp vào đà tăng điểm. Một trong những nguyên nhân khiến các mã ngân hàng tăng là do cùng ngày kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc. Thông tin về việc NHNN đề xuất Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã tạo động lực cho nhóm cổ phiếu này.

Kỳ vọng ở Nghị quyết mới về xử lý nợ xấu

Theo tờ trình của Chính phủ, tính đến 31/12/2016, tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì chiếm 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế.

Trước thực trạng tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao và công tác xử lý còn chậm, gặp nhiều trở ngại như trong thời gian qua, Chính phủ đã trình Quốc hội nghị quyết mới về xử lý nợ xấu. Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xử lý nợ, giải phóng lượng vốn khổng lồ lên tới hơn 600.000 tỉ đồng.

Theo đánh giá của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nghị quyết lần này đã gỡ được rất nhiều nút thắt hiện nay trong việc xử lý nợ xấu. Thứ nhất, dự thảo nghị quyết cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường. Thứ hai, về quyền thu giữ tài sản đảm bảo, nhiều nút thắt trong luật đất đai hiện hành đã được xử lý. Cụ thể, bên có tài sản phải có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho các tổ chức tín dụng (TCTD) để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm. Thêm vào đó, nghị quyết mới đảm bảo cho quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các TCTD. Điều này giúp các TCTD rút ngắn thời giam thu hồi nợ, giảm thiểu tình trạng chây ỳ của người vay nợ.

Một điểm đáng chú ý khác là dự thảo mở ra hướng hỗ trợ, cho phép phân bổ số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng của tổ chức tín dụng chưa thoái theo quy định giãn ra trong lộ trình không quá 10 năm.

Nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này, BVSC cho rằng nghị quyết về xử lý nợ xấu sẽ sớm được đưa vào thực hiện, giúp đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu. Diễn biến trên TTCK những phiên gần đây cũng cho thấy kỳ vọng rất lớn của nhà đầu tư liên quan đến vấn đề này khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng mạnh và trở thành nhóm dẫn dắt cho chỉ số chung.

Linh Nga

Tin khác »