Giao diện Web Giao diện Mobile
   
Tin nóng Data Analyst|Business Information-HN|2|03/31/2022
Tin tức »

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/4

DTCK | 24/04/2019

Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/4 của các công ty chứng khoán.

 

Khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu POW với giá mục tiêu 17.300 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã POW) là một trong ba doanh nghiệp phát điện lớn nhất Việt Nam và có tiềm năng tăng trưởng trong ngắn hạn nhờ hết khấu hao ở nhà máy Cà Mau và trong dài hạn nhờ đầu tư thêm các nhà máy phát điện mới.

Năm 2019, PV Power dự kiến sẽ tăng mạnh lợi nhuận sau thuế với mức tăng trên 32% cùng với đó thì doanh nghiệp đã thực hiện chuyển sàn sang niêm yết HOSE từ đó sẽ thu hút mạnh hơn dòng vốn đầu tư của quỹ đầu tư cũng như các quỹ ETF.

Sử dụng phương pháp định giá EV/EBITDA, BVSC đánh giá mức giá hợp lý của POW là 17.300 đồng/CP tương đương với mức EV/EBITDA là 6,8 lần. Mức giá này cao hơn 22,7% so với mức giá đóng cửa tại ngày 19/04/2019.

Vì vậy, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu POW với mức giá mục tiêu là 17.300 đồng/CP.

DPM sẽ tiếp tục xu hướng tích lũy ngắn hạn

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (mã DPM) đang vận động trong kênh giá 16.69 – 18.34.

Chỉ báo RSI vẫn nằm trong vùng mua và xu hướng vận động trong vùng này ủng hộ trạng thái tích lũy ngắn hạn. Chỉ báo MACD tiếp tục cho thấy DPM vẫn có khả năng bị điều chỉnh vùng giá trong các phiên tiếp theo.

Vận động của tất cả các đường MA tiếp tục hướng xuống trừ MA 150 và MA 200 đi ngang cùng thanh khoản tiếp tục ở mức thấp cho thấy DPM sẽ tiếp tục xu hướng tích lũy ngắn hạn và có khả năng tiếp tục bị điều chỉnh trong trung hạn. Các ngưỡng hộ trợ của DPM là 16.94 mà mức kháng cực mạnh là 23.13.

Khuyến nghị bán dành cho GTN với giá mục tiêu 9.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Báo cáo thường niên 2018 của CTCP GTNfoods (GTN) cho biết công ty đề ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế trước lợi ích cổ đông thiểu số năm 2019 đạt lần lượt 3,1 nghìn tỷ đồng (tăng 5% so với năm 2018) và 110 tỷ đồng (tăng 6%). Mục tiêu nói trên không bao gồm lợi nhuận từ các khoản thanh lý tài sản.

Công ty cho biết yếu tố chính thúc đẩy doanh thu tăng trưởng 5% theo mục tiêu là dự kiến doanh thu Mộc Châu Milk (MCM) tăng 6%, Doanh thu xuất khẩu chè thô của Vinatea tăng 10% và doanh thu mảng chè thương hiệu của Vinatea tăng mạnh 50% từ mức cơ sở thấp. Mức tăng của các hoạt động cốt lõi nói trên đồng nghĩa với việc doanh thu từ các hoạt động ngoài cốt lõi tiếp tục giảm như chăn nuôi heo và phân phối nông nghiệp.

Mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế trước lợi ích cổ đông thiểu số của GTN năm 2019 lần lượt tương đương 103% và 94% dự báo tương ứng của chúng tôi. Tuy mục tiêu doanh thu công ty đề ra cho MCM và Vinatea cao hơn so với dự báo của chúng tôi nhưng công ty lại giả định biên lợi nhuận thấp hơn so với dự phóng hiện tại của chúng tôi.

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị bán dành cho GTN với giá mục tiêu 9.100 đồng/CP so với giá đóng cửa phiên hôm nay là 17.000 đồng/CP.

Khuyến nghị mua dành cho VHC với giá mục tiêu 123.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong báo cáo thường niên 2018, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) đã đặt kế hoạch doanh thu 2019 đạt 10 nghìn tỷ đồng (tăng 8,4% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 1,3 nghìn tỷ đồng (giảm 13%). Dù kế hoạch lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của VHC thấp hơn 30% dự báo của chúng tôi, chúng tôi lưu ý rằng VHC đã luôn vượt kế hoạch kinh doanh trong 5 năm qua.

Theo VHC, kế hoạch 2019 theo hướng thận trọng. Ngoài ra, triển vọng ngành của VHC phù hợp với dự báo của chúng tôi. Do đó, chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2019 đạt 1,8 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 24%) cho VHC.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho VHC với giá mục tiêu 123.100 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 39%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,4%.

Qua trao đổi với ban lãnh đạo, chúng tôi hiểu rằng mức chênh lệch giữa kế hoạch của VHC và dự báo của chúng tôi chủ yếu do giả định giá bán trung bình thận trọng hơn của VHC (VHC đặt kế hoạch giá bán trung bình giảm tối đa 10% trong năm 2019 so với giả định của chúng tôi là tăng 2%). Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng sản lượng 20% của VHC năm 2019 là cao hơn dự báo 10,5% của chúng tôi.

Đối với triển vọng ngành, theo VHC, việc thiếu hụt cá giống tiếp tục diễn ra vào đầu năm 2019 và công ty cũng dự báo v nguồn cung cá thương phẩm thắt chặt vào cuối năm 2019, phù hợp với dự báo của chúng tôi. Công ty cũng kỳ vọng sự phục hồi 20% về giá trị xuất khẩu sang EU trong năm 2019 sau một thập kỷ sụt giảm do các thông tin truyền thông tiêu cực, cao hơn giả định đi ngang của chúng tôi. VHC cũng đề cập khả năng thành lập một quỹ marketing của ngành để quảng bá hình ảnh cá tra trên thị trường toàn cầu.

VHC đặt kế hoạch vốn xây dựng cơ bản 2019 đạt 800 tỷ đồng, cao hơn 25% dự báo của chúng tôi chủ yếu do vốn đầu tư cao hơn dự kiến của VHC trong giai đoạn chế biến. Cụ thể, VHC có kế hoạch đầu tư 565 tỷ đồng để mở rộng công suất chế biến tại Vĩnh Phước và Thanh Bình - Đồng Tháp, 120 tỷ đồng cho vùng nuôi và 115 tỷ đồng để gia tăng công suất collagen và gelatin từ 2.000 tấn/năm lên 3.500 tấn/năm.

Ngoài ra VHC cũng công bố thông tin cập nhật cho dự án Công ty Sản xuất Giống cá tra Vĩnh Hoàn (VHC sở hữu 45%), vốn hướng đến cải thiện chất lượng cá giống, gia tăng khả năng đề kháng thời tiết bất lợi và bảo vệ VHC khỏi rủi ro thiếu hụt cá giống toàn ngành. Dự án dự kiến sẽ đạt quy mô 200ha khi hoàn thành các giai đoạn và chúng tôi ước tính khi đạt công suất tối đa, VHC có thể tự cung ứng gần 100% nhu cầu cá giống của mình.

T.T

Tin khác »